Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: Ưu tiên kiềm chế lạm phát


Ngày 27/9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm 2012.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng; mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được những kết quả bước đầu; bảo đảm được an sinh xã hội và giữ được tăng trưởng ở mức hợp lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo đó, chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành một cách chặt chẽ, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 5-8%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 9 tháng đầu năm bằng 0,04% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, xuất khẩu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong khi nhập khẩu giảm mạnh và có xuất siêu 9 tháng đầu năm. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường giảm.
Việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu và có xuất siêu cũng góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tốc độ tăng GDP quý 3 ước khoảng 5,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song mức tăng này là sự cố gắng lớn trong điều kiện phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm có xu hướng cải thiện sau từng quý, quý sau cao hơn quý trước (GDP quý 1 tăng 4%, quý 2 tăng 4,66%, quý 3 ước tăng 5,35%. Tính chung GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 4,73%).
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Riêng về lao động, việc làm, trong 9 tháng đầu năm 2012, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.130 nghìn lao động, đạt trên 70,6% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 60 nghìn người, đạt 66,7% kế hoạch năm.
Tuy nhiên các thành viên Chính phủ cũng cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng; tình trạng nợ xấu ngân hàng chậm được giải quyết; thị trường tài chính, tiền tệ còn phức tạp; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm…
Phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro. Ở trong nước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với những đầu năm do những tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và một số thành viên Chính phủ khác nêu quan điểm cần tiếp tục chủ động điều hành kiềm chế lạm phát, ưu tiên trong thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó là tập trung mạnh vào xử lý dứt điểm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Hết sức lưu ý theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ để có các biện pháp kịp thời, phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng.
Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tín dụng; tăng cường công tác nghiệp vụ quản lý thu chi ngân sách, bảo đảm hoàn thành dự toán thu; giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra.
Đề cập tới vấn đề về giá, phí dịch vụ y tế, nhiều ý kiến thành viên Chính phủ đề xuất đối với các địa phương chưa công bố giá, phí dịch vụ y tế mới, đề nghị cân nhắc việc lùi thời hạn áp dụng, tính toán kỹ lộ trình, thời điểm tăng giá, nhằm vừa giảm bớt gánh nặng cho người dân, vừa góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Nêu rõ sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước; thực hiện hiệu quả các biện pháp nhằm duy trì tăng trưởng cao các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn, xem xét các phương thức hỗ trợ thu mua nông, thủy sản nhằm đảm bảo lợi ích của người sản xuất.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, bên cạnh ưu tiên kiềm chế lạm phát, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhằm duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý trong năm 2012 .
Liên quan đến vấn đề về giá cả, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường là cần thiết, song trước khi điều chỉnh cần cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm, lường trước những tác động về kinh tế, xã hội sau khi điều chỉnh.
Ngoài ra, một số thành viên Chính phủ đề xuất cần hết sức lưu ý tới tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo; kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng… trong những tháng cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh không để lạm phát ở mức 2 con số. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh không để lạm phát ở mức 2 con số. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhìn lại 9 tháng đầu năm 2012, kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội còn những tồn tại, hạn chế, trong đó phải kể đến là, tuy có tăng trưởng song còn chậm, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hàng tồn kho còn lớn… Nhiệm vụ còn lại trong những tháng cuối năm là hết sức nặng nề, do tăng tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, thêm vào đó là những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo để đề xuất những chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những những nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề cho năm 2012. Trong đó trước hết là tập trung kiểm soát chặt chẽ giá cả, thực hiện bằng được mục tiêu không để lạm phát ở mức 2 con số; kiểm soát lạm phát không chỉ cho năm nay mà còn cho những năm tiếp theo.
Trong kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán; giữ vững sự ổn định tỷ giá; kiểm soát chặt chẽ lãi suất, không để đẩy lãi suất lên cao hơn nữa.
Về tài khóa, trong hoàn cảnh khó khăn song phải cố gắng cân đối thu chi, giữ bội chi 4,8%. Trong thu chi, chỉ ứng trước ngân sách nhà nước của năm 2013 là 30 nghìn tỷ như đã thông qua. Đảm bảo cân đối về cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc cân đối, đảm bảo hàng hóa cho những tháng cuối năm nhất là về lương thực, thực phẩm phải được tính toán ngay từ bây giờ. Cân đối hàng hóa phải đi liền với bình ổn giá, kiểm soát, quản lý giá cả.
Tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá cả hàng hóa theo giá cả thị trường nhưng phải làm có lộ trình, không làm dồn dập; tính toán kỹ tới những tác động kinh tế, xã hội sau khi điều chỉnh giá.
“Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phải thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, việc thực hiện mục tiêu này không chỉ cho năm 2012 mà còn cho những năm tiếp theo, vì sự phát triển bền vững của đất nước,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Song song với đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 5% trong năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như gạo, thủy sản, hàng dệt may, da giày…
Quan tâm phát triển các dịch vụ lợi thế như du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không. Đồng thời tập trung giải quyết hàng tồn kho, nhất là vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành đẩy mạnh và tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng.
Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trước hết tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, các tổng công ty, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp với thị trường, năng lực tài chính; tập trung vào ngành nghề chính. Trong tái cơ cấu ngân hàng, trước hết phải tập trung quyết liệt vào việc giải quyết nợ xấu gắn với xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém.
Đề cập tới vấn đề về an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, đảm bảo nguồn tài chính cho sinh viên nghèo vay đi học…
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác phòng chống tội phạm xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thực hiện hiệu quả các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, giải quyết khiếu nại tố cáo…
Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về báo cáo giải pháp thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 37/NQ-CP; dự án Luật Đầu tư công; dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”…

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Nghị quyết 8


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO và Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá nghị quyết 8
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá nghị quyết 8

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự Hội nghị.

Tháng 1/2007, Việt Nam chính thức trở thành Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngay sau đó, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, tháng 2/2007, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 08.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 08, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa 10 nhóm nhiệm vụ lớn của Nghị quyết 08 thành 12 nhóm nhiệm vụ và 75 nhiệm vụ chủ yếu với 131 hành động cụ thể được giao cho các bộ ngành và các địa phương triển khai thực hiện.

Sau 5 năm gia nhập WTO và cũng là 5 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ – TW và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP, nước ta đang chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ cao và sâu sắc hơn. Đây là thời điểm cần có đánh giá toàn diện việc thực hiện 2 Nghị quyết trên nhằm kiểm điểm lại toàn diện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và đề ra phương hướng cho hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới.

Với mục tiêu trên, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP để từ đó thấy được các mặt được, hạn chế và nguyên nhân, phương hướng thực hiện cho các năm tiếp theo khi chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, đánh giá cho được những thành tựu, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 08. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị sẽ nghe Báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 16/2007/NQ – CP; Báo cáo của Bộ Ngoại giao về việc triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra; nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Dự thảo Báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; nghe các tham luận của một số đại diện cơ quan Trung ương, Bộ ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn kinh tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp…

Xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới


Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 và cũng là 5 năm chúng ta gia nhập WTO, Nghị quyết 08 đã đạt được những kết quả to lớn và thiết thực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Bước vào thời kỳ mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Các đại biểu dự Hội nghị. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu dự Hội nghị. – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã chuyển trọng tâm từ phá bỏ thế cô lập về kinh tế để hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu sang việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trên phương diện đa phương, các cam kết trong WTO gần như đã được thực hiện đầy đủ và đã có thể có đánh giá tương đối toàn diện và chi tiết tác động của các cam kết gia nhập. Trên bình diện khu vực, ta cũng hội nhập ngày càng sâu với ASEAN, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015.

Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán hoặc chuẩn bị đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương với EU, triển khai khuôn khổ ASEAN về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị thảo luận một cách thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm, đánh giá cho được những thành tựu đã đạt được để phát huy, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 08.

Đồng thời, làm rõ bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, từ đó đề ra các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp chủ động đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Nguyễn Hoàng

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: Khánh thành cột mốc 314 biên giới Việt Nam – Campuchia


Sáng 24/6, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã long trọng tổ chức lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.
Buổi lễ được tổ chức tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia và “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen bên cột mốc phía Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen bên cột mốc phía Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen đồng chủ trì sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia: Sar Kheng, Men Sam On; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của hai nước; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương liên quan của hai nước và đông đảo bà con nhân dân thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang, Việt Nam) và huyện Kom Pong Trach (tỉnh Kampot, Campuchia) cùng dự buổi lễ.
Là công trình có thiết kế đẹp, được ốp bằng đá hoa cương, nằm trên bờ biển giữa hai nước, nơi có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gần khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên – Prếch Char, cột mốc 314 sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, không những đối với nhân dân của hai nước mà còn đối với bạn bè quốc tế, làm cho nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, hữu nghị anh em của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Lễ khánh thành cột mốc 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Lễ khánh thành cột mốc 314 trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Đây là lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunsen tới dự lễ khánh thành các cột mốc biên giới, điều này thể hiện mạnh mẽ các cam kết, sự quyết tâm và nỗ lực chung của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các Hiệp ước, Hiệp định và các thỏa thuận về công tác biên giới lãnh thổ để hai bên sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là một sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc trong việc chung sức cùng nhau xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng lợi ích căn bản và lòng mong muốn của nhân dân hai nước, đồng thời tạo xung lực mới để hai nước cùng quyết tâm sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen khánh thành cột mốc 314
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen khánh thành cột mốc 314
Việc khánh thành cột mốc biên giới số 314 trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và tạo sự ổn định cho người dân hai tỉnh Kiên Giang và Kampot nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các tỉnh giáp biên của hai nước nói chung.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, để hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc, cả hai bên còn rất nhiều công việc phải làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước phải hết sức nỗ lực và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, nhằm sớm đưa đường biên giới chung của hai nước thành một đường biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt, ổn định và phồn vinh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Hunsen nhấn mạnh, việc khánh thành cột mốc 314 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan quan trọng, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của 2 nước, 2 dân tộc trong việc xây dựng đương biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng Mekong nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.
Những kết quả đạt được trong công tác phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia thời gian qua là một chương lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, Thủ tướng Hunsen nói.
Thủ tướng Hunsen cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã dồn hết tâm sức, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước có những bước tiến nhịp nhàng, đều đặn.
Thủ tướng Hunsen khẳng định, Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong xây dựng được một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước; đồng thời cũng sẽ đặc biệt chú trọng tới các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới giữa 2 nước.
Thủ tướng Hunsen mong muốn nhân dân hai nước cùng nhau bảo vệ các cột mốc nhằm biến khu vực biên giới thành khu hòa bình, hữu nghị, hợp tác bền vững mãi mãi.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia thay mặt Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc hai nước báo cáo kết quả công tác phân giới, cắm mốc và quá trình xây dựng cột mốc 314; nhấn mạnh Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới hai nước đã tích cực thực hiện công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và đã đạt được những thành quả hết sức to lớn.
Tính đến nay, hai nước đã cắm được 238 vị trí tương ứng với 287 cột mốc (đạt khoảng 76% khối lượng công việc), phân giới được khoảng 653 km đường biên giới (đạt khoảng 51% khối lượng công việc), các cột mốc có tính chất quan trọng đã được ưu tiên hoàn thành, trong đó có cột mốc có số thứ tự cuối cùng số 314 này. Thành quả trên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác quản lý biên giới chung; góp phần thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới hai nước.