Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân


Nếu một vị lãnh đạo đất nước không kiềm chế được chủ nghĩa cá nhân, chỉ lao vào sự “vinh thân phì gia” và đặc biệt là hay nói theo kiểu mị dân, mà không biết nhân dân thực sự khổ sở ra sao, đang suy nghĩ gì thì làm sao có thể lãnh đạo cả một đất nước”.
Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân
Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng trả lời phỏng vấn xung quanh câu chuyện công tác cán bộ nhân Hội nghị TƯ 6 đang bàn đến vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược tầm Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông nói:
Quy hoạch “có vấn đề”, nhưng điều biến nguyên nhân thành hậu quả, theo tôi, là vì việc đánh giá cán bộ chưa căn cứ vào hiệu quả của việc làm thực tiễn. Đánh giá DN thì cái tài đức qua hiệu quả sản xuất kinh doanh và nghĩa vụ đối với nhà nước, trách nhiệm đối với xã hội. Đánh giá cán bộ lãnh đạo thì phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, sản phẩm thực tiễn, vào hiệu quả công việc được xã hội công nhận. Chứ không thể đâu cũng thấy kể lể thành tích chung chung, không thấy rõ dấu ấn. Chủ nghĩa hình thức, căn bệnh thành tích và sự thỏa hiệp trong đánh giá đang bóp méo việc đánh giá cán bộ và sinh ra tình trạng phố biến là người làm nhiều như người làm ít, người làm ít như người không làm. Tốt xấu lẫn lộn. Thật giả không thể phân biệt.
Đánh giá cán bộ, trước hết phải từ việc bản thân cán bộ đánh giá mình, tập thể đánh giá, cơ quan quản lý đánh giá và quần chúng nhân dân đánh giá. Ngay cả khi người dân không thể đánh giá thì đó cũng chính là khuyết điểm của cán bộ, vì đó chính là một biểu hiện xa dân. Nếu đánh giá cán bộ lãnh đạo không căn cứ vào sự thừa nhận rộng rãi của dư luận, của nhân dân về sự bền vững, hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân qua các công việc mà họ đã làm thì tài đức chỉ là những sáo ngữ và việc đánh giá cũng chỉ là chuyện khơi khơi bên lề, không bao giờ thực chất được.

