Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác cùng phát triển


Nhân dịp chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Bark Taeho đã có buổi diện kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào chiều nay 6/8, tại Trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Bark Ta
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Bark Ta

Hoan nghênh Bộ trưởng Bark Taeho sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả Hội đàm giữa Bộ trưởng Bark Taeho với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, đặc biệt là hai bên đã tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc. Thủ tướng cho rằng đây là mốc quan trọng đóng góp vào quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam-Hàn Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng và lợi thế có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển. Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trên các lĩnh vực. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai nước sớm hoàn thành đàm phán FTA nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Thương mại Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Hàn Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản, trái cây, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc như Lotte, CJ tổ chức giới thiệu và đưa hàng hóa của Việt Nam vào các hệ thống bán lẻ tại Hàn Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Bark Taeho đánh giá cao những thành công mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách về cải cách thủ tục hành chính, tài chính, ngân hàng của Việt Nam.
Vui mừng trước việc hai bên tuyên bố khởi động đàm phán FTA Hàn Quốc-Việt Nam, Bộ trưởng Bark Taeho cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này hai bên đã nhất trí nhiều giải pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước, nhất là việc đảm bảo cân bằng cán cân thương mại…của Việt Nam sang Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bark Taeho cho rằng, việc hoàn thành đàm phán FTA sẽ góp phần quan trọng đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đạt 25 tỷ USD vào năm 2015.

Theo (VGP) / Nguyễn Tấn Dũng

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Việt Nam nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ với Campuchia


Phát biểu tại buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Samdech Heng Samrin, chiều 23/7 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Campuchia và sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục làm sâu sắc hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn quan hệ hợp tác với Campuchia trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin sang thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm cũng như kết quả hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin; cho rằng kết quả chuyến thăm là đóng góp quan trọng nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. 

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, các chương trình hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã thống nhất, đặc biệt thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác giáo dục, y tế, văn hóa… nhất là ở các tỉnh biên giới của hai nước. Việt Nam nỗ lực hết mình ủng hộ Campuchia đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2012 cũng như ủng hộ Campuchia ứng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm trong năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2012, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Quốc hội Campuchia tiếp tục ủng hộ kiều dân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Campuchia có cuộc sống ổn định, đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia.

Cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với đoàn Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của đoàn nhằm tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Chủ tịch Heng Samrin bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mọi mặt mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chia sẻ những nét chính về tình hình kinh tế-xã hội của Campuchia; tin tưởng với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia trên các lĩnh vực sẽ ngày càng phát triển sâu rộng và đi vào thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch Heng Samrin tin tưởng công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền giữa hai nước sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ mà hai bên đã thống nhất đề ra.

Thay mặt Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Heng Samrin cũng bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với Campuchia ứng cử vào vị trí là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2014./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Đưa quan hệ Việt Nam – Campuchia phát triển mạnh


Chiều 23/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Vương quốc Campuchia Men Sam An đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh Phó Thủ tướng Men Sam An sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng cùng với phía Campuchia, nỗ lực phấn đấu, đưa quan hệ hai nước từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa… phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Campuchia Men Sam An
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Campuchia Men Sam An. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chuyến thăm làm việc của Phó Thủ tướng Men Sam An với Thanh tra Chính phủ, cho rằng đây là đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chúc mừng những thành tựu mà Campuchia đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, hai bên tiếp tục phối hợp làm tốt kỷ niệm năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước… Việt Nam luôn là người bạn láng giềng tin cậy, thủy chung của Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Phó Thủ tướng Men Sam An cho biết mục đích chuyến thăm là tăng cường hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực thanh tra nhằm trao đổi kinh nghiệm hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này.
Bà Men Sam An mong muốn Campuchia tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo…
Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường tăng cường công tác tuyên truyền về tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, ngăn chặn dư luận chia rẽ đoàn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước./.
Thiện Thuật (TTXVN)

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Đâu phải thời Chiến quốc



“Hà Nội sẽ đớn đau vì giúp Mỹ quay lại”, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã cảnh cáo như vậy trong bài xã luận phát đi lúc 0g20 sáng thứ tư 11-7, sau chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bài xã luận bắt đầu bằng răn đe rằng Việt Nam sẽ đớn đau nếu dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ, và kết thúc bằng bức bách rằng nếu muốn sống, Việt Nam phải chọn Trung Quốc!

Hoàn Cầu Thời Báo quá tự tin khi đánh giá rằng “Việt Nam đã thừa nhận mô hình phát triển của Trung Quốc” để rồi vừa khuyên, vừa “nhát ma” rằng “Để cho Mỹ quay trở lại (châu Á), Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên nếu như Đông Á bị chìm trong các rối loạn chính trị”! Có một điều cơ bản mà Hoàn cầu Thời báo đã quên hay không biết, đó là suốt trong mấy ngàn năm Việt Nam vẫn tồn tại như là Việt Nam chính là nhờ dựa trên nền tảng tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân... Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo).

Cũng thế khi hù dọa rằng các giá trị phương Tây sẽ biến Việt Nam thành nạn nhân đầu tiên khi Đông Á rối rắm, có lẽ Hoàn cầu Thời báo đã quen e ngại phe đối lập Trung Quốc vốn sốt ruột mơ “giấc mơ hoa”, mà không biết rằng người Việt đủ tri thức và từng trải để hiểu rằng “giấc mơ Mỹ” không như trong sách vở. Cho dù hiến pháp Mỹ đã bãi bỏ nạn nô lệ từ năm 1865, song 1 triệu người Mỹ (trên tổng dân số Mỹ năm đó là 35 triệu người) đã phải chết và bị thương trong bốn năm nội chiến vì vấn nạn nô lệ này. Một thế kỷ sau, người Mỹ da đen vẫn cứ phải sống trong cảnh phân biệt màu da,“separate but equal” (bình đẳng song tách biệt với nhau). Mãi đến 20-4-1971, Tối cao pháp viện Mỹ mới phán quyết đen trắng bình đẳng lên xe buýt! Thế cho nên, Hoàn cầu Thời báo, nếu có lo sợ chuyện “dân chủ, nhân quyền” thì hãy lo cho bên xứ mình trước đã.

