Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng nhẹ "nợ" khi rời ghế Trưởng ban chống tham nhũng



Theo dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội sáng nay, quy định Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã được bỏ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhất trí với sửa đổi này.



Sáng 26/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước Quốc hội. So với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng trước, ngoài việc ít hơn 2 điều (108 so với 110), dự luật đã có nhiều chỉnh sửa.
Mô hình của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng với 3 phương án sau khi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đã được bỏ.
Trước đó, Hội nghị trung ương 5 (tháng 5/2012) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhất trí với việc sửa đổi này và cho rằng: "Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng".
Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập, Chính phủ nêu 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành và bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên; ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 1 của Luật hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện theo ý kiến thứ nhất.
Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành quan điểm kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, qua Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng cũng như qua kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.
Cả hai phương án được cơ quan thẩm tra đánh giá chưa khắc phục hết các khó khăn, bất cập song đã mở rộng được phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản.
Đối với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, dù được quy định với 5 khoản trong một điều (điều 68) song, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm. Ví dụ như khái niệm về người đứng đầu, khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng hay Bộ trưởng...
Bên cạnh đó, ngay trong dự án Luật có những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, đó là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (khoản 1 Điều 68) và “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng” (khoản 1 Điều 72).
"Trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý. Thủ trưởng càng tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng. Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét.
Ngoài ra, dù bổ sung quy định quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng song quy định chung như trong dự luật chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn tới sự chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Công an và Viện KSND tối cao. Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Để khắc phục được các nhược điểm trong quá trình thực thi luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị, các nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cũng như trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định; bảo đảm các quy định phải toàn diện, cụ thể.
Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến đồng ý với Tờ trình của Chính phủ là cần sửa đổi toàn diện, nhưng cũng có ý nhiều kiến đề nghị chỉ tập trung sửa đổi một số điều thật sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và thể chế hóa kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11.
Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường trước khi biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.



Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Đảng ủy Công an TW


Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TW đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình về xây dựng Đảng; dự kiến tiến hành trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 29/8.
* Nghiêm túc tự phê bình, làm rõ ưu khuyết điểm, tạo chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Đảng ủy Công an TW
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đại biểu các ban Đảng Trung ương đến dự và theo dõi Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, nội dung kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của đợt sinh hoạt chính trị này và nhấn mạnh: Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương phải bám sát những vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4,
Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, đạt được mục đích thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Đảng bộ Công an Trung ương và lực lượng Công an nhân dân nhằm góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, toàn diện, không nể nang, né tránh, nghiêm túc tiếp thu nội dung gợi ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến đóng góp của tổ chức Đảng, cá nhân để tự phê bình và phê bình. Tập trung làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân; việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm, những điều cán bộ, chiến sĩ Công an không được làm; việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đề ra các giải pháp phải đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, nói đi đôi với làm, đảm bảo đoàn kết thống nhất, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng.
Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, đã phân tích làm rõ những ưu điểm đã đạt được, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế và biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Báo cáo khẳng định, những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an luôn xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình mới.
Lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an; đồng thời, chủ động làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, có lối sống trong sạch, giản dị, chấp hành nghiêm kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, nêu cao ý chí tấn công tội phạm, tinh thần phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chính trị, tư tưởng; triển khai sâu rộng các cuộc vận động chính trị và các phong trào thi đua. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công tác, tác phong, thái độ trong quan hệ với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ; ban hành và chỉ đạo tập huấn các thông tư quy định về học tập lý luận chính trị, điều lệnh nội vụ cho toàn lực lượng Công an nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về việc chấp hành điều lệnh nội vụ, kỷ cương, kỷ luật và lễ tiết tác phong. Năm 2012, Đảng ủy Công an Trung ương đề ra khẩu hiệu hành động “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; kết quả kiểm tra, đánh giá bước đầu cho thấy ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm đối với công tác, thái độ, tư thế, tác phong trong công việc của đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ tham nhũng được phát hiện, tập trung chỉ đạo điều tra, khẩn trương xử lý kiên quyết và nghiêm minh, trong đó có những vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thường xuyên coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cả về năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, chính trị; thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ. Chỉ đạo gắn công tác cán bộ với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác thanh tra và công tác kiểm tra, giám sát; rà soát, thẩm tra, xác minh, kết luận, giải quyết dứt điểm các trường hợp có liên quan đến bảo vệ chính trị nội bộ.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an  là một tập thể đoàn kết thống nhất, kiên định, vững vàng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công; giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác Công an.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Công an, như tính chiến đấu, ý chí tấn công tội phạm và tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng; tác phong, thái độ chưa nghiêm túc; một bộ phận nhỏ có biểu hiện suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, sách nhiễu trong tiếp xúc, giải quyết công việc đối với nhân dân, vi phạm quy trình công tác, tham nhũng, tiêu cực, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, ảnh hưởng xấu đến uy tín và lòng tin của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân.
Báo cáo đã nêu ra 10 giải pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trên:
(1) Tiếp tục bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an;
(2) Tiếp tục xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự;
(3) Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ nhân dân. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên;
(4) Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ và các chức danh chủ chốt;
(5) Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc hằng ngày của nhân dân;
(6) Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh;
(7) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy;
(8) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng;
(9) Nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị;
(10) Hằng năm, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) đối với tập thể và cá nhân cán bộ, chiến sĩ; coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng chính thức lên tiếng sau vụ bầu Kiên