Dân cần biết “chương trình hành động” của người lãnh đạo

- PV: Lâu nay khái niệm công tác tổ chức cán bộ ở ta là công tác bí mật, thậm chí là “vùng cấm”. Sự bí mật có mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch?
- Ông Lê Quang Thưởng: Cán bộ , từ nguyên thủ quốc gia cho đến ông chủ tịch xã lãnh đạo ai nếu không phải là nhân dân. Chính vì thế, chỉ đến khi người dân được trực tiếp cầm lá phiếu bầu lãnh đạo thì người lãnh đạo mới thực sự mang tính đại diện, mới thực sự phải chăm chút đến những người cầm phiếu bầu mình. Trong khi Hội nghị TƯ đang họp thì ở Hoa Kỳ, tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã có cuộc tranh luận công khai với ứng viên tổng thống Mitt Romney về kinh tế suy thoái, thâm hụt ngân sách, về chính sách thuế khóa, cải cách y tế, thậm chí cả việc bơm tiền vào những công ty làm ăn thua lỗ. Ngoài câu chuyện đây là những vấn đề ta vẫn gọi là “quốc kế dân sinh”, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, thì sự công khai về nhân sự cao cấp nhất của một đất nước, không chỉ đối với người Mỹ mà trực tiếp tới cả thế giới. Ở ta, không có việc tranh cử. Cũng đang có một thiếu sót cơ bản là “Chương trình hành động”. Dù đây thực chất là 1 lời hứa với dân. Theo tôi, “công tác cán bộ” dù ở cấp nào cũng phải hướng tới việc một vị trí cần có nhiều lựa chọn, nhiều ứng viên và nhất thiết các ứng viên phải có chương trình hành động công khai cho dân biết. Bởi có công khai thì người dân mới biết, mới phân định, mới lựa chọn được người lãnh đạo đất nước. Hiện nay, người ta đang yêu cầu công khai tất cả. Nhưng như thế cũng là cực đoan. Nếu quan niệm quy hoạch là tạo nguồn thì việc đưa vào quy hoạch cần công khai để dân biết, dân giám sát. Theo tôi, cái cần công khai là ở vấn đề kiểm điểm hàng năm, hàng nhiệm kỳ về công tác đánh giá nhân sự. Công khai những ưu khuyết của các nhân sự. Cái đó mới là quan trọng.
- PV: Chủ tịch Trương Tấn Sang vào Bộ chính trị khi mới 47 tuổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngcũng vào Bộ chính trị năm 47 tuổi. Độ tuổi theo ông có ý nghĩa thế nào đối với những nhân sự lãnh đạo đất nước?
- Ông Lê Quang Thưởng: Nước nào cũng có những quy định về độ tuổi tham gia lãnh đạo. Nhưng độ tuổi hay bằng cấp chỉ là điều kiện, chứ không phải là tiêu chuẩn và cũng chỉ mang tính tương đối không nên máy móc hóa vấn đề. George H. W. Bush đắc cử Tổng thống Mỹ khi ông đã 77 tuổi. Trong khi đó, Benazir Bhutto trở thành Tổng thống Pakistan khi bà mới 35 tuổi. Không nói đâu xa, ngay bên hàng xóm của chúng ta, bàYingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan khi bà 44 tuổi. Điều quan trọng nằm ở chất lượng con người, ở khả năng lãnh đạo đất nước của từng cá nhân và sự tín nhiệm của người dân đối với họ chứ không phải họ bao nhiêu tuổi, nam hay nữ, ở vùng miền nào, lý lịch ra sao. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, đưa vào quy hoạch thì dứt khoát phải đủ tuổi làm việc 2 nhiệm kỳ. Đưa vào cấp ủy lần đầu cũng thế. Vì có như vậy người cán bộ mới có đủ điều kiện thời gian cống hiến. Tuy nhiên, không nên máy móc hóa quy định về tuổi.