Tất cả những thuyết giáo và hù dọa trên nhằm dẫn đến việc công khai ép buộc: “Con đường sống còn duy nhất cho Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc nhằm hạn chế chính sách “đóng trụ” của Mỹ tại châu Á. Thay vì là một mắt xích trong sợi xích ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam có thể là một (tiền) đồn chống lại sự can dự sâu sắc của Mỹ tại châu Á”.

Đã là thế kỷ thứ 21 rồi chớ đâu phải thời Chiến quốc cách đây hai mươi mấy thế kỷ để cứ đòi chinh phạt, quy phục chư hầu tranh ngôi bá chủ! “Bài binh bố trận ngăn chặn Trung Quốc” ở đâu chưa thấy, song đã thấy Trung Quốc giương bản đồ “lưỡi bò” chiếm gần hết biển Đông, xua tàu bè húc đuổi thiên hạ, thôn tính lãnh hải và tài nguyên thiên hạ khơi khơi khai thác, thậm chí đem rao bán! Và giờ đây ra tối hậu thư: “Để sống còn hãy là (tiền) đồn chống Mỹ, bằng không sẽ đau đớn đó nhe!”.

Hoàn cầu Thời báo quên nhiều điều lắm và nhất là quên mô tả viễn tượng sau: thần phục Trung Quốc rồi “cái đường lưỡi bò” đó vẫn cứ tròng vào cổ Việt Nam và các nước khác, và rằng “liên doanh khai thác” dầu khí lúc đó bất quá cũng chỉ là làm phu phen cho “ông chủ lớn” là Tập đoàn dầu khí hải dương, Trung Quốc, và ra khơi đánh cá ngừ đại dương là dưới sự cho phép của Cục Ngư chính và Cục Hải giám Trung Quốc hoặc của chính quyền thành phố Tam Sa! Viễn tượng đó “sung sướng” hay “đớn đau”, cứ đi hỏi đứa con nít sẽ rõ.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Báo TQ dọa VN 'sẽ đau đớn nếu thân Mỹ'


Một tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đăng xã luận cảnh báo Việt Nam đừng làm thân với Mỹ, ngay sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa có các cuộc gặp ở Hà Nội.

Không ít người ở Trung Quốc khó chịu khi Hoa Kỳ và Việt Nam tỏ vẻ làm thân với nhau
Không ít người ở Trung Quốc khó chịu khi Hoa Kỳ và Việt Nam tỏ vẻ làm thân với nhau

Global Times, bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời báo, nói quan hệ song phương Việt – Mỹ chỉ là “cuộc hôn nhân gượng ép”.

“Việt Nam phải từ bỏ con đường phát triển hiện nay nếu nước này muốn dựa vào ủng hộ của Mỹ,” bài xã luận đăng trên mạng nói.

Bài xã luận giải thích đường đi hiện nay của Việt Nam.

“Về chính trị, Việt Nam đang theo con đường của Trung Quốc, có được phát triển nhanh chóng nhờ cải cách từ từ.”

“Các giá trị phương Tây chưa thâm nhập sâu vào Việt Nam. Ảnh hưởng của đối lập chính trị còn kém hơn nhiều so với ở Trung Quốc.”

“Một giai cấp tinh hoa đi theo phương Tây chưa hình thành ở Việt Nam. Nhưng xu hướng này đang bắt đầu trước khi nó kịp tác động sâu đến không gian chính trị trong nước tại Hà Nội.”

Xã luận với tựa "Hà Nội sẽ thấy đau đớn vì giúp Mỹ quay lại" nói tiếp: “Hiện nay biểu tình chống chính phủ thật hiếm ở Việt Nam.”

“Vài vụ rải rác dường như đều nhắm vào chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy, họ có thể thay đổi mục tiêu trong tương lai,” tờ này dường như cảnh báo giới lãnh đạo Hà Nội.

Theo tờ báo, tình cảm dân tộc chủ nghĩa “đang giúp đoàn kết xã hội Việt Nam, nhưng cũng đang đầu độc liên hệ chính trị của Hà Nội với Trung Quốc”.

“Tình cảm dân tộc gia tăng đang đẩy Việt Nam về phía Mỹ, một quốc gia vừa hỗ trợ nhưng cũng đồng thời thích quở trách Việt Nam về chính trị.”

Bài xã luận nói Việt Nam vừa đi theo Trung Quốc về chính trị, nhưng cũng muốn nhờ Mỹ chống Trung Quốc.

“Tuy vậy, chiến lược này cần duy trì cân bằng giữa Trung Quốc, Mỹ và các thế lực chính trị trong nước.”

“Sẽ thật khó để cứ mãi duy trì điều này,” tờ báo nhắc nhở.

‘Cột trụ chống Mỹ’


Sau phần phân tích cho độc giả Việt Nam, bài xã luận đưa ra “giải pháp”.

"Tình cảm dân tộc gia tăng đang đẩy Việt Nam về phía Mỹ, một quốc gia vừa hỗ trợ nhưng cũng đồng thời thích quở trách Việt Nam về chính trị."
Global Times

“Con đường thực tế duy nhất cho Việt Nam là hợp tác với Trung Quốc để hạn chế sự xoay trục của Mỹ về châu Á.”

“Tranh chấp lãnh thổ không nên biến thành thù nghịch. Thay vì là mắt xích trong dây chuyền của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam có thể là cột trụ chống sự dính líu sâu sắc của Mỹ tại châu Á,” bài báo đề nghị.

Như để rõ ràng hơn, tờ báo viết thêm Việt Nam “rất có thể sẽ nằm trong số nạn nhân đầu tiên nếu Đông Á bị bất ổn chính trị chôn vùi”.

