Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân


Nếu một vị lãnh đạo đất nước không kiềm chế được chủ nghĩa cá nhân, chỉ lao vào sự “vinh thân phì gia” và đặc biệt là hay nói theo kiểu mị dân, mà không biết nhân dân thực sự khổ sở ra sao, đang suy nghĩ gì thì làm sao có thể lãnh đạo cả một đất nước”.
Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân
Lãnh đạo quốc gia không thể là kẻ tư lợi và mị dân

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ Lê Quang Thưởng trả lời phỏng vấn xung quanh câu chuyện công tác cán bộ nhân Hội nghị TƯ 6 đang bàn đến vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược tầm Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông nói:
Quy hoạch “có vấn đề”, nhưng điều biến nguyên nhân thành hậu quả, theo tôi, là vì việc đánh giá cán bộ chưa căn cứ vào hiệu quả của việc làm thực tiễn. Đánh giá DN thì cái tài đức qua hiệu quả sản xuất kinh doanh và nghĩa vụ đối với nhà nước, trách nhiệm đối với xã hội. Đánh giá cán bộ lãnh đạo thì phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, sản phẩm thực tiễn, vào hiệu quả công việc được xã hội công nhận. Chứ không thể đâu cũng thấy kể lể thành tích chung chung, không thấy rõ dấu ấn. Chủ nghĩa hình thức, căn bệnh thành tích và sự thỏa hiệp trong đánh giá đang bóp méo việc đánh giá cán bộ và sinh ra tình trạng phố biến là người làm nhiều như người làm ít, người làm ít như người không làm. Tốt xấu lẫn lộn. Thật giả không thể phân biệt.
Đánh giá cán bộ, trước hết phải từ việc bản thân cán bộ đánh giá mình, tập thể đánh giá, cơ quan quản lý đánh giá và quần chúng nhân dân đánh giá. Ngay cả khi người dân không thể đánh giá thì đó cũng chính là khuyết điểm của cán bộ, vì đó chính là một biểu hiện xa dân. Nếu đánh giá cán bộ lãnh đạo không căn cứ vào sự thừa nhận rộng rãi của dư luận, của nhân dân về sự bền vững, hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân qua các công việc mà họ đã làm thì tài đức chỉ là những sáo ngữ và việc đánh giá cũng chỉ là chuyện khơi khơi bên lề, không bao giờ thực chất được.

Dân cần biết “chương trình hành động” của người lãnh đạo

- PV: Lâu nay khái niệm công tác tổ chức cán bộ ở ta là công tác bí mật, thậm chí là “vùng cấm”. Sự bí mật có mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch?
- Ông Lê Quang Thưởng: Cán bộ , từ nguyên thủ quốc gia cho đến ông chủ tịch xã lãnh đạo ai nếu không phải là nhân dân. Chính vì thế, chỉ đến khi người dân được trực tiếp cầm lá phiếu bầu lãnh đạo thì người lãnh đạo mới thực sự mang tính đại diện, mới thực sự phải chăm chút đến những người cầm phiếu bầu mình. Trong khi Hội nghị TƯ đang họp thì ở Hoa Kỳ, tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã có cuộc tranh luận công khai với ứng viên tổng thống Mitt Romney về kinh tế suy thoái, thâm hụt ngân sách, về chính sách thuế khóa, cải cách y tế, thậm chí cả việc bơm tiền vào những công ty làm ăn thua lỗ. Ngoài câu chuyện đây là những vấn đề ta vẫn gọi là “quốc kế dân sinh”, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, thì sự công khai về nhân sự cao cấp nhất của một đất nước, không chỉ đối với người Mỹ mà trực tiếp tới cả thế giới. Ở ta, không có việc tranh cử. Cũng đang có một thiếu sót cơ bản là “Chương trình hành động”. Dù đây thực chất là 1 lời hứa với dân. Theo tôi, “công tác cán bộ” dù ở cấp nào cũng phải hướng tới việc một vị trí cần có nhiều lựa chọn, nhiều ứng viên và nhất thiết các ứng viên phải có chương trình hành động công khai cho dân biết. Bởi có công khai thì người dân mới biết, mới phân định, mới lựa chọn được người lãnh đạo đất nước. Hiện nay, người ta đang yêu cầu công khai tất cả. Nhưng như thế cũng là cực đoan. Nếu quan niệm quy hoạch là tạo nguồn thì việc đưa vào quy hoạch cần công khai để dân biết, dân giám sát. Theo tôi, cái cần công khai là ở vấn đề kiểm điểm hàng năm, hàng nhiệm kỳ về công tác đánh giá nhân sự. Công khai những ưu khuyết của các nhân sự. Cái đó mới là quan trọng.
- PV: Chủ tịch Trương Tấn Sang vào Bộ chính trị khi mới 47 tuổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngcũng vào Bộ chính trị năm 47 tuổi. Độ tuổi theo ông có ý nghĩa thế nào đối với những nhân sự lãnh đạo đất nước?
- Ông Lê Quang Thưởng: Nước nào cũng có những quy định về độ tuổi tham gia lãnh đạo. Nhưng độ tuổi hay bằng cấp chỉ là điều kiện, chứ không phải là tiêu chuẩn và cũng chỉ mang tính tương đối không nên máy móc hóa vấn đề. George H. W. Bush đắc cử Tổng thống Mỹ khi ông đã 77 tuổi. Trong khi đó, Benazir Bhutto trở thành Tổng thống Pakistan khi bà mới 35 tuổi. Không nói đâu xa, ngay bên hàng xóm của chúng ta, bàYingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan khi bà 44 tuổi. Điều quan trọng nằm ở chất lượng con người, ở khả năng lãnh đạo đất nước của từng cá nhân và sự tín nhiệm của người dân đối với họ chứ không phải họ bao nhiêu tuổi, nam hay nữ, ở vùng miền nào, lý lịch ra sao. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, đưa vào quy hoạch thì dứt khoát phải đủ tuổi làm việc 2 nhiệm kỳ. Đưa vào cấp ủy lần đầu cũng thế. Vì có như vậy người cán bộ mới có đủ điều kiện thời gian cống hiến. Tuy nhiên, không nên máy móc hóa quy định về tuổi.

Nhìn cán bộ dưới lăng kính nhân dân

- PV: Câu hỏi cuối cùng, với tư cách là một công dân, một người lâu năm làm công tác tổ chức, theo ông, các chức danh lãnh đạo đất nước như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, cần phải có tiêu chuẩn gì?
- Ông Lê Quang Thưởng: Công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Đảng tổng kết nguyên nhân của công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Công tác cán bộ của chúng ta đang nói tới tiêu chuẩn “đức tài”, từ chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến cán bộ cấp xã đều cùng những tiêu chuẩn đức tài như nhau nhưng có yêu cầu khác nhau. Có bản lĩnh chính trị, và thể hiện là ủng hộ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng với tiêu cực, đặc biệt, đối với nhân sự chiến lược, cái tài phải thể hiện ở tầm nhìn, trí tuệ để có thể định hướng đúng những vấn đề của đất nước. Chúng ta có cả một thời bao cấp dài để chứng minh cho điều này. Và một nhà lãnh đạo đất nước cần phải kinh qua hoạt động thực tiễn. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì kinh nghiệm lãnh đạo là thứ không thể học ở đâu được, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nếu chỉ lấy cán bộ theo “tư duy bằng cấp” đơn thuần thì sẽ rất xa lạ với thực tế. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được người dân yêu mến và ngợi khen đã từng trải qua những cương vị thực tiễn rất phong phú và vì thế các chủ trương, chính sách luôn sát với thực tiễn. Nhưng điều mà người dân và cử tri trông chờ ở các vị lãnh đạo đất nước còn là câu chuyện phẩm cách và sự gần dân. Bác Hồ của chúng ta cho rằng: Cán bộ tốt phải có 5 đức tính: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, mà trong đó: “Không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”.
Gần đây, người dân bức xúc nhất về câu chuyện lợi ích nhóm, ở cả khía cạnh nhóm lợi ích chi phối các chính sách và cả khía cạnh những người lãnh đạo để vợ con người thân lợi dụng vị trí công tác của mình làm giàu không chính đáng. Điều này làm mất mát lòng tin ghê gớm. Tất cả những điều đó, với tư cách là người bị tác động bởi chính sách, người dân biết cả. Chỉ có điều họ có nói ra hay không, hoặc có dám nói ra hay không mà thôi. Những lời than vãn và hiện thực cuộc sống của người dân đòi hỏi những người làm công tác cán bộ phải nhìn cán bộ dưới lăng kính nhân dân. Nếu một vị lãnh đạo đất nước không kiềm chế được chủ nghĩa cá nhân, chỉ lao vào sự “vinh thân phì gia” và đặc biệt là hay nói theo kiểu mị dân, mà không biết nhân dân thực sự khổ sở ra sao, đang suy nghĩ gì thì làm sao có thể lãnh đạo cả một đất nước. Sự vì dân, tôn trọng nhân dân vì thế, phải được đặt lên hàng đầu. Và sự vì dân phải được thể hiện bằng những việc cụ thể, công khai quan điểm một cách rạch ròi. Và không có sự vì dân, tôn trọng nhân dân nào hơn là việc đối thoại với dân, lắng nghe dân để thấu hiểu lòng dân. Nếu cán bộ không đối thoại với dân thì sự “lầu son gác tía” thời phong kiến, hay “phòng máy lạnh” bây giờ sẽ chỉ sinh ra sự xa dân mà biểu hiện chính là những chính sách không vì dân, những chính sách chưa ban hành đã lạc hậu với thực tế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Reds.vn / Tinquansu

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thảo luận với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra


Bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á (WEF Đông Á) được tổ chức tại Bangkok của Thái Lan, chiều 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan

Thủ tướng Thái Lan đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới; bày tỏ vui mừng về quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan đã không ngừng được củng cố và tăng cường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn lòng mến khách và sự đón tiếp trọng thị mà bà Thủ tướng với tư cách chủ nhà đã dành cho đoàn đại biểu Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu mà Thái Lan đã giành được trong thời gian qua, nhất là việc khắc phục hậu quả các trận lũ lụt cuối năm 2011 và từng bước phục hồi kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Thái Lan trên tinh thần hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Hai thủ tướng nhất trí hai bên sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, các bộ ngành và địa phương, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có như Nhóm Công tác chung về chính trị an ninh, tham khảo chính trị giữa hai bộ Ngoại giao và Ủy ban hỗn hợp về thương mại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra

Hai Thủ tướng thỏa thuận sẽ tiến hành cuộc họp nội các chung hai nước vào cuối năm nay và cùng thống nhất cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, trước mắt là hợp tác khai thác hiệu quả hành lang kinh tế Đông-Tây; cũng đã trao đổi về sự hợp tác giữa hai nước trong các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng như ASEAN, GMS, ACMECS….; cùng nhất trí cho rằng việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong là nhân tố quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển của tất cả các quốc gia ven sông.