Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Đừng ngộ nhận lòng yêu nước


Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta mặc dù cũng “bất bình” những hành động ngang ngược của Trung Quốc như chúng ta nhưng họ gánh trên vai trách nhiệm khác chúng ta. Nên không thể để cảm tính lấn át lý trí, lấy triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” từ đó sinh ra chiến thuật để bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực. Hơn ai hết, họ hiểu rõ cái giá của chiến tranh.
Lòng yêu nước là tài sản thiêng thiêng, gắn liền với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, rất cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy, nhưng cũng cần tránh bị ngộ nhận, lợi dụng…!
Nếu là người trẻ, phải xông pha, dám đón nhận những việc mà có thể những người khác ngại ngần hoặc không làm được.
Nếu là người trẻ, phải xông pha, dám đón nhận những việc mà có thể những người khác ngại ngần hoặc không làm được.
Người Việt Nam với biết bao thế hệ từng bỏ lại sau lưng những phù hoa nơi thành phố tráng lệ để dấn thân lên rừng xuống biển; băng đèo, lội suối đi xây dựng các vùng kinh tế mới; đêm gối đầu giường cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” với khát vọng sống sao cho xứng đáng một kiếp người, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình xây dựng đất nước ngày càng hùng cường và giàu mạnh. Một thế hệ đã run lên xúc động khi ca Quốc Ca và hát bài Tự Nguyện: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng… Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”.
Qua dòng chảy thời gian và qua các thế hệ, với người Việt Nam lòng yêu nước đã trở thành một giá trị cao quý, máu thịt và được truyền từ đời này qua đời khác. Có đi xa mới thấy nhớ quay quắt những bờ đê, ao làng, lũy tre, hàng cau, nhất là giọng nói mộc mạc, tiếng võng kẽo kẹt, những nụ cười và tấm lòng cởi mở của người thân, bạn bè, bà con lối xóm nơi quê nhà… Và tất nhiên mỗi người có quyền yêu nước theo cách của riêng mình, chỉ có điều chúng ta cần phải cân nhắc, thể hiện lòng yêu nước của mình trước cộng đồng sao cho đúng đắn, hiệu quả để không làm mất đi ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng đáng trân trọng của nó.
Lòng yêu nước mạnh mẽ như những con sóng cả quật khởi.
Lòng yêu nước mạnh mẽ như những con sóng cả quật khởi.
Bởi tình cảm máu thịt đó không đơn thuần chỉ xuất phát từ trái tim mà còn phải được nuôi dưỡng bằng sự thật chân lý, bằng kiến thức và cả sự hiểu biết. Vì bản thân lòng yêu nước không có lỗi nhưng nếu không đặt đúng chỗ sẽ dẫn tới những tác hại ngược. Càng nguy hiểm hơn khi lòng yêu nước bị một số thế lực “lưu manh giả danh tri thức” lợi dụng, thừa nước đục thả câu, nhân danh lòng yêu nước, nhưng thực chất là đầy toan tính ích kỷ, gây tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường phá hoại, đốt cháy những hạnh phúc bình dị của người dân.
Rõ ràng, chúng ta đang sống trong xã hội thái bình vậy nên yêu nước không có nghĩa là phải xung phong ra mặt trận, lên biên giới, hoặc ra hải đảo cầm súng, ném lựu đạn để bảo vệ chủ quyền đất nước. Và càng không phải yêu nước theo cách mà một số người đang ảo tưởng là phải xuống đường biểu tình. Một minh chứng điển hình và rõ ràng nhất là các vụ “biểu tình” thời gian vừa qua, vụ mới đây nhất diễn ra vào sáng chủ nhật, ngày 9-12-2012 tại Hà Nội và Sài Gòn. Để phản đối thói lộng ngôn, hành vi gây rối, chơi xấu của Trung Quốc thời gian gần đây như: ban hành hộ chiếu “đường lưỡi bò”, cố tình làm đứt cáp của tàu thăm dò Bình Minh 02 của Petro Việt Nam…
Sự kiện biển Đông đang làm trỗi dậy lòng yêu nước thường trực trong mỗi người dân Việt Nam. Nhưng nó dễ bị kích động, lợi dụng bởi các thế lực thù địch.
Sự kiện biển Đông đang làm trỗi dậy lòng yêu nước thường trực trong mỗi người dân Việt Nam. Nhưng nó dễ bị kích động, lợi dụng bởi các thế lực thù địch.
Ai cũng biết, “biểu tình” như vậy hiệu quả tích cực không thấy đâu, trái lại còn khiến lòng dân không yên, làm rối loạn xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện đối sách ngoại giao của Nhà nước. Cái hại trước mắt thấy rõ nhất là ngay sau “biểu tình” nham nhảm các blog, báo đài nước ngoài mượn gió vẻ măng, đăng tải thông tin, hình ảnh không mấy tốt đẹp về Việt Nam…Trong khi không hiểu hay cố tình không hiểu vấn đề cơ bản nhất là tránh xung đột.
Hẳn một số người sẽ thắc mắc tại sao Trung Quốc liên tục gây hấn mà nhà nước Việt Nam không dám làm cái này, phải nhịn cái kia… Có những chuyện khi đứng ngoài lề nói, phê phán bao giờ cũng rất dễ nhưng khi bắt tay trực tiếp vào làm mới thấy không dễ chút nào.
Các bạn trẻ có rất nhiều hình thức để thể hiện lòng yêu nước
Các bạn trẻ có rất nhiều hình thức để thể hiện lòng yêu nước
Bởi nếu chúng ta nhìn sâu vào cốt lõi vấn đề sẽ thấy rõ Việt Nam đang tích cực bảo vệ chủ quyền bằng cách: Thường xuyên tuyên bố khẳng định chủ quyền, tuyên bố hủy và không đóng dấu toàn bộ hộ chiếu in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; tăng cường truyền thông để dư luận trong nước và quốc tế hiểu và cảnh giác hơn với những chiêu lòe thiên hạ của Trung Quốc; nâng cấp vũ khí, hiện đại hóa quân đội, nâng cao hệ thống phòng thủ và tăng cường năng lực tác chiến… Từ những hành động trên cho thấy mỗi khi Việt Nam “nhường” Trung Quốc điều gì, hay tỏ thái độ mềm dẻo thì đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong đó nguyên nhân trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sau là bảo vệ hòa bình, tránh chiến tranh tàn phá đất nước, chiến sĩ hy sinh, đồng bào đổ máu.
Vì những lẽ đó mà lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta mặc dù cũng “bất bình” những hành động ngang ngược của Trung Quốc như chúng ta nhưng họ gánh trên vai trách nhiệm khác chúng ta. Nên không thể để cảm tính lấn át lý trí, lấy triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” từ đó sinh ra chiến thuật để bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực. Hơn ai hết, họ hiểu rõ cái giá của chiến tranh, ắt sẽ có thêm nhiều người hy sinh, nhiều mất mát khác, đời sống người dân nhất là ngư dân sẽ bị ảnh hưởng to lớn.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc
Chúng ta những người Việt luôn thổn thức, trăn trở với chủ quyền đất nước, vậy cớ sao không đoàn kết để tạo ra sức mạnh bảo vệ tổ quốc. Chứng kiến chủ quyền bị xâm phạm, ngư dân bị đe dọa… chúng ta sẽ nên thể hiện lòng yêu nước của mình trước hết là ủng hộ Nhà nước thực hiện các đối sách với kẻ thù. Đối sách này không chỉ được tiến hành trên mặt trận “bom đạn” mà có thể diễn ra dưới nhiều hình thái khác nhau, như ngoại giao, kinh tế, pháp luật, khoa học kỹ thuật… Ngoài ra, bạn có thể đóng góp bằng các hoạt động cụ thể tùy thuộc vào khả năng của mình. Như lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Bạch Dương
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
NguồnNguyen Tan Dung

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Đừng yêu nước bằng máu của người khác!


Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên Facebook.

Bài vết của blogger Bao Anh Thai
Bài vết của blogger Bao Anh Thai

“Ông ngoại tôi từng cầm mác búp đa, lưng dắt lựu đạn, cắt rào kẽm gai công đồn Pháp cùng với những người lính Nhật Bản tình nguyện theo Việt Minh thời chín năm. Chiến thuật của đơn vị ông rất đơn giản: Cắt rào, ném lựu đạn vô lô cốt và xung phong vào đánh giáp lá cà khi quân Pháp còn chưa hết choáng váng vì tiếng nổ. Ông tôi không kể về những tổn thất của đơn vị.

Khi tôi hỏi ông tôi là trong đơn vị có bao nhiêu lính Nhật, và sau chín năm, bao nhiêu người trong số họ trở về tổ quốc. Ông trả lời “Có chín người, sau chín năm, chẳng có ai trong họ còn sống”. Tôi không biết ngoài chín người Nhật đó, bao nhiêu người khác trong đơn vị ông đã chết.

Tôi hỏi ông: “Đơn vị ông không phải là đặc công (mà thực ra trong thời chín năm, khái niệm đặc công chưa có), sao các ông không dùng bazoka hoặc ít nhất là súng máy áp chế khi công đồn?”

Ông trả lời rất đơn giản là đơn vị ông không có bất kỳ vũ khí hỏa lực mạnh nào. Họ chỉ có 3 súng trường cho một tiểu đội và những người Nhật Bản tình nguyện chỉ dùng kiếm Samurai của họ.

Thời kháng Mỹ, ông tôi động viên con cái đi ra trận. Hai dì tôi đi thanh niên xung phong khi mười sáu tuổi. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào và Quảng Trị, lần lượt 2 dì về nhà vì mất sức. Cả hai dì đều trọc đầu như sư đến nhiều năm sau tóc mới mọc lại.

Bác tôi, học ở Nga về làm cán bộ giảng dạy Bách Khoa nhưng rồi lại tình nguyện nhập ngũ. Tây Nguyên, Đường 9, Quảng Trị – giấy chứng nhận dũng sỹ diệt Mỹ và dũng sỹ diệt xe cơ giới gấp phồng túi ngực (theo đúng nghĩa đen).

Khi từ miền Bắc vào Nam, bác tôi mang theo 90 viên đạn của cây súng bắn tỉa. Khi giải ngũ, bác đã bắn 52 viên, trong đó 4 viên trượt. Bác tôi và người em kết nghĩa đã bỏ cả ngày trời bò qua cả một cái trảng lớn nằm giữa vùng ranh giới giữa hai bên để bắn một phát đạn với tầm gần 900 m làm bị thương viên tướng chỉ huy một sư đoàn quân đội Sài Gòn trong cuộc họp bộ tham mưu của sư này hồi Quảng Trị năm 1972.

Bác tôi là một trong 16 người cuối cùng rời thành Quảng Trị bơi vượt sông Thạch Hãn và tên của bác tôi có trong viện Bảo tàng Quân đội. Những người chỉ huy trận Quảng Trị nay đang lãnh đạo Bộ Quốc phòng đều nhớ đến bác tôi.

Ông ngoại tôi giờ đã 94 tuổi, bác và các dì tôi đều đã về hưu.

Không một ai đại ngôn về lòng yêu nước.

Thậm chí, tôi chưa bao giờ nghe từ đó trong các câu chuyện của họ.

Đơn giản là họ làm những điều đó.

Khi tôi kể cho bác tôi về một cuốn nhật ký nổi tiếng của một người lính trẻ tuổi hai mươi và ngỏ ý muốn mua một cuốn tặng bác. Bác tôi từ chối và nói với tôi rằng: “Con ạ, nếu mỗi người lính khi ra trận, thay vì viết mà chỉ cần bắn bị thương một kẻ thù thôi, thì miền Nam có thể giải phóng rất lâu trước 1975″.

Khi tôi kể cho bác về những chuyện gần đây trên Biển Đông, bác lẩm nhẩm tính rồi nói “Ác liệt như hồi 72 mà người ta mới vét đến cán bộ tuổi 35. Giờ, nếu không phải đánh lớn trên bộ, chắc bọn con (tôi và các anh con bác) không bị động viên đâu!”

Tôi viết những dòng này vì tôi ngán đến tận cổ những người ngồi trong phòng máy lạnh mà mọi thứ họ viết ra chỉ là chỉ trích. Tôi ngán đến tận cổ việc họ tự cho mình là đang nói lên tiếng nói của một người dân để viết về lòng yêu nước.

Họ chỉ trích, họ mách nước cho Nhà nước làm việc A việc B dù họ biết rằng nếu có nổ súng thì họ sẽ không gửi email gọi con họ bỏ học ở nước ngoài để về nhập ngũ.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự hỏi và mãi vẫn không tìm được chỗ nào cho thấy họ đang đại diện cho nhân dân (những người nông dân như ông ngoại tôi, những cán bộ về hưu như bác và các dì tôi) để nói những từ đại ngôn đó.

Những người đại ngôn đó đòi minh bạch về thông tin, đòi nhà nước để cho phải báo cáo này nọ nhưng họ quên mất một điều, hồi chiến tranh, có ngày nào mà nhân dân không nghe đài thống kê về số lượng đạn pháo bắn sang lãnh thổ Việt Nam, ngày nào mà Thông Tấn Xã Việt Nam không dịch những bản tin đó sang tiếng Anh cho thế giới biết?

Cả thế giới đều biết, nhưng chỉ có những thanh niên Việt Nam 17-18 phải bỏ trường học mà lên đường giữ nước, và cả nước phải đói ăn đến queo quắt để chiến sỹ tiền duyên có đạn mà bắn.

Nhiều chiến sỹ hải quân đã hy sinh vì tổ quốc – tinh thần yêu nước và hy sinh họ có thừa nhưng họ chưa có đủ vũ khí để chống lại những con tàu lớn. Những người gác biển cần vũ khí, cần máy bay, cần tên lửa, cần tàu chiến, tàu ngầm.

Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên Facebook. Đừng để con em nhân dân đổ máu để cho các bạn lên internet hô hào mình là yêu nước.

Những người nào thích những thứ dân chủ và yêu nước lấp lánh phương Tây, xin hãy đọc lại tác phẩm kinh điển “Gone with the wind” (Cuốn theo chiều gió) để học một cách thực tế hơn về lòng dũng cảm, về tinh thần yêu nước”.

BẢO ANH THÁI