Vừa răn đe cũng vừa vuốt ve, bài xã luận kết thúc: “Cả Trung Quốc và Việt Nam đang tiến bộ trong việc tạo ra của cải và tự do cho nhân dân.”

“Clinton và các đồng sự nên giữ lại khẩu hiệu và hãy lo chứng minh cho thế giới rằng họ có thể đưa Mỹ và phương Tây ra khỏi cơn hỗn loạn tài chính.”

Hoàn Cầu Thời báo có hai ấn bản tiếng Trung và tiếng Anh, nội dung không khác nhau nhiều lắm và chủ yếu là đưa ra những cảnh báo đại loại như các nước láng giềng nếu không thay đổi lập trường sẽ phải 'sẵn sàng nghe tiếng đại bác'...

Giới ngoại giao và học giả Trung Quốc thường nhấn mạnh tờ báo chỉ phản ánh lập trường của một bộ phận dân chúng, chứ không phải tiếng nói của chính phủ.

Tuần rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói nước ông “chưa bao giờ thèm muốn việc khống chế tình hình trong vùng”.

Chưa rõ truyền thông nhà nước tại Việt Nam sẽ đăng các bài phản ứng trước giọng điệu cứng rắn của Global Times hay không.

Mấy tuần gần đây, căng thẳng dấy lên ở Biển Đông đã khiến nhiều tờ báo ở Việt Nam công khai đăng bài chỉ trích Trung Quốc.

Hai ngày Chủ nhật 1/7 và 8/7 cũng chứng kiến cuộc tuần hành ngắn phản đối chính sách của Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo BBC

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Tàu trinh sát Trung Quốc bị chìm ở gần Hoàng Sa?


Ngày 7-7, rất nhiều báo mạng, trang tin điện tử Hoa ngữ đều đăng lại thông tin trên báo The Apple Daily xuất bản ở Hongkong số ra cùng ngày về việc một tàu trinh sát đo đạc biển của hải quân Trung Quốc bị chìm ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tàu 871 khi đang hoạt động trên biển.
Tàu 871 khi đang hoạt động trên biển.

Theo báo này, gần đây trên mạng của Trung Quốc lan truyền tin chiếc tàu trinh sát đo đạc biển mang số hiệu 871 của Hạm đội Nam Hải “gần đây đã bị chìm tại vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa).

Hạm đội Nam Hải đang tổ chức trục vớt, tạm thời chưa có tin về người thương vong. Vụ việc này chưa được chính thức xác nhận. Quân đội Trung Quốc và chính quyền đều chưa lên tiếng trả lời về những tin đồn trên.

Tin này được đưa trên các trang diễn đàn mạng lớn Kaiti, Baitu, QQ, đến tối 6-7 vẫn chưa bị gỡ bỏ. Tin cũng cho biết, chiếc tàu này vừa mới đại tu ở Quảng Châu tháng 4 vừa qua, sau đó được đưa xuống Biển Đông từ trung tuần tháng 4.

Tin không cho biết tàu 871 bị chìm vì nguyên nhân gì, cũng không nêu rõ toạ độ xảy ra vụ việc. Tàu 871 những năm trước đây đã nhiều lần xuất hiện ở vùng biển đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật, năm ngoái được đưa về Quảng Châu đại tu.

Đây là tàu trinh sát đo đạc biển, lượng giãn nước 5.000 tấn, được đặt tên là “Lý Tứ Quang”, là tàu đo đạc tổng hợp biển tầm trung và xa do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo, đã tiến hành đo đạc hàng triệu km vuông mặt biển.

Nó tiến hành đo đạc về độ sâu, địa hình đáy biển, mực triều, khí tượng, thuỷ văn…được coi là “Tiên phong mở đường cho tàu ngầm hải quân”.

Trong 13 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, tàu 871 đã thực hiện hành trình 370.000 hải lý, đi khắp Thái Bình Dương và 3 vùng biển lớn của Trung Quốc.

Cho đến chiều ngày 7-7, vẫn chưa có thông tin xác nhận hay bác bỏ vụ việc này từ các cơ quan chính thống của Trung Quốc.

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Người dân Trung Quốc đang bị kích động


Tại sao ở Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông lại xuất hiện dư luận hiếu chiến đến mức mù quáng, bất chấp lẽ phải và sự thật, bất chấp luật pháp quốc tế? Kết quả của một cuộc thăm dò của Thời báo Hoàn Cầu.

Tàu Trung Quốc tuần tra trên biển Đông - Ảnh: Mạng quân sự Trường Giang
Tàu Trung Quốc tuần tra trên biển Đông - Ảnh: Mạng quân sự Trường Giang

Kết quả của một cuộc thăm dò do Thời báo Hoàn Cầu thực hiện với gần 1.500 người ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Tây An, Thẩm Dương... cho thấy rõ điều này. Gần 80% ủng hộ Trung Quốc “sử dụng vũ lực để đập tan các hành động gây hấn và xâm phạm” trên biển Đông. Chỉ vỏn vẹn 16,6% là nói không.

Thử khảo sát trên các trang Weibo... của cư dân mạng Trung Quốc cũng dễ dàng nhận thấy một dư luận tương tự. Rất nhiều ý kiến đòi chính quyền tuyên chiến trên biển Đông. “Không có chỗ cho đàm phán khi xét đến vấn đề lãnh thổ. Một cuộc chiến có thể đem lại 10 năm hòa bình” - một người viết. Người khác lại thẳng thừng: “Tôi ủng hộ việc bắn phá Philippines”. Nhiều người còn chỉ trích chính quyền Trung Quốc là hèn nhát, không dám bảo vệ đất nước. Đa số khẳng định căng thẳng trên biển Đông là “âm mưu thâm độc” do Mỹ dàn dựng để chống Trung Quốc...

Tâm lý nạn nhân

Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn còn có những người tử tế, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật, biết yêu đất nước mình và tôn trọng quyền lợi chính đáng của những nước khác như hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng tổ chức mới đây đã cho thấy. Thế nhưng những tiếng nói như vậy còn ít ỏi và lẻ loi, thậm chí đang có nguy cơ bị xem là “những kẻ phản quốc”. Nguyên văn tuyên bố của thiếu tướng quân đội Trương Châu Trung như sau: “Có hơn 1 triệu kẻ phản quốc ở Trung Quốc. Một số học giả là do Mỹ đào tạo, đọc sách Mỹ, chấp nhận quan niệm Mỹ và họ đang giúp Mỹ chống Trung Quốc”.

Tại sao dư luận Trung Quốc lại mù quáng, bất chấp đạo lý và lẽ phải đến như vậy? Câu trả lời dễ nhận ra là do người dân đã bị “tẩy não” và bị “đầu độc” hằng ngày hằng giờ những điều sai lệch.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, điển hình nhất là tờ Thời báo Hoàn Cầu, thường xuyên cáo buộc Việt Nam và Philippines là “kích động”, “gây hấn” trên biển Đông và đòi chính quyền Bắc Kinh phải phát động “một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ” chống lại các quốc gia Đông Nam Á. Giới tướng lĩnh quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục đe dọa sẽ trừng trị các nước láng giềng.

Sách giáo khoa của học sinh tiểu học và trung học đều khẳng định cực nam lãnh thổ Trung Quốc là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các bản đồ chính thức của Trung Quốc cũng vẽ lãnh thổ Trung Quốc kéo dài tới tận Trường Sa.

Tất nhiên, sách giáo khoa Trung Quốc đã lờ tịt việc hải quân nước này đánh chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Giới “học giả” Trung Quốc cứ ra rả một luận điệu dối trá khi nhấn mạnh trước thập niên 1970 không hề có cái gọi là “vấn đề biển Đông” do “biển Đông thuộc quyền quản lý của Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện có một số tổ chức lớn chuyên nghiên cứu về biển Đông như Viện Hàng hải Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Học viện Khoa học xã hội, Viện Quan hệ quốc tế đương đại... Các “học giả” và “chuyên gia” của các tổ chức này, thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đều chung một luận điệu dối trá cho rằng khu vực được quy định bởi “đường chín đoạn” là thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Phân tích dư luận của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, nghiên cứu của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng nguyên nhân là do chính quyền Bắc Kinh đã “tẩy não” người dân nước mình ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ và “đầu độc” họ hằng ngày, nên người dân luôn tin rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc. Hằng ngày họ liên tục tiếp nhận những thông tin méo mó, dối trá qua các phương tiện thông tin. Do đó, niềm tin này càng trở nên mạnh mẽ đến mức họ coi các quốc gia khác là kẻ gây hấn, còn Trung Quốc là người vô tội.


Tâm lý của kẻ bị vây hãm

Vẫn theo ICG, trong vấn đề biển Đông, chính quyền Trung Quốc đã kích động một tâm lý dân tộc cực đoan bằng cách mô tả Trung Quốc là “nạn nhân” của các quốc gia xung quanh, là “kẻ yếu thế” trong các tranh chấp trên biển Đông. Chẳng hạn, báo chí Trung Quốc thường đưa tin theo kiểu: “Có hơn 1.000 giàn khoan dầu trên biển Đông và bốn sân bay ở Trường Sa, nhưng không có một cái nào là của Trung Quốc”.

Việc Mỹ tuyên bố trở lại châu Á càng là cơ hội để truyền thông Trung Quốc tô đậm “tâm lý nạn nhân” này, đẩy nó lên thành “tâm lý của kẻ bị vây hãm” bởi “những thế lực chống Trung Quốc” ở bên ngoài, và Trung Quốc đang phải tả xung hữu đột để chống đỡ và cố thoát ra tình trạng bị bủa vây này. Tất nhiên, như ICG vạch rõ, bằng cách này các cơ quan và chính quyền địa phương ở Trung Quốc mới có thể lợi dụng để thực hiện những ý đồ riêng. Họ thường công khai chỉ trích các quốc gia khác để gây sức ép buộc chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ thêm nguồn lực. PLA cũng lợi dụng tranh chấp ở biển Đông để mở rộng ngân sách quốc phòng.

Chính do những thứ tâm lý này, các giọng điệu hiếu chiến luôn chiếm ưu thế trước quan điểm ôn hòa trong dư luận Trung Quốc. Cũng chính vì tự thổi ngọn lửa dân tộc cực đoan, chính quyền Bắc Kinh lại luôn bị áp lực phải thể hiện bộ mặt cứng rắn để không bị xem là yếu thế mỗi khi đề cập đến vấn đề biển Đông. Một số học giả nhận định chính Bắc Kinh đã “tự tạo ra một con quái vật mà nó sẽ khó lòng kiểm soát”.

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Ẩn họa từ Baidu Trà đá quán


Không chỉ gây thiệt hại cho tổ chức và doanh nghiệp, các website dịch vụ có chứa mã độc do thám người dùng.
Mạng xã hội Baidu Trà đá quán (thuộc sở hữu của Baidu Trung Quốc) đã lợi dụng những thiếu sót về mặt pháp lý trong Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet để tiến hành hoạt động tại Việt Nam.

Không kiểm soát được nội dung

Nghị định 97 không quy định tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải đặt máy chủ hay có văn phòng đại diện và tư cách pháp nhân tại Việt Nam. Lợi dụng điều này, mạng xã hội Baidu Trà đá quán đã không đăng ký giấy phép hoạt động tại Việt Nam, không cần tư cách pháp nhân, máy chủ thì đặt ở nước ngoài… nhưng vẫn ung dung hoạt động trên mạng internet Việt Nam.
Việc trang mạng xã hội Baidu Trà đá quán của Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam đã gây lo lắng cho cộng đồng mạng
Việc trang mạng xã hội Baidu Trà đá quán của Trung Quốc hoạt động ở Việt Nam đã gây lo lắng cho cộng đồng mạng
Từ đây, dẫn đến tình trạng các cơ quan chức năng Việt Nam không kiểm soát được nội dung, cách thức hoạt động của trang mạng này, đồng thời gây ra thất thu thuế cho Nhà nước, thiệt hại cho tổ chức và doanh nghiệp trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang xây dựng dự thảo nghị định mới để thay thế Nghị định 97. Theo dự thảo lần 2 của nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng mới thay thế Nghị định 97 cũ được đưa ra vào tháng 10-2011, tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam buộc phải có văn phòng đại diện hoặc tư cách pháp nhân tại Việt Nam và đặt máy chủ tại Việt Nam.
Đến tháng 5-2012, dự thảo lần 3 của nghị định mới này lại quy định phải thành lập văn phòng hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam. Hiện tại, Bộ TT-TT vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, bổ sung dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 97 và sẽ trình lên Chính phủ để ban hành.

Do thám người dùng

Trong 2 ngày 1 và 2-7, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc sau khi vào một số website dịch vụ của Baidu Trung Quốc thì máy tính xuất hiện nhiều hiện tượng lạ. Nhiều bạn đọc cho biết khi truy cập các website này, người dùng được yêu cầu cài thêm một số ứng dụng không rõ nguồn gốc vào máy tính. “Khi tôi truy cập các website này thì Windows đưa ra cảnh báo không an toàn” - một bạn đọc phản ánh.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và An ninh mạng Athena, cho rằng đây là hiện tượng các website có chứa các mã độc để do thám người dùng. Một khi người dùng truy cập những website này, các mã độc sẽ xâm nhập máy tính, thu thập mọi thông tin và truyền về cho hacker.
“Nếu mắc phải hiện tượng này, người dùng nên gỡ bỏ các ứng dụng lạ, quét virus cho máy tính và tốt nhất là mang đến cho các chuyên gia để xử lý triệt để” - ông Thắng khuyên.

Đã cấp tên miền cho Baidu Trà đá quán

Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cho biết như trên và khẳng định đây chỉ là việc bình thường
BẢO TRÂN thực hiện
* Phóng viên: Thưa ông, VNNIC đã cấp tên miền cho trang mạng xã hội Baidu Trà đá quán của Trung Quốc?
- Ông Trần Minh Tân: Việc cấp tên miền cho mạng xã hội Baidu Trà đá quán của Trung Quốc đã được hoàn tất và đây là việc bình thường vì thực ra tên miền chỉ là công cụ. Người Việt Nam đăng ký tên miền quốc tế được thì quốc tế họ cũng được quyền đăng ký tên miền tại Việt Nam. Đây là theo thông lệ quốc tế, chỉ có ràng buộc là tất cả các chủ thể đăng ký tên miền “.vn” phải bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ theo đúng điều kiện cung cấp tên miền.
Sau khi cung cấp tên miền xong mà chủ thể đưa vào hoạt động trong những lĩnh vực phải xin phép thì phải tuân thủ quy định của luật pháp Việt Nam.
* Cộng đồng mạng đang bày tỏ sự lo ngại về tính bảo mật khi tham gia trang mạng xã hội Baidu Trà đá quán?
- Việc này phải hỏi các cơ quan quản lý nội dung. Nếu không cấp tên miền cho họ thì họ có thể dùng tên miền khác vì đây chỉ là công cụ để truy cập trang mạng đó. Còn bản thân nội dung của trang mạng đó mới là vấn đề phải xem xét.
* Trước sự phản ứng của cộng đồng mạng cũng như những cảnh báo của các chuyên gia đối với an toàn thông tin, VNNIC có tính đến việc thu hồi tên miền đã cấp cho trang mạng xã hội Baidu Trà đá quán?
- Về việc này, Cục Quản lý Phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra Bộ TT-TT sẽ phải thanh tra, kiểm tra khi trang mạng này hoạt động. Trên cơ sở vi phạm (nếu có) và bị xử lý với hình thức bổ sung là thu tên miền thì VNNIC sẽ tiến hành thu hồi theo Nghị định 28/2009 của Chính phủ.

[Video] Bình luận về lời kêu gọi biểu tình của Việt Tân

Một video cũ, nhưng khá ý nghĩa. Ban biên tập xin được đăng tải để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề "Lời kêu gọi biểu tình"


Tôi không phải là một nhà báo, không phải là một nhà văn, cũng không phải là một nhà bình luận viên chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường đang sinh sống ở nước ngoài, vì quá bức xúc với những kẻ mượn danh yêu nước để hòng khuấy đục quê hương cho nên tôi mới lên tiếng.

Tôi sinh ra cuối chiến tranh và chiến tranh đã gây nhiều bất hạnh trên quê hương Việt Nam mà bản thân tôi cũng là một người đã từng phải gánh chịu. Chính vì thế tôi hiểu sự ác nghiệt của nó và rất quí trọng nền hòa bình của nước nhà hôm nay.

Đất nước còn rất nhiều vấn đề phải làm, tệ đoan xã hội còn nhan nhản trên khắp đất nước, đặc biệt là nhiều người lạm dụng chức quyền, làm giàu trên mồ hôi xương máu của bà con mình. Nếu tất cả chúng ta đều yêu nước thì hãy đấu tranh với nó, nhưng mong các bạn đừng bao giờ để cho người khác lợi dụng mình.

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Trung Quốc công khai ý đồ độc chiếm Biển Đông


Bắc Kinh đang liên tiếp đưa ra các hành động vi phạm những cam kết và luật pháp quốc tế, dẫn đến sự phản đối kịch liệt từ phía Việt Nam và nhận sự chỉ trích của giới học giả quốc tế.
Tình hình Biển Đông đang dậy sóng với những động thái liên tiếp bằng cả biện pháp hành chính, chính trị và quân sự của chính phủ Trung Quốc, thể hiện sự không tuân thủ các cam kết của Bắc Kinh với nước láng giềng Việt Nam, đồng thời cho thấy rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế.

Những động thái liên tiếp

Hành động đầu tiên trong chuỗi các động thái gây bức xúc của Trung Quốc đợt này là tuyên bố thông qua việc lập "thành phố Tam Sa" ở cấp vùng, nhằm quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Ngay lập tức, lãnh đạo Khánh Hòa và Đà Nẵng lên tiếng phản đối Trung Quốc, đồng thời khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của Việt Nam. Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nhấn mạnh quyết định của Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng kịch liệt lên án việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa". Trước đây, Trung Quốc từng có ý định lập thành phố Tam Sa ở cấp huyện, nhưng sau đó quyết định xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam này đã bị hủy bỏ.
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Nghiêm trọng hơn, ngày 23/6, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), dưới sự cho phép của chính phủ nước này, đã ngang ngược thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hơn nữa đây lại là vùng hoàn toàn không có tranh chấp từ trước đến nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã yêu cầu Trung Quốc phải hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên. Ông nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên".
Ngày 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao Công hàm phản đối CNOOC mời thầu tại Biển Đông. Cùng ngày, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu họp báo để phản đối Trung Quốc mời thầu phi pháp.
Các lô mà Trung Quốc mời thầu nằm trên khu vực rộng hơn 160.000 km2, chồng lên các lô mà PVN đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Vùng biển Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý (hơn 140 km), cách phía bắc Nha Trang 60 hải lý (hơn 105 km) và cách đảo Phú Quý 30 hải lý (55 km).
PVN cho biết đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Trung Quốc công khai mời thầu dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp việc bản thân CNOOC và PVN cũng đã có quan hệ với nhiều hợp đồng thăm dò chung. PVN yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên và khẳng định Việt Nam tiếp tục triển khai các hợp đồng khai thác dầu khí với đối tác nước ngoài tại Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/6, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố nước này có các đội tuần tra có tính "sẵn sàng chiến đấu" trên các vùng nước mà họ cho là thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông này cũng cho biết Bắc Kinh có thể sẽ thành lập Bộ tư lệnh quân sự của cái gọi là thành phố Tam Sa. Đây là diễn biến mới nhất trong loạt các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Giàn khoan công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.
Giàn khoan công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.

'Trung Quốc khiêu khích Việt Nam'

Các động thái của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm diễn ra hội thảo An ninh hàng hải Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington. Phần lớn các học giả và quan chức quốc tế, trong đó có giáo sư nổi tiếng người Australia Carlyle Thayer, khẳng định khu vực mà Trung Quốc mời thầu dầu khí là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng "Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Nhà nghiên cứu này cũng cho đây là một hành động chính trị hơn là một hành động kinh tế.
Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman chung quan điểm với Giáo sư Thayer khi phát biểu rằng việc Trung Quốc mời thầu là "hành động khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình trong luật quốc nội". Ông đánh giá việc CNOOC mời thầu tại Biển Đông là tuyên bố vô căn cứ vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Do vậy giới nghiên cứu quốc tế nhận định sẽ không có công ty nước ngoài nào quan tâm tới lời mời thầu phi pháp của Trung Quốc. Financial Times dẫn lời ông Laban Yu, giám đốc nghiên cứu dầu khí tại Jefferies Hong Kong Ltd., một công ty ngân hàng đầu tư và chứng khoán: "Sẽ chẳng có công ty nước ngoài nào tới đó (khu vực Trung Quốc chào thầu). Chính quyền trung ương (Trung Quốc) chỉ muốn sử dụng hành động của CNOOC để đưa ra một tuyên bố chính trị".
Tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm CSIS cho rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia đấu thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ kỹ càng" trước khi quyết định.

Trung Quốc đang đi ngược các cam kết

Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận cấp cao, trong đó quan trọng là sự kiện tháng 10/2011, khi hai bên ký Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm. Thỏa thuận này nhấn mạnh việc hai bên tôn trọng các nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng là một bên tham gia ký Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc (DOC) năm 2002. Theo DOC, các bên khẳng định cam kết với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC).
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" và đặc biệt là việc mời thầu dầu khí trên vùng biển của Việt Nam đã đi ngược lại với tất cả các cam kết giữa nước này với Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.
Liên quan đến Luật Biển được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hôm 21/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đây là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển. Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển đảo bằng các biện pháp hòa bình", ông nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 29/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, Luật Biển đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, do đó Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp giữ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền.

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Nghị sĩ Mỹ: ‘Trung Quốc khiêu khích Việt Nam’


Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman cho rằng các lô dầu khí mà Trung Quốc vừa mời thầu thăm dò trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hành động mời thầu đó là nhằm khiêu khích.
Thượng nghị sĩ Joe Lieberman. Ảnh: AP
Thượng nghị sĩ Joe Lieberman. Ảnh: AP

Theo ông Lieberman, việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên Biển Đông là tuyên bố vô căn cứ và chưa hề có tiền lệ. Ông khẳng định các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận.
"Đây là hành động khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình trong luật quốc nội vào tuần trước. Những lời lẽ khiêu khích như vậy phải chấm dứt", Thượng nghị sỹ Lieberman nói.
Bài phát biểu của Thượng nghị sỹ Liberman được đưa ra trong ngày thứ hai của cuộc hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ tổ chức tại Washington trong hai ngày 27 và 28/6.
Ông cho rằng một điều thực sự quan trọng là ASEAN phải cố gắng để có được một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông, nhằm làm giảm khả năng leo thang trong khu vực, cho phép giải quyết một cách hòa bình, có lợi cho tất cả các bên, theo luật quốc tế các tranh chấp trước khi nó có thể dẫn đến những hiểu lầm, luôn có khả năng khiến tình hình không chỉ dừng lại ở mức dùng lời lẽ mà trở thành bạo lực thực sự.
Về các tranh chấp trên Biển Đông, Thượng nghị sỹ Lieberman cho rằng tất cả các bên cần thừa nhận rằng các bất đồng chỉ có thể giải quyết trên cơ sở luật quốc tế.
Ngược lại, ông nói, "việc cố giải quyết tranh chấp dựa trên các tuyên bố lịch sử theo kiểu đấu tay đôi là một công thức cho bất đồng triền miên, tiếp tục căng thẳng và rủi ro bạo lực."
Trước đó, trong các phiên thảo luận ngày 27/6, việc CNOOC mời thầu tại 9 lô trên Biển Đông cũng được một số học giả bàn thảo, trong đó khẳng định các lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Trung Quốc lập đội tuần tra 'ứng chiến' ở Biển Đông


Đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua cho biết nước này có các đội tuần tra có tính "sẵn sàng chiến đấu" trên các vùng nước mà họ cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.
"Quân đội Trung Quốc đã thiết lập hệ thống tuần tra thông thường, sẵn sàng chiến đấu trong các vùng nước" mà nước này cho là thuộc quyền kiểm soát của họ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói.
Từ trước đến nay, trong các vụ va chạm hay tranh chấp, Trung Quốc đều sử dụng các tàu thuộc lực lượng dân sự, gồm 5 cơ quan dân sự còn được biết đến là "ngũ long", trong đó có lực lượng hải giám và ngư chính.
Tàu của Trung Quốc trong cuộc đối mặt ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Philippines trên Biển Đông đầu tháng 4. Ảnh do hải quân Philippines cung cấp cho báo chí.
Tàu của Trung Quốc trong cuộc đối mặt ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Philippines trên Biển Đông đầu tháng 4. Ảnh do hải quân Philippines cung cấp cho báo chí.
Trước đó Trung Quốc thông báo đã điều các đội tàu tuần tra vào Biển Đông, dự kiến hành trình dài 4.500 km, và thậm chí còn tổ chức các cuộc diễn tập theo đội hình sẽ được tiến hành "nếu điều kiện hàng hải cho phép".
Cũng trong họp báo hôm qua, ông Cảnh Nhạn Sinh nói rằng Trung Quốc có thể sẽ thành lập bộ tư lệnh quân sự của cái gọi là thành phố Tam Sa.
Hãng thông tấn Xinhua cho biết Hội đồng Nhà nước, tức nội các của Trung Quốc, đã thông qua việc thành lập thành phố Tam Sa ở cấp vùng, nhằm quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này vấp phải sự phản đối kịch liệt của Việt Nam. Thành phố cấp huyện trước kia bị hủy bỏ.
Tuyên bố của đại diện quốc phòng Trung Quốc hôm qua là diễn biến mới nhất trong một loạt các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Việt Nam cũng đang cực lực phản đối việc Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trong khu vực hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy ngay việc mời thầu các lô dầu khí, tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông và tuân thủ Công ước về Luật Biển quốc tế 1982.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

'9 lô dầu khí Trung Quốc mời thầu đều thuộc Việt Nam'


Một số học giả quốc tế khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò và khai thác trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia. Ảnh: TTXVN
Ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia. Ảnh: TTXVN

Các nhận định này được đưa ra tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thủ đô Washington, Mỹ.
Ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia nêu ra hành động của Trung Quốc trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Ông khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Thayer cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, "tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam." Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.
Cùng chung quan điểm, tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ hai lần" trước khi quyết định.
Trước đó, học giả Việt Nam, tiến sỹ Trần Trường Thủy, cũng đề cập đến diễn biến mới nhất này. Ông đưa ra bản đồ 9 lô trên Biển Đông mà Trung Quốc mời thầu, khẳng định các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không phải là khu vực tranh chấp.
Nhận xét về Luật Biển mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, giáo sư Thayer khẳng định đây là một "diễn biến rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nói "đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành".
Trong buổi thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, các học giả Philippines và Trung Quốc tranh cãi khá gay gắt về vấn đề chủ quyền tại bãi Scarborough, nơi mới xảy ra căng thẳng giữa hai nước.
Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6, do CSIS tổ chức.
Các quan chức và học giả từ nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ thảo luận ở nhiều chủ đề, từ các diễn biến gần đây trên Biển Đông, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc-ASEAN, luật pháp và tập quán quốc tế trong giải quyết tranh chấp...
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: Khánh thành cột mốc 314 biên giới Việt Nam – Campuchia


