Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang: Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy


Nhân “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (26/6), Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy đã có bài viết về các giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 đóng trên địa bàn Hà Nội.
Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 đóng trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn ma tuý trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tính đến cuối năm 2011, vẫn còn hơn 200 triệu người nghiện các chất ma tuý. Các loại tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý quốc tế gắn liền với thảm họa ma tuý tổng hợp ATS đã và đang thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự đã trở thành hiểm họa lớn, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ là nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”.

Ngày 27/6/2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1101/QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhờ triển khai thực hiện liên tục, đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống ma túy đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy đã được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tệ nạn ma túy; phong trào toàn dân phòng, chống ma túy đã được phát triển rộng khắp trên cả nước; tốc độ gia tăng người nghiện được kiềm chế, ở một số địa phương đã có xu hướng giảm. Đã thực hiện có hiệu quả Chương trình xoá bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma tuý tại các vùng cao. Từ một nước có gần 20 nghìn ha trồng cây thuốc phiện vào năm 1998, đến nay, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề trồng cây thuốc phiện và tái trồng cây thuốc phiện.

Công tác phòng, chống ma tuý đã từng bước được xã hội hoá, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện; đã cảm hóa, giáo dục, cải tạo được nhiều đối tượng phạm tội, đối tượng nghiện hút ma tuý tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người làm ăn lương thiện, có ích cho xã hội. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến xuất sắc trong phòng, chống ma túy như mô hình 3 giảm: “Giảm tội phạm, giảm ma tuý, giảm mại dâm” của Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình thành phố 5 không: “Không có tội phạm giết người cướp của, không có ma tuý tại cộng đồng, không có người thất học, không có người lang thang xin ăn, không có hộ đói” của thành phố Đà Nẵng; phong trào 3 bỏ: “Bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ hút thuốc phiện, bỏ buôn bán ma tuý” của tỉnh Yên Bái…

Trong lĩnh vực cai nghiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện với nhiều hình thức; đồng thời chú trọng quản lý đối tượng sau cai nghiện ở cộng đồng. Số người nghiện được tiếp cận các hình thức cai nghiện ngày một tăng, qua đó đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện ma tuý. Xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện, phục hồi có hiệu quả như mô hình cai nghiện tại tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hà Nội… Đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cai nghiện, dạy nghề thành công cho hơn 40.000 người nghiện, giảm nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng.

Trên lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; ký kết nhiều hiệp định hợp tác phòng, chống ma tuý với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế, trong đó đáng chú ý là 3 Công ước kiểm soát ma tuý, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc, INTERPOL, các nước ASEAN, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông… nhằm trao đổi thông tin, nâng cao năng lực cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật phòng, chống và kiểm soát ma tuý qua biên giới.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng Công an nhân dân đã điều tra, khám phá gần 30.000 vụ án ma túy; bắt gần 40.000 đối tượng phạm tội; triệt phá hàng trăm đường dây ma túy nguy hiểm, hàng nghìn tụ điểm phức tạp về ma túy. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt, nguy hiểm với tội phạm về ma túy, trong 5 năm qua, có 34 cán Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Công an xã, bảo vệ dân phố đã anh dũng hy sinh, trên 50 đồng chí bị thương.

Mặc dù công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp: Tình trạng tái nghiện còn cao, cai nghiện chưa hiệu quả; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện hút ma túy và từ họ lây lan ra cộng đồng đang ở mức đáng lo ngại; tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá trong tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh có xu hướng gia tăng và rất đáng báo động; các loại ma tuý ngày càng đa dạng và dễ sử dụng; hoạt động của tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả các lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.

Để thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” và “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” với chủ đề “Toàn cầu chung sức hành động vì một cộng đồng lành mạnh không ma túy”, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống ma tuý tới các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên về tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Đưa kiến thức pháp luật về phòng chống ma tuý vào giảng dạy trong nhà trường, coi đây là môn học bắt buộc.