Chiều 22/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Công an đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.

Chiều 22/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng. Ảnh: Chinphu.vn
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng. Ảnh: Chinphu.vn

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nêu lên những tồn tại, hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, như còn có cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm; việc sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về các giải pháp liên quan đến phòng ngừa tham nhũng còn chậm (như việc chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, minh bạch tài sản, thu nhập); một số vụ án tham nhũng tiến độ xử lý chậm, gây bức xúc…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật yêu cầu cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp cả về phòng và chống tham nhũng. Trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng gắn với quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 11); tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước…

Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Tham dự phiên họp còn có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ, ngành.
Tham dự phiên họp còn có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ, ngành. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo báo cáo của Viện KSND tối cao, từ tháng 1 đến tháng 7/2012, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 163 vụ/275 bị can về các tội danh tham nhũng, trong đó tham ô tài sản là 59 vụ (97 bị can); nhận hối lộ là 23 vụ (51 bị can); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 22 vụ (34 bị can); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 34 vụ (67 bị can); các tội danh tham nhũng khác là 15 vụ (26 bị can). Viện Kiểm sát đã truy tố 183 vụ (451 bị can). Toà án đã xét xử sơ thẩm 116 vụ(251 bị cáo) về các tội danh tham nhũng.

Về kết quả xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đã đưa ra xét xử 2 vụ (vụ Nguyễn Ngọc Quyền “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ trong việc quản lý, sử dụng đất xảy ra tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”; vụ “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam); toà án đang thụ lý 4 vụ; Viện Kiểm sát đang thụ lý 2 vụ; các cơ quan pháp luật đã tạm đình chỉ 2 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra và điều tra bổ sung 10 vụ, trong đó việc cơ quan điều tra khởi tố vụ tham ô và cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines, được dư luận đồng tình.

Các vụ án tham nhũng đang điều tra bổ sung đều là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn như ký hợp đồng giả tạo, nâng khống giá trị tài sản mua, cho thuê gây thất thoát, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Đưa quan hệ Việt Nam – Campuchia phát triển mạnh


Chiều 23/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Phó Thủ tướng Thường trực Vương quốc Campuchia Men Sam An đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh Phó Thủ tướng Men Sam An sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng cùng với phía Campuchia, nỗ lực phấn đấu, đưa quan hệ hai nước từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa… phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, hai dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Campuchia Men Sam An
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Campuchia Men Sam An. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chuyến thăm làm việc của Phó Thủ tướng Men Sam An với Thanh tra Chính phủ, cho rằng đây là đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chúc mừng những thành tựu mà Campuchia đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, hai bên tiếp tục phối hợp làm tốt kỷ niệm năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước… Việt Nam luôn là người bạn láng giềng tin cậy, thủy chung của Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Phó Thủ tướng Men Sam An cho biết mục đích chuyến thăm là tăng cường hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực thanh tra nhằm trao đổi kinh nghiệm hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này.
Bà Men Sam An mong muốn Campuchia tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo…
Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường tăng cường công tác tuyên truyền về tình hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, ngăn chặn dư luận chia rẽ đoàn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước./.
Thiện Thuật (TTXVN)