Nhìn cán bộ dưới lăng kính nhân dân

- PV: Câu hỏi cuối cùng, với tư cách là một công dân, một người lâu năm làm công tác tổ chức, theo ông, các chức danh lãnh đạo đất nước như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, cần phải có tiêu chuẩn gì?
- Ông Lê Quang Thưởng: Công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Đảng tổng kết nguyên nhân của công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Công tác cán bộ của chúng ta đang nói tới tiêu chuẩn “đức tài”, từ chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến cán bộ cấp xã đều cùng những tiêu chuẩn đức tài như nhau nhưng có yêu cầu khác nhau. Có bản lĩnh chính trị, và thể hiện là ủng hộ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng với tiêu cực, đặc biệt, đối với nhân sự chiến lược, cái tài phải thể hiện ở tầm nhìn, trí tuệ để có thể định hướng đúng những vấn đề của đất nước. Chúng ta có cả một thời bao cấp dài để chứng minh cho điều này. Và một nhà lãnh đạo đất nước cần phải kinh qua hoạt động thực tiễn. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì kinh nghiệm lãnh đạo là thứ không thể học ở đâu được, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nếu chỉ lấy cán bộ theo “tư duy bằng cấp” đơn thuần thì sẽ rất xa lạ với thực tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được người dân yêu mến và ngợi khen đã từng trải qua những cương vị thực tiễn rất phong phú và vì thế các chủ trương, chính sách luôn sát với thực tiễn. Nhưng điều mà người dân và cử tri trông chờ ở các vị lãnh đạo đất nước còn là câu chuyện phẩm cách và sự gần dân. Bác Hồ của chúng ta cho rằng: Cán bộ tốt phải có 5 đức tính: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, mà trong đó: “Không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”.
Gần đây, người dân bức xúc nhất về câu chuyện lợi ích nhóm, ở cả khía cạnh nhóm lợi ích chi phối các chính sách và cả khía cạnh những người lãnh đạo để vợ con người thân lợi dụng vị trí công tác của mình làm giàu không chính đáng. Điều này làm mất mát lòng tin ghê gớm. Tất cả những điều đó, với tư cách là người bị tác động bởi chính sách, người dân biết cả. Chỉ có điều họ có nói ra hay không, hoặc có dám nói ra hay không mà thôi. Những lời than vãn và hiện thực cuộc sống của người dân đòi hỏi những người làm công tác cán bộ phải nhìn cán bộ dưới lăng kính nhân dân. Nếu một vị lãnh đạo đất nước không kiềm chế được chủ nghĩa cá nhân, chỉ lao vào sự “vinh thân phì gia” và đặc biệt là hay nói theo kiểu mị dân, mà không biết nhân dân thực sự khổ sở ra sao, đang suy nghĩ gì thì làm sao có thể lãnh đạo cả một đất nước. Sự vì dân, tôn trọng nhân dân vì thế, phải được đặt lên hàng đầu. Và sự vì dân phải được thể hiện bằng những việc cụ thể, công khai quan điểm một cách rạch ròi. Và không có sự vì dân, tôn trọng nhân dân nào hơn là việc đối thoại với dân, lắng nghe dân để thấu hiểu lòng dân. Nếu cán bộ không đối thoại với dân thì sự “lầu son gác tía” thời phong kiến, hay “phòng máy lạnh” bây giờ sẽ chỉ sinh ra sự xa dân mà biểu hiện chính là những chính sách không vì dân, những chính sách chưa ban hành đã lạc hậu với thực tế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Reds.vn / Tinquansu

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Lập luận cùn của Dân Làm Báo sau công văn của TT Nguyễn Tấn Dũng


(Báo Vì Dân) - Trên Blog "Dân Làm Báo" đăng bài "Hình như" Thủ tướng QUÊN trang blog này, sau sự kiện Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước. Lợi dụng sự kiện trên, Blog "Dân Làm Báo" đã không bỏ qua cơ hội, và sở trường xuyên tạc của mình khi nói "Thủ tướng gấp gáp quá nên quên trang blog này".


Một blog mang tên "Tư Sang" do thế lực phản động lập ra.
Một blog mang tên "Tư Sang" do thế lực phản động lập ra.

Xem qua bài viết thấy ngay sự xuyên tạc khi Blog "Dân Làm Báo" viết rằng": Vậy là rõ nhé: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là thủ phạm được nêu đích danh vu khống, biến trắng thành đen theo đúng như điều đã viết trong công văn của Thủ tướng. Theo trang này, chủ tịch nước là tên phản động đầu đàn của cái mà Thủ tướng nói rõ trong công văn: Thế lực thù địch.

Một blog phản động mang tên "Tư Sang" do một kẻ nào đó lập ra, vậy mà Blog "Dân Làm Báo" vơ ngay là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang! rồi lập luận bù lu bù loa: Chủ tịch nước là tên phản động đầu đàn của cái mà Thủ tướng nói rõ trong công văn. "Dân Làm Báo" hồ đồ hay lộ cái đuôi "nhắm mắt nói liều". Một lập luận kiểu "lớp 3, trường làng, cô giáo chết". Bỉ ổi hơn khi lồng vào "công văn" của Thủ tướng.

Trở lại Công văn của VPCP: Qua xem xét các báo cáo số: 277/BC-BCA-A61 ngày 15/6/2012, số 335/BC-BCA-A61 ngày 09/7/2012 của Bộ Công an; công văn số 78/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông; công văn số 2794-CV/BTGTW ngày 19/7/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương và báo cáo số 172-BC/VPTW ngày 07/9/2012 của Văn Phòng Trung ương Đảng về tình trạng một số trang thông tin điện tử như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.

