Tại kỳ họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (truyền hình trực tiếp).
Diễn ra trong một tháng, kỳ họp khai mạc sáng nay, 21.5, QH sẽ bàn thảo nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và quy định về bỏ phiếu tín nhiệm.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Trong ngày làm việc đầu tiên, QH cũng sẽ nghe thêm một số báo cáo, tờ trình, trong đó có nội dung về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Doanh nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng mức, đủ giúp họ thêm điều kiện vượt qua khó khăn – Ảnh: Duy Anh
Ngoài ra, QH cũng sẽ nghe và biểu quyết thông qua một số dự thảo luật, gồm: luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, luật Phòng chống rửa tiền, luật Bảo hiểm tiền gửi, luật Giáo dục đại học, luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, luật Điện lực, luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Dự trữ quốc gia, luật Thư viện, luật Luật sư, luật Tài nguyên nước… Trong chương trình, QH cũng sẽ thông qua việc bãi miễn ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến.
Băn khoăn về hiệu quả gói cứu trợ DN
Tại cuộc họp cuối tuần qua, các thành viên UBTCNS chỉ đồng ý với đề xuất miễn 30% thuế TNDN cho DN vừa và nhỏ; bác đề xuất miễn thuế khoán VAT và thuế TNCN năm 2012 đối với một số đối tượng. Một trong những lý do là kết quả thực hiện chủ trương giảm 50% mức thuế khoán thuế VAT, thuế TNCN và thuế TNDN từ quý 3/2011 đến hết năm 2011 cho đến nay chưa được đánh giá đầy đủ để làm cơ sở cho đề xuất tiếp theo.
Trong khi đó TS Lê Đăng Doanh phân tích, những chủ trương dù nhiều hay ít cũng đã tác động không nhỏ tới tinh thần của DN đang trong lúc kiệt quệ, suy yếu. Nhưng rõ ràng nó không mang lại hiệu quả bởi mức miễn giảm quá ít, bằng chứng là sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ năm 2011, sang năm 2012 vẫn có hàng loạt DN phá sản, dừng hoạt động. Với gói cứu trợ 29.000 tỉ đồng, nếu cứ tiếp tục đưa ra chính sách một cách thiếu cơ sở sẽ chỉ làm lãng phí ngân sách, còn DN thì vẫn chồng chất khó khăn.
“Số tiền giảm thuế chỉ bằng một bát phở”
Mặc dù được triển khai khá rầm rộ nhưng gói chính sách miễn giảm, giãn thuế năm 2011 của Chính phủ vẫn bị Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) băn khoăn về hiệu quả thực sự trong thực tế. Điều này cho thấy rất có thể, gói cứu trợ 29.000 tỉ đồng mới sẽ gây nhiều tranh cãi trong kỳ họp này.
Nhận định trên được UBTCNS đưa ra khi tiếp nhận tờ trình của Chính phủ về gói cứu trợ thuế mới trị giá 29.000 tỉ đồng và bản đánh giá sơ lược kết quả thực hiện Nghị quyết 08/2011/QH 13 bổ sung giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân hồi giữa năm ngoái. Theo đó, nghị quyết này tập trung vào 5 nội dung miễn giảm, giãn một số loại thuế từ tháng 8 đến hết 12.2011. Kết quả, các đối tượng được hưởng trực tiếp từ giảm thuế là 4.062 tỉ đồng, đồng thời thực hiện miễn 1.575 tỉ đồng cho cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở bậc 1…
UBTCNS cho rằng cần phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả của chính sách này. Cụ thể, trong chủ trương có cho giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế TNCN và thuế thu nhập DN (TNDN) từ quý 3/2011 đến hết năm 2011 đối với hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010. Nhưng kết quả chỉ có khoảng 25.000 hộ được giảm, tương đương khoảng 7 tỉ đồng. Nếu chia bình quân, mỗi hộ chỉ được khoảng 280.000 đồng, chia tiếp cho 5 tháng được giảm, mỗi tháng còn 56.000 đồng. Với mức giảm chỉ vài chục nghìn đồng/hộ như vậy, theo đánh giá của ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm UBTCNS – số tiền này chỉ bằng một bát phở và dẫn tới việc ràng buộc không tăng giá nhà trọ, suất ăn ca là bất khả thi.
Nghị quyết 08 cũng cho giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DN nhỏ và vừa nhưng theo số liệu tạm tính của 63 địa phương thì tổng số DN nhỏ và vừa được giảm thuế là 168.000, với tổng số thuế đã giảm khoảng 3.500 tỉ đồng. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu chia đều thì mỗi DN chỉ được giảm khoảng 20 triệu đồng. “Con số này chỉ như muối bỏ biển, không đủ để DN trả lãi vay trong 1 tháng, chứ đừng nói đến có vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Doanh nói.
Về chủ trương miễn thuế TNCN từ ngày 1.8.2011 đến hết 31.12.2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1, báo cáo cho biết có hơn 2,8 triệu người được miễn với tổng số tiền 1.575 tỉ đồng.
Cử tri kiến nghị giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo
Theo báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư đều tăng, trong đó khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu. Cử tri và nhân dân cho rằng “tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân không có đất để sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân”.
Để khắc phục tình trạng trên, cử tri kiến nghị QH, Chính phủ chỉ đạo giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, “việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, DN và người dân có đất bị thu hồi; việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế”. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri kiến nghị QH, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí; sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa 11). Đồng thời tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng; thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Bảo Cầm
Bảo Cầm – Anh Vũ
0 Comments:
Đăng nhận xét