Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Ông Trần Xuân Giá: Công trạng và sai lầm


Ngày 27/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: Ông Trần Xuân Giá là người có công thì Đảng và Nhà nước ghi nhận, nhưng khi có sai phạm, ông cũng phải chịu trách nhiệm như những công dân bình thường khác.
Ngay sau quyết định khởi tố ông Trần Xuân Giá được công bố, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Ông Giá đã về với ACB như thế nào? Là người có thể xem là "cha đẻ" của Luật Doanh nghiệp, biết luật, hiểu luật nhưng sao ông lại mắc sai phạm như vậy?
Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.
Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.
Giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ 11/1996 đến 8/2002, ông Trần Xuân Giá - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ACB được đánh giá là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Tuy nhiên, với những sai phạm quy định quản lý kinh tế tại ACB, ông Trần Xuân Giá đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cha đẻ của Luật Doanh nghiệp

Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra đã có nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP giảm xuống mức dưới 5%. Chính trong bối cảnh đó, yêu cầu đổi mới toàn diện nền kinh tế được Đảng và Chính phủ đặt ra cấp thiết. Hàng loạt chính sách kinh tế, tài chính vĩ mô được đưa ra, nhiều luật và bộ luật được thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ kinh tế quốc tế, tạo điều kiện cho quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng.
Chính trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận việc Bộ luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung được triển khai quyết liệt và được đánh giá là “chìa khoá vàng” đưa doanh nghiệp Việt Nam từng bước tiến ra thị trường quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và dù những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đối với Việt Nam là không nhiều nhưng các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới vẫn đánh giá rất cao khả năng phản ứng và xử lý khủng hoảng của Việt Nam.
Sự bứt phá có tính thần tốc của nền kinh tế Việt Nam những năm sau đó tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong việc thực hiện các chính sách tài khoá vĩ mô của Đảng và Chính phủ, dấu ấn của Bộ luật doanh nghiệp càng ngày càng in đậm trong mọi hoạt động của nền kinh tế đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt ở mức cao.
Nhìn lại những dấu ấn của nền kinh tế Việt Nam sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, vai trò của ông Trần Xuân Giá được nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu đánh giá rất cao, với nhiều đóng góp to lớn trong quá trình đổi mới nền kinh tế. Đặc biệt, ông được biết tới là người đã tham gia xây dựng và triển khai Bộ luật Doanh nghiệp - một bộ luật mà đến tận bây giờ vẫn còn ghi những dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực kinh tế đất nước.
Sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhiều dấu ấn quan trọng ghi dấu trong nền kinh tế, năm 2003, ông được bổ nhiệm vào cương vị Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Trên cương vị này, ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, ban hành các chính sách kinh tế và điều hành trực tiếp nền kinh tế có tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới lúc ấy...
Ban nghiên cứu do ông làm trưởng ban đã có nhiều đóng góp, nhận xét, thẩm định… cho các chính sách kinh tế vĩ mô góp phần quan trọng tạo tiền đề đưa nền kinh tế đất nước bước vào giai đoạn phát triển kinh tế chưa từng thấy.
Chính vì những đóng góp to lớn của ông vào nền kinh tế nên ngay sau khi ông Trần Xuân Giá cùng các ông Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang bị khởi tố, dư luận xã hội thực sự thấy bất ngờ. Nhiều người đã đặt câu hỏi, vì sao một người có nhiều năm làm chính sách kinh tế như ông Giá lại vấp phải những sai phạm như trên? Ông Giá đã về với ACB như thế nào?...
Sai phạm của ông Giá là đã ký phê chuẩn, tiếp tay cho sai phạm của ông Lý Xuân Hải.
Sai phạm của ông Giá là đã ký phê chuẩn, tiếp tay cho sai phạm của ông Lý Xuân Hải.

Vì ACB cần ông Trần Xuân Giá!

Theo tìm hiểu của Petrotimes thì trong cuốn sách kỷ niệm 15 năm thành lập ACB, ông Trần Xuân Giá có chia sẻ: “Thực sự mình có nhu cầu làm việc, không phải vì thu nhập bởi ngoài lương hưu, nếu còn thiếu con mình đủ sức đảm bảo cuộc sống cho hai vợ chồng già. Trong khi đó, nhiều nơi lại cần mình, vậy tại sao không”.
Với những hiểu biết của mình về ACB, ông Trần Xuân Giá đã chọn ACB là “bến đỗ” trong lĩnh vực ngân hàng - một lĩnh vực mới nhưng không hề lạ với ông. Ngoài ra, theo nhiều nguồn thông tin được phản ánh thời gian gần đây thì mối lương duyên của ông Giá và ACB đã được vun đắp nhiều năm và xuất phát từ mối quan hệ với các lãnh đạo ACB từ ngày mới thành lập. Điều này đã được cụ thể bằng vai trò cố vấn của ông trong giai đoạn từ 11/2006 – 11/2007.
Vốn có am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế, sau 1 năm giữ vai trò cố vấn cho ACB, ngày 22/3/2008, ông Trần Xuân Giá trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ACB. Trên cương vị này, ông từng khẳng định với ACB là mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải theo luật chứ không được theo bất cứ một mối quan hệ nào.
Ông Trần Xuân Giá đã về với ACB như thế!
Trước đó, nhiều thông tin đã khẳng định ông Giá bị khởi tố vì có liên quan tới việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB, đã bị khởi tố, bắt giam) ủy thác 19 nhân viên ngân hàng nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào ngân hàng khác.
Cũng theo nguồn tin trên, ông Giá có dấu hiệu sai phạm khi ký nghị quyết Hội đồng Quản trị cho phép Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB mang đi gửi để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Hành vi của ông Giá, giống như hành vi của ông Lý Xuân Hải bị khởi tố, bắt tạm giam trước đó, được coi là làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Hậu quả nghiêm trọng là sau đó số tiền này lại được chuyển vào tài khoản của đối tượng lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như - từng được coi là đại gia trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán. Nửa cuối năm 2011, kinh tế suy giảm kéo theo sự đóng băng của thị trường địa ốc, thị trường tài chính xuống dốc, số tiền này đã bị Như làm cho bốc hơi, gây thiệt hại cho ACB...

Ông Trần Xuân Giá:

Quê quán: Vĩnh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
Ngày tháng năm sinh: 1939
Nơi sinh: Tỉnh Thừa Thiên Huế
Dân tộc: Kinh
Quốc tịch: Việt Nam
Trình độ văn hóa: Đại học
Trình độ chuyên môn
- Tiến sĩ kinh tế - 1975, Đại học kinh tế quốc dân Plekhanob (Moscow)
- Cử nhân kinh tế - 1966, Đại học kinh tế quốc dân Plekhanob (Moscow)
Cổ phiếu nắm giữ: Ông Trần Xuân Giá và những người liên quan không nắm cổ phiếu ACB cho đến thời điểm này

Quá trình công tác:

- 1966: Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
- 1977: Chù nhiệm khoa Vật giá, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
- 1981: Phó chủ nhiệm (Thứ trưởng) Ủy ban Vật giá Nhà nước
- 1989: Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng
- 1992: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
- 1995: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 1996: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 1997 -2002: Đại biểu Quốc hội khóa X
- 2003: Trưởng ban Ban Nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chính sách kinh tế, xã hội và hành chính
- 11/2006- 5/2008: Cố vấn HĐQT Ngân hàng Á Châu
- 2008 - 9/2012: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu.
Nhóm phóng viên Petrotimes

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

“Quan làm báo” đã bịa đặt như thế nào?


Trong bài viết trước, Petrotimes đã phân tích cách đưa tin, thủ đoạn lợi dụng lòng tin của người đọc vào những sự kiện có thật, từ đó nhào nặn thông tin, đánh lừa độc giả của “Quan làm báo”. Trong văn bản chỉ đạo ra ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Đây là thủ đoạn thâm độc gây chia rẽ của những kẻ cơ hội chính trị.

Hẳn tất cả chúng ta đều muốn “biết mặt, nghe tên” của những kẻ được gọi là “Quan làm báo”. Đó là ai mà có khả năng dẫn dụ, đánh lừa người đọc, là ai mà biết ném đá rồi lại biết giấu tay rất khéo? Hẳn không phải là kẻ tầm thường!

Trước hết, chúng ta hãy cùng phân tích những điều mà “Quan làm báo” đã bịa đặt để đánh lừa dư luận.


Ông Trầm Bê trả lời báo chí bên lề Lễ Ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra sáng ngày 28/8.
Ông Trầm Bê trả lời báo chí bên lề Lễ Ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra sáng ngày 28/8.

Đầu tiên là sự kiện “bầu” Kiên bị bắt. Thanh Niên vốn là một trong những tờ báo dám đấu tranh với nạn tiêu cực nhưng cũng bị “Quan làm báo” đưa vào tầm ngắm đầu tiên bằng việc vu cáo “Vụ bầu Kiên: Báo chí ăn tiền đâm toạc tờ giấy”.

Như Petrotimes đã phân tích ở bài viết trước, “Quan làm báo” đã lợi dụng đúng sự kiện nóng mà dư luận đang quan tâm là “bắt bầu kiên – một người nổi tiếng” – để làm thông tin nền và từ đó nhào nặn ra các thông tin không có thực về việc “mua chuộc báo chí”… Quan làm báo đã hướng sự tò mò của người đọc theo chủ ý xấu của mình – chĩa mũi dùi vào tờ mà “Quan làm báo” “không ưa” – tờ Thanh Niên.

Ngay sau đó, Báo Thanh niên đã lên tiếng: “Gần đây trên một số trang mạng cho rằng một số tờ báo trong đó có cả Thanh Niên, đã đăng tải các bài viết “nhằm tô son, trát phấn” cho các ông Trầm Bê và bầu Kiên. Thanh Niên xin thông báo cùng bạn đọc: những thông tin (liên quan đến Thanh Niên) này là hoàn toàn bịa đặt. Thanh Niên khẳng định trong suốt thời gian qua không đăng bất cứ một bài viết nào về các nhân vật được đề cập”.

Nhiều bạn đọc trên internet đã cố công tìm kiếm nhưng cũng không thể tìm thấy bài viết nào về Bầu Kiên và Trầm Bê đăng trên báo Thanh Niên. Điều bịa đặt bị phanh phui đã khiến nhiều bạn đọc giật mình trước việc: Lâu nay, bị “Quan làm báo” dẫn dụ, dẫn đến việc “nói gì cũng tưởng là thật”.

Tiếp theo là vụ bắt Tổng giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải. Trong vụ này, Petrotimes là tờ báo đưa thông tin đầu tiên về việc Lý Xuân Hải bị VKS Nhân dân Tối cao phê chuẩn lệnh khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi Petrotimes đăng tin, “Quan làm báo” đã lấy lại thông tin đưa về trang web của mình và “hô hào” như một nguồn tin riêng, tin khám phá được. Từ đó “thêm mắm thêm muối” xoay quanh vụ việc này.

Sau vụ bắt Lý Xuân Hải, “bầu” Kiên, thị trường tài chính ngân hàng đã có lúc rơi vào hỗn loạn và như một kẻ chớp cơ hội cực giỏi, “Quan làm báo” đã liên tiếp “câu khách” bằng việc đưa dồn dập các thông tin liên quan đến những doanh nhân của ngành tài chính ngân hàng.

Bị "Quan làm báo" vu cho là "đã bị bắt" nhưng ông Nguyễn Đăng Quang lại xuất hiện trong lễ phát động của Tập đoàn Masan.
Bị "Quan làm báo" vu cho là "đã bị bắt" nhưng ông Nguyễn Đăng Quang lại xuất hiện trong lễ phát động của Tập đoàn Masan.

Đầu tiên là việc “Quan làm báo” đưa tin “Chủ tịch Tập đoàn Masan đã bị bắt”. Quả thật, trong một vài ngày, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đã vắng mặt ở nơi làm việc, không phải vì ông bị bắt mà là vì ông đưa con ra nước ngoài đi du học.

Trang web cơ hội chính trị đã nắm đúng thời điểm ông Quang đi vắng để tung tin đồn gây hoang mang với cả các cổ đông của Masan và Techcombank. Chưa hết, “Quan làm báo” còn “vẽ” thêm một loạt các bài viết về sai phạm kinh tế của ông này.

Tuy nhiên, đây là vụ việc mà trang web này bị “việt vị” hoàn toàn.

Đến chiều ngày 27/8, ông Nguyễn Đăng Quang bay về TP. HCM và có mặt tại khách sạn New World để dự buổi lễ phát động thi đua của Tập đoàn Masan thì mọi người mới vỡ lẽ ra là bị “Quan làm báo” lừa.