Blog "Dân Làm Báo" có đọc đoạn văn này không? “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác.

Nên nhớ tất cả các trang blog phản động đều được báo cáo, chứ không có chuyện Quên hay không Quên! Phải chăng Blog "Dân Làm Báo" ăn nhiều đô la Mỹ của Tổ chức khủng bố Việt Tân quá nên nói liều ?

Hoàng Sa

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Đảng ủy Công an TW


Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TW đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình về xây dựng Đảng; dự kiến tiến hành trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 29/8.
* Nghiêm túc tự phê bình, làm rõ ưu khuyết điểm, tạo chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Đảng ủy Công an TW
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đại biểu các ban Đảng Trung ương đến dự và theo dõi Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, đồng chí Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, nội dung kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của đợt sinh hoạt chính trị này và nhấn mạnh: Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương phải bám sát những vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4,
Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, đạt được mục đích thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Đảng bộ Công an Trung ương và lực lượng Công an nhân dân nhằm góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, toàn diện, không nể nang, né tránh, nghiêm túc tiếp thu nội dung gợi ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến đóng góp của tổ chức Đảng, cá nhân để tự phê bình và phê bình. Tập trung làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân; việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm, những điều cán bộ, chiến sĩ Công an không được làm; việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đề ra các giải pháp phải đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, nói đi đôi với làm, đảm bảo đoàn kết thống nhất, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng.
Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, đã phân tích làm rõ những ưu điểm đã đạt được, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế và biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Báo cáo khẳng định, những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an luôn xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình mới.
Lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an; đồng thời, chủ động làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, có lối sống trong sạch, giản dị, chấp hành nghiêm kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, nêu cao ý chí tấn công tội phạm, tinh thần phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chính trị, tư tưởng; triển khai sâu rộng các cuộc vận động chính trị và các phong trào thi đua. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công tác, tác phong, thái độ trong quan hệ với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ; ban hành và chỉ đạo tập huấn các thông tư quy định về học tập lý luận chính trị, điều lệnh nội vụ cho toàn lực lượng Công an nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về việc chấp hành điều lệnh nội vụ, kỷ cương, kỷ luật và lễ tiết tác phong. Năm 2012, Đảng ủy Công an Trung ương đề ra khẩu hiệu hành động “Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; kết quả kiểm tra, đánh giá bước đầu cho thấy ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm đối với công tác, thái độ, tư thế, tác phong trong công việc của đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ tham nhũng được phát hiện, tập trung chỉ đạo điều tra, khẩn trương xử lý kiên quyết và nghiêm minh, trong đó có những vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thường xuyên coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cả về năng lực công tác và phẩm chất đạo đức, chính trị; thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ. Chỉ đạo gắn công tác cán bộ với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác thanh tra và công tác kiểm tra, giám sát; rà soát, thẩm tra, xác minh, kết luận, giải quyết dứt điểm các trường hợp có liên quan đến bảo vệ chính trị nội bộ.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an  là một tập thể đoàn kết thống nhất, kiên định, vững vàng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công; giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác Công an.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Công an, như tính chiến đấu, ý chí tấn công tội phạm và tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng; tác phong, thái độ chưa nghiêm túc; một bộ phận nhỏ có biểu hiện suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, sách nhiễu trong tiếp xúc, giải quyết công việc đối với nhân dân, vi phạm quy trình công tác, tham nhũng, tiêu cực, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, ảnh hưởng xấu đến uy tín và lòng tin của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân.
Báo cáo đã nêu ra 10 giải pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trên:
(1) Tiếp tục bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an;
(2) Tiếp tục xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự;
(3) Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, có ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ nhân dân. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên;
(4) Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ và các chức danh chủ chốt;
(5) Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, trước hết ở các bộ phận thường xuyên quan hệ, tiếp xúc và giải quyết công việc hằng ngày của nhân dân;
(6) Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh;
(7) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy;
(8) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng;
(9) Nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, công tác chính trị;
(10) Hằng năm, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) đối với tập thể và cá nhân cán bộ, chiến sĩ; coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định Tài trợ


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định Tài trợ cho Dự án “Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng Sông Cửu Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước đó, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/5/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký với đại diện WB Hiệp định Tài trợ và các văn kiện pháp lý có liên quan cho Dự án “Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng Sông Cửu Long” vay vốn do WB tài trợ.

Một góc thành phố Cần Thơ
Một góc thành phố Cần Thơ

Theo đó, WB cam kết cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá  188.300.000 SDR (tương đương 292 triệu USD) theo các điều khoản quy định trong Hiệp định Tài trợ nhằm cải thiện dịch vụ cơ sở hạ tầng tại các khu thu nhập thấp trong các thành phố thuộc Dự án ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thời hạn vay là 25 năm, bao gồm 5 năm ân hạn. Lãi suất 1,25%, Phí dịch vụ cho khoản vay là 0,75%, Phí cam kết là 0% (áp dụng cho tài khóa 2012). Ngày đóng tài khoản của Dự án là 31/12/2017.
Thời gian  hiệu lực của Hiệp định Tài trợ là 90 ngày kể từ ngày ký, theo đó, ngày dự kiến tuyên bố hiệu lực của Chương trình là ngày 9/8/2012.
Mục tiêu của Dự án “Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng Sông Cửu Long” là nâng cao đời sống và dịch vụ đô thị, cải thiện điều kiện sống, vệ sinh môi trường của khu dân cư nghèo sinh sống tại 6 đô thị trong vùng ĐBSCL gồm: Cần Thơ, Mỹ Tho, Cao Lãnh, Cà Mau, Trà Vinh và Rạch Giá.
Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ 2012-2017 với nhiều hạng mục: cải tạo, làm mới gần 176km đường; nạo vét, nâng cấp, làm mới hơn 239km cống thoát nước, 34km kênh rạch… Dự tính có khoảng 300.000 người hưởng lợi trực tiếp và 1,5 triệu người hưởng lợi gián tiếp từ dự án này.

Nguồn: TT Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định Tài trợ
Theo VGP

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CTN Trương Tấn Sang: Chủ quyền quốc gia là không thể nhân nhượng


Ngày 25.6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (QH) số 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM). Trước những quan tâm đặc biệt của cử tri về tình hình biển Đông, Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chủ quyền quốc gia là bất di bất dịch, không thể nhân nhượng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Kỳ họp thứ 3, QH khóa 13 vừa qua đã thông qua luật Biển Việt Nam và đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam; phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.
Trả lời chất vấn của cử tri liên quan đến xử lý tham nhũng, thất thoát ngân sách, Chủ tịch nước khẳng định sắp tới sẽ được làm rõ và có các hình thức kỷ luật, xử lý trách nhiệm cụ thể theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4. Theo Chủ tịch nước, thời gian qua T.Ư nhận thấy việc tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng có phần không thích hợp nên đã thay đổi lại cơ quan chỉ đạo. Ðảng trực tiếp nắm giữ vai trò chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. QH đề nghị cử tri, cán bộ, đảng viên, nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức vào công cuộc phòng chống tham nhũng để trong sạch hóa bộ máy nhà nước.
Ngày 25.6, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và đoàn đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri H.Vũ Quang để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề đất đai, Chủ tịch QH cho biết, Kỳ họp thứ 3 của QH cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT về vấn đề này, QH đã yêu cầu đến năm 2013, phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. QH cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ khẩn trương trình dự thảo sửa đổi luật Đất đai, giải quyết cho được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, để QH thảo luận, cho ý kiến.
Ngày 25.6, tại TP.Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu QH khóa XIII TP.Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại H.Vĩnh Thạnh và Q.Thốt Nốt.