Sáng 24/6, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
Buổi lễ được tổ chức tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia và “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen bên cột mốc phía Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen bên cột mốc phía Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen đồng chủ trì sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia: Sar Kheng, Men Sam On; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của hai nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương liên quan của hai nước và đông đảo bà con nhân dân thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang, Việt Nam) và huyện Kom Pong Trach (tỉnh Kampot, Campuchia) cùng dự buổi lễ.
Là công trình có thiết kế đẹp, được ốp bằng đá hoa cương, nằm trên bờ biển giữa hai nước, nơi có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gần khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên – Prếch Char, cột mốc 314 sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, không những đối với nhân dân của hai nước mà còn đối với bạn bè quốc tế, làm cho nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, hữu nghị anh em của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Lễ khánh thành cột mốc 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Lễ khánh thành cột mốc 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Đây là lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen tới dự lễ khánh thành các cột mốc biên giới, điều này thể hiện mạnh mẽ các cam kết, sự quyết tâm và nỗ lực chung của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận về công tác biên giới lãnh thổ để hai bên sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc trong việc chung sức cùng nhau xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng lợi ích căn bản và lòng mong muốn của nhân dân hai nước, đồng thời tạo xung lực mới để hai nước cùng quyết tâm sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen khánh thành cột mốc 314
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen khánh thành cột mốc 314
Việc khánh thành cột mốc biên giới số 314 trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và tạo sự ổn định cho người dân hai tỉnh Kiên Giang và Kampot nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh giáp biên của hai nước nói chung.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, để hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc, cả hai bên còn rất nhiều công việc phải làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước phải hết sức nỗ lực và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, nhằm sớm đưa đường biên giới chung của hai nước thành một đường biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt, ổn định và phồn vinh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Hunsen nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan quan trọng, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của 2 nước, 2 dân tộc trong việc xây dựng đương biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng Mekong nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.
Những kết quả đạt được trong công tác phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia thời gian qua là một chương lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng Hunsen nói.
Thủ tướng Hunsen cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã dồn hết tâm sức, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước có những bước tiến nhịp nhàng, đều đặn.
Thủ tướng Hunsen khẳng định, Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong xây dựng được một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước; đồng thời cũng sẽ đặc biệt chú trọng tới các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới giữa 2 nước.
Thủ tướng Hunsen mong muốn nhân dân hai nước cùng nhau bảo vệ các cột mốc nhằm biến khu vực biên giới thành khu hòa bình, hữu nghị, hợp tác bền vững mãi mãi.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia thay mặt Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc hai nước báo cáo kết quả công tác phân giới, cắm mốc và quá trình xây dựng cột mốc 314; nhấn mạnh Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới hai nước đã tích cực thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và đã đạt được những thành quả hết sức to lớn.
Tính đến nay, hai nước đã cắm được 238 vị trí tương ứng với 287 cột mốc (đạt khoảng 76% khối lượng công việc), phân giới được khoảng 653 km đường biên giới (đạt khoảng 51% khối lượng công việc), các cột mốc có tính chất quan trọng đã được ưu tiên hoàn thành, trong đó có cột mốc có số thứ tự cuối cùng số 314 này. Thành quả trên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác quản lý biên giới chung; góp phần thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới hai nước.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Luật Biển Việt Nam: Cái tát vào tham vọng bá quyền của Bắc Kinh



“Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.
Đó là nội dung được khẳng định ngay trong Điều 1 của dự thảo Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua sáng 21-6 với tỉ lệ 99,2%. Có thể nói, đây là dự luật nhận được sự đồng thuận đặc biệt cao của các vị đại biểu (ĐB) nhân dân.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho hay: “Qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định rõ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại Điều 1 của dự thảo luật”.
Về đề nghị quy định đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và là lãnh thổ Việt Nam tại Điều 19, theo Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), khái niệm lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả đất liền các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời. Điều này đã được tuyên bố trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Biên giới quốc gia. “Việc tiếp tục quy định “đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam” trong luật này là nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó, không thể chia cắt của bộ phận lãnh thổ này, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của nước ta đối với các đảo, quần đảo” - ông Lý nhấn mạnh.

Không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng

Liên quan đến nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển cũng có khá nhiều ý kiến quan tâm góp ý. Cụ thể có ĐB đề nghị thay cụm từ “biện pháp hòa bình” bằng “đối thoại hòa bình”.
Về đề nghị này, ông Phan Trung Lý giải thích: “Biện pháp hòa bình đề cập trong các văn bản này bao gồm nhiều loại với các mức độ khác nhau từ thương lượng, đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án quốc tế cho đến việc sử dụng những tổ chức hoặc những định chế khu vực hoặc các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của các bên. Do đó, đối thoại hòa bình chỉ là một hình thức của đàm phán, thương lượng mà chưa bao quát hết các biện pháp hòa bình mà ta có thể áp dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp về biển, đảo với quốc gia khác”.
Thấy trong dự thảo không đề cập đến quyền phòng vệ chính đáng của quốc gia, có ĐB đã lên tiếng đề nghị bổ sung quyền này trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo. Tuy nhiên theo ông Lý, việc ghi nhận nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển bằng biện pháp hòa bình hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta.
“Khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khoản 1 Điều 5 cũng quy định chính sách của ta trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo. Các quy định này đã hàm ý Việt Nam có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, phòng vệ chính đáng khi cần thiết” - ông Lý nói.

Có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài

Theo Điều 41 của dự luật về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành.
Ngoài ra, quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.
Luật Biển Việt Nam bao gồm bảy chương, 55 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Thành lập thành phố Tam Sa - thực hiện mưu đồ khống chế Biển Đông

Trung Quốc có hành động bành trướng mới khống chế Biển Đông, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Tân Hoa Xã ngày 21/6 dẫn lời người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc cho biết Quốc vụ Viện nước này vừa phê chuẩn kế hoạch hủy bỏ Văn phòng Tây Sa-Trung Sa-Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa (đơn vị hành chính trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh).
Theo giới thiệu, thành phố Tam Sa kể trên sẽ chịu trách nhiệm quản lý Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Trường Sa với trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá bị biến thành trung tâm hành chính của thành phố cấp địa khu Tam Sa, phục vụ mưu đồ bành trướng và hợp thức hóa chủ trương lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh
Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá bị biến thành trung tâm hành chính của thành phố cấp địa khu Tam Sa, phục vụ mưu đồ bành trướng và hợp thức hóa chủ trương lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh

Theo người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc việc thành lập thành phố Tam Sa lần này chính là sự điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý hành chính của Trung Quốc đối với các quần đảo nêu trên và các vùng biển phụ cận.
Theo người phát ngôn báo chí Bộ Dân chính Trung Quốc, thành phố Tam Sa được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tăng cường quản lý hành chính, khai thác, xây dựng và bảo vệ môi trường đối với các quần đảo Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa cùng các vùng biển phụ cận.
Hành động này nằm trong chiến lược bành trướng mới, dùng Hoàng Sa làm căn cứ tại Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. Đây là một bước nhằm hợp thức hóa sự việc khống chế Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyệt đối không thể chấp nhận được./.
Theo PHÁP LUẬT TPHCM / BỘ NGOẠI GIAO / TỔ QUỐC