Khi lần “việt vị” đó, “Quan làm báo” gần như im lặng, “không kèn không trống” gì về thông tin ông Nguyễn Đăng Quang. Cho đến ngày 7/9, “Quan làm báo” tiếp tục “quăng bom” bằng việc đưa tin: Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombak bị bắt. “Bổn cũ soạn lại” trang web này lại ném tới tấp các thông tin bôi xấu ông này lên mạng.

Ông Hồ Hùng Anh tại Lễ phát hành “Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012” (thứ 3 từ trái sang). Ông là một trong những nạn nhân của việc đưa "tin vịt" của "Quan làm báo".
Ông Hồ Hùng Anh tại Lễ phát hành “Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012” (thứ 3 từ trái sang). Ông là một trong những nạn nhân của việc đưa "tin vịt" của "Quan làm báo".

Tuy nhiên, sáng 8/9, ông Hồ Hùng Anh đang tham dự buổi Lễ phát hành “Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012”. Bộ phận truyền thông của Ngân hàng Techcombak gửi cho các báo, đài 1 bức ảnh ông Quang ở bên ngoài hội trường, mọi người mới vỡ lẽ thêm một lần bị “Quan làm báo” lừa.

Trang web này còn cố đấm ăn xôi, lấy lý do “ảnh cũ rích” “cắt ghép” và đưa thêm bài “Khẳng định Hồ Hùng Anh đã bị bắt & Thông tin đang bị dấu nhẹm!”. Đáp lại, phóng viên các báo đài có mặt tại buổi lễ đã công bố thêm một loạt ảnh ông Hồ Hùng Anh phát biểu, nhận giải thưởng.

“Việt vị” thêm lần nữa, Quan làm báo “im bặt” rút lui không kèn không trống vụ việc này. Cũng sau lần “hớ” này, những kẻ cơi hội làm trang Quan làm báo như “không giữ được bình tĩnh” vì liên tiếp bị bóc mẽ, Trang web hướng ra các bài viết chửi đổng,

Ngày 24/8, “Quan làm báo” lại đưa tin “Trầm Bê xin được quản thúc” với nội dung: “Trầm Bê hiện nay đã được Ban chuyên án quản thúc nhằm bảo vệ tính mạng cho ông ta”.

Vu cho ông Trầm Bê là “công an quản thúc” nhưng ông này lại có mặt tại lễ Ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra sáng ngày 28/8. Người hiểu biết sẽ nhận ra ngay: Đời nào một người đang bị quản thúc mà lại được đi ký kết hợp đồng tín dụng doanh nghiệp!

Tin của “Quan làm báo” ngây ngô đến nỗi, ông Trầm Bê phải hóm hỉnh với các phóng viên: “Ngày hôm nay sẵn dịp được các cơ quan báo đài, truyền hình hỏi thăm về tôi, tôi rất cám ơn…” Ông cũng khẳng định chưa hề bị công an mời, bị hỏi thăm hay gì cả. Tất cả đều là tin thất thiệt.

Tự cho mình là "nhà thông thái về chính trị" nhưng "Quan làm báo" lại không phân biệt nổi Chủ tịch UBND TPHCM và một... nhạc sỹ.
Tự cho mình là "nhà thông thái về chính trị" nhưng "Quan làm báo" lại không phân biệt nổi Chủ tịch UBND TPHCM và một... nhạc sỹ.

Chưa hết, trong nhiều bài viết tung lên, mặc dù luôn gồng mình, “tỏ ra nguy hiểm” nhưng “Quan làm báo” đã thể hiện sự xào xáo “ít học” của mình. Ví dụ đến tên của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân mà lại nhầm thành tên… nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Hay việc trang web này soạn thảo công văn giả mạo của Văn phòng Chính phủ, đóng dấu “tuyệt mật” nhưng lại… viết sai mẫu và tệ hơn lại còn sai chính tả.

Trong văn bản chỉ đạo ra ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Những trang web đưa thông tin sai kiểu này chính là thủ đoạn thâm độc gây chia rẽ của những kẻ cơ hội chính trị. “Quan làm báo” là sản phẩm của các phần tử phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, có sự tiếp tay, cung cấp thông tin của các đối tượng tha hóa, biến chất trong nước nhằm phá hoại nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng và dư luận nhân dân.

Vì thế cần phải tìm cho ra những kẻ tiếp tay cho chúng và nghiêm trị. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông – trong đó quan trọng đặc biệt là cần cung cấp kịp thời thông tin chính xác về các vụ việc nhạy cảm.

Petrotimes