- Các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW và Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các đề án của Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, qua đó huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý. Phát động toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tổ chức thực hiện Chương trình xóa bỏ và thay cây có chứa chất ma tuý ở các tỉnh miền núi, trong đó chú trọng tổ chức các dịch vụ tiêu thụ nông sản, thực phẩm và nâng cao hiệu quả các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho đồng bào trước đây trồng cây thuốc phiện, để họ có cuộc sống tốt hơn, tự nguyện xoá bỏ việc trồng và tái trồng cây có chất ma túy.

- Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về ma túy trong nước và ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.

- Đề cao trách nhiệm của gia đình, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc quản lý, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai nghiện, nhân rộng mô hình xã, phường, thôn, ấp, bản không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội khác; xây dựng nhiều phòng tuyến ngăn chặn tội phạm và hiểm họa ma tuý từ cơ sở. Huy động nhiều nguồn vốn, tăng cường đầu tư, xây dựng, quản lý trung tâm cai nghiện có hiệu quả.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống ma túy, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy; góp phần nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường trang bị, phương tiện phòng chống ma tuý cho các lực lượng chức năng trong nước.

- Lồng ghép việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy với Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác.

Cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý còn nhiều cam go và khó khăn phía trước, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, chung tay đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trong thanh, thiếu niên nhằm giảm thiểu thiệt hại do ma túy gây ra cho xã hội, cho mỗi gia đình và mỗi người.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm


Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ rõ, từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước.
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã họp dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Đại Quang: Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Đồng chí Trần Đại Quang: Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Các đại biểu dự cuộc họp thống nhất đánh giá, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Tây Nguyên đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh vô hiệu hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng của bọn phản động FULRO; tập trung bảo đảm an ninh nông thôn, xử lý kịp thời một số vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện đất đai, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc tổ chức bám dân, nắm tình hình, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự…
Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về Tây Nguyên, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, cần giải quyết tốt vấn đề đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; hỗ trợ cây, con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm để đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào kinh tế mới, số di cư tự do đang gặp khó khăn, để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc di dân tự do.
Về phương hướng công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thời gian tới, đồng chí Trần Đại Quang nêu rõ, để giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phân tích và dự báo đúng tình hình, đặc biệt là nắm tình hình từ xa, từ bên ngoài và tại cơ sở để kịp thời đề xuất các chủ trương, giải pháp, đối sách chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Cùng với đó, cần khẩn trương giải quyết các vụ việc tranh chấp khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo, dân tộc; kiên quyết xử lý các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để gây rối, phá hoại. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Tây Nguyên với các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 160/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, từng bước đưa sinh hoạt của đạo Tin lành vào quản lý bằng pháp luật, góp phần làm thất bại âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng của các thế lực thù địch.
Đồng chí Trần Đại Quang chỉ rõ, cần tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đảm bảo có đội ngũ kế cận trong 5-10 năm. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số theo phương châm: Kết hợp vừa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa bồi dưỡng bổ sung kiến thức phổ thông để bảo đảm chuẩn về văn hóa, vừa đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị.
Đồng chí Trần Đại Quang khẳng định, việc ổn định, phát triển Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, gắn với khu vực trọng điểm miền Trung, Đông Nam Bộ, khu vực “tam giác phát triển” Việt Nam – Lào – Campuchia. Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ An ninh Lào

Chiều 15/5, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ An ninh Lào do đồng chí Kong Thon Phongvichit, Thứ trưởng Bộ An ninh Lào dẫn đầu sang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Dự buổi tiếp có Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.


Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam; Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam; đồng chí Kong Thon Phongvichit, Thứ trưởng Bộ An ninh Lào cùng các đại biểu tại buổi tiếp.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Đại Quang chào mừng đồng chí Kong Thon Phongvichit cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Bộ An ninh Lào sang thăm, làm việc với Bộ Công an Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Thực hiện kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ, thời gian qua Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào đã tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong công tác bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH. Sự phối hợp giữa lực lượng An ninh và Công an hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thu được nhiều kết quả, góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh trong thời gian tiếp theo, trên cơ sở những kết quả, thành tích mà Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào đã đạt được, Bộ Công an Việt Nam – Bộ An ninh Lào cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tăng cường trao đổi tin tức, tình hình có liên quan đến ANQG và TTATXH tại hai nước để phòng, chống tội phạm và duy trì TTATXH tại hai quốc gia…

Đồng chí Kong Thon Phongvichit đã cảm ơn sự đón tiếp chân thành, trọng thị và tình cảm nồng ấm mà các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam dành cho Đoàn. Đồng chí mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung, giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh Lào nói riêng tiếp tục phát triển, góp phần tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước…

Theo CAND - nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/thuong-tuong-tran-dai-quang-tiep-doan-dai-bieu-cap-cao-bo-an-ninh-lao.html

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Cục Công tác Chính trị - Bộ Công an kỷ niệm 45 năm ngày thành lập

Sáng 8-5, tại Hà Nội, Cục Công tác Chính trị thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Quân công hạng nhì.

Thượng tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự lễ.

45 năm qua, với vai trò tham mưu trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, Cục đã đề xuất với Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an và Tổng cục Xây dựng lực lượng ban hành nhiều chủ trương quan trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thượng tướng Trần Ðại Quang đề nghị, Cục Công tác Chính trị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới"; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI); Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ"... trong toàn lực lượng.

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri tại Ninh Bình

Ngày 24/4, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tiếp xúc cử tri huyện Kim Sơn và cử tri ba xã Khánh Công, Khánh Trung, Khánh Mậu thuộc huyện Yên Khánh. Cùng dự có đồng chí Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình và đại diện HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh và các huyện Kim Sơn, Yên Khánh.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Bí thư huyện ủy Yên Khánh, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Ninh Bình đã báo cáo  nội dung, chương trình, thời gian diễn ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII.

Tại Hội nghị, đại diện cử tri đã sôi nổi phát biểu ý kiến bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực của đất nước cũng như của tỉnh trong thời gian qua; tin tưởng khi thấy thời gian qua, các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh đã luôn sâu sát, gắn bó với cơ sở, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nhân dân, trên cơ sở đó kịp thời tiếp thu và giải trình những thắc mắc, kiến nghị của cử tri. Cử tri đánh giá đây là đổi mới của các đại biểu Quốc hội tỉnh nhà, đồng thời bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động, sâu sát cử tri hơn nữa.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, có những quyết sách và giải pháp cụ thể về đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, tăng kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng nông thôn mới để hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách và phụ cấp đối với cán bộ xã, phường, người có công. Cử tri cũng đề nghị nên gia hạn kéo dài thời gian giao đất để người dân yên tâm lao động, sản xuất; quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, đào tạo và lĩnh vực y tế…


Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an với các cử tri Ninh Bình.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thượng tướng Trần Đại Quang đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của đại diện cử tri và hứa sẽ cùng với các đại biểu Quốc hội tiếp thu, nghiên cứu; trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri.

Thượng tướng Trần Đại Quang cũng đã thông báo với cử tri tình hình và những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại mà đất nước đạt được trong thời gian qua.

Cùng ngày, Thượng tướng Trần Đại Quang đã đến thăm, làm việc với Huyện ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Khánh

Thanh Thủy - Bằng Giang

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang làm Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Tạp chí CAND

Giáo sư, Tiến sỹ, Thượng tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang làm Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Tạp chí Công an nhân dân do Bộ Công an thành lập vào ngày 2/3. Hội đồng chỉ đạo Tạp chí Công an nhân dân gồm 11 thành viên.

Tiến sỹ Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; cùng một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tạp chí Công an nhân dân làm Ủy viên Hội đồng.

tran dai quang
Ra mắt Hội đồng chỉ đạo Tạp chí Công an nhân dân.

Tại buổi lễ ra mắt Hội đồng , Thượng tướng Trần Đại Quang đề nghị các thành viên Hội đồng tập trung chỉ đạo Tạp chí Công an nhân dân hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và Luật Báo chí, bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của Đảng, của ngành Công an.

Tạp chí phải tiếp tục thường xuyên tổ chức các bài viết dự báo tình hình, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, các tội phạm chống phá đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…

Qua 48 năm phát triển, Tạp chí Công an nhân dân là tạp chí đầu ngành về lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự, luôn cung cấp những thông tin chính trị, lý luận và nghiệp vụ chính thống của ngành công an, là tài liệu để các đơn vị công an nghiên cứu và vận dụng nghiệp vụ vào thực tiễn.

Hiện Tạp chí phát hành mỗi tháng 3 ấn phẩm định kỳ gồm Tạp chí Công an nhân dân, Tạp chí Công an nhân dân số chuyên đề và Tạp chí Công an nhân dân chủ đề an ninh và xã hội. Trong đó, Tạp chí Công an nhân dân chủ đề an ninh và xã hội có nhiều thông tin hấp dẫn về tình hình an ninh, trật tự được phát hành rộng rãi đến nhân dân.

Theo Chinhphu - http://trandaiquang.net/thuong-tuong-tran-dai-quang-lam-chu-tich-hoi-dong-chi-dao-tap-chi-cand.html

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang: Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào Tây Nguyên

Thượng tướng Trần Đại Quang đã khẳng định việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư cho Tây Nguyên là vấn đề quan trọng

Ngày 1/3, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị triển khai công tác năm 2012 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.


Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề được làm rõ như: việc rà soát, đánh giá lại quy hoạch phát triển công trình thủy điện gắn với sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù để thu hút đầu tư cho Tây Nguyên. Quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho các tỉnh Tây Nguyên, bồi dưỡng, chuẩn hoá cán bộ cơ sở, quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số…

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư cho Tây Nguyên là vấn đề quan trọng, cần có các giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên

Theo CAND - Thượng tướng Trần Đại Quang: Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào Tây Nguyên

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang thăm, làm việc tại một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ Singapore

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Singapore, chiều 24/2, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã cùng Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam tới thăm, làm việc tại Học viện Nội vụ và Học viện Phòng vệ Dân sự.

Đây là những cơ sở đào tạo lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm; cứu hộ, cứu nạn; phòng cháy và chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ Singapore. Các buổi làm việc của Đoàn đã tập trung trao đổi kinh nghiệm về nội dung, chương trình đào tạo; huấn luyện kỹ năng phòng, chống tội phạm khủng bố, buôn lậu, tội phạm về ma túy; vấn đề hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật, cũng như trình độ, kỹ năng sử dụng của các lực lượng thực thi pháp luật.


Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Đơn vị chiến đấu đặc biệt thuộc lực lượng Cảnh sát Singapore.

Bộ trưởng Trần Đại Quang chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật Singapore, cũng như của hai học viện trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn. Đánh giá cao nội dung, phương pháp đào tạo gắn với thực hành và đáp ứng những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, đồng chí Bộ trưởng mong muốn các đơn vị chức năng của hai bên sớm xây dựng, triển khai chương trình hợp tác để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.

Trước đó, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng dẫn đầu đã đến thăm Đơn vị chiến đấu đặc biệt thuộc lực lượng Cảnh sát Singapore; thăm Cục Quản lý Trại giam thuộc Bộ Nội vụ Singapore; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Singapore. Thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Đại sứ Trần Hải Hậu đã báo cáo với đồng chí Bộ trưởng về nhiệm vụ, kết quả hoạt động của cơ quan thời gian qua. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã chúc mừng và chia vui về những thành tích, kết quả hoạt động của Đại sứ quán thời gian qua. Đồng chí Bộ trưởng khẳng định đường lối, chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, các nước thành viên ASEAN, trong đó có Singapore; quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam và Singapore không ngừng được tăng cường, góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của hai nước nói riêng, khu vực nói chung. Cán bộ, nhân viên sứ quán cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trong đó ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Bộ trưởng Trần Đại Quang mong muốn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cầu nối, sứ giả Viêt Nam tại đất nước Singapore hữu nghị.


Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm gian bày phương tiện kỹ thuật, vũ khí của lực lượng Cảnh sát Singapore.

Ngày 25/2, Bộ trưởng Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam đã lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Singapore

Công Gôn - http://trandaiquang.net/thuong-tuong-tran-dai-quang-tham-lam-viec-tai-mot-so-don-vi-thuoc-bo-noi-vu-singapore.html

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Tiểu sử Trần Đại Quang: Bộ trưởng Bộ Công an Ủy viên Bộ Chính trị

[Chuyên mục tiểu sử Lãnh đạo] Để trả lời cho câu hỏi ông Trần Đại Quang là ai? là người như thế nào ? Mời các bạn theo dõi những luồng thông tin đúng sự thật về tiểu sử/lý lịch và quá trình hoạt động của Bộ trưởng Bộ Công an - Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang...

tran dai quang

Họ và tên: Trần Đại Quang

Sinh ngày: 12/10/1956.

Quê quán: Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Dân tộc: Kinh.

Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: 26/7/1980.

Trình độ học vấn: Phó giáo sư-Tiến sỹ Luật.

Lý luận chính trị: Cao cấp.

Tóm tắt quá trình công tác

- Tháng 7/1972: Tham gia cách mạng.
- Trước năm 2006: Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
- Tháng 4/2006: Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an.
- Tháng 4/2006: Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương

Đảng nhiệm kỳ 2006-2010.
- Tháng 4/2007: Được thăng hàm Trung tướng.
- Tháng 1/2011: Trung tướng Trần Đại Quang được Bầu vào Bộ Chính trị.
- Tháng 8/2011: Trung tướng Trần Đại Quang được Chủ Tịch nước ký  Quyết định số 1240/QĐ-CTN bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công An.
- Ngày 03/08/2011: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định số 1240/QĐ-CTN bổ nhiệm ông Trần Đại Quang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
- Chiều 5/12/2011, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã công bố thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho Bộ trưởng Trần Đại Quang.



- >Thượng tướng Trần Đại Quang làm Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Tạp chí CAND

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Bộ Công an điện: Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự sau Tết Nguyên đán

Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang vừa có điện chỉ đạo việc tăng cường đảm bảo trật tự an toàn xã hội sau Tết Nguyên đán.


Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang động viên các chiến sỹ cảnh sát cơ động chuẩn bị vào ca trực trong dịp Tết Nhâm Thìn. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong điện gửi Thủ trưởng các Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giám đốc các Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Bộ trưởng Trần Đại Quang biểu dương công an các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trước và trong những ngày Tết, góp phần phục vụ nhân dân đón Xuân, vui Tết đầm ấm.

Về tình hình an ninh, trật tự: Số vụ phạm pháp hình sự trong dịp Tết giảm 0,8%, không để xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Do đẩy mạnh công tác ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép, nên tình trạng đốt pháo nổ giảm hẳn.

Tai nạn giao thông giảm 25,3% số vụ, 32,6% số người chết và 33,1% số người bị thương so với Tết năm trước, không để xảy ra ùn tắc giao thông, đua xe trái phép.

Lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận và biểu dương tinh thần nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị cảnh sát, an ninh và công an các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh.

Tuy nhiên sau Tết Nguyên đán còn nhiều lễ hội, cán bộ, viên chức trở lại công sở làm việc, học sinh, sinh viên trở lại trường học, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng đột biến, đây cũng là thời điểm bọn tội phạm hình sự lợi dụng hoạt động phạm tội. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu ccông an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Bộ Công an về đảm bảo an ninh trật tự những ngày sau Tết, trong đó khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ gây nổ có tính chất khủng bố, trả thù cá nhân.

Các lực lượng tập trung đấu tranh với các đối tượng trọng điểm về hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, triệt phá các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, tội phạm cờ bạc, trộm cắp, cướp giật trong các lễ hội…

Bên cạnh đó, ngành Công an tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng, hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tăng cường phối hợp 3 lực lượng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Cảnh sát cơ động xử lý nghiêm đối tượng càn quấy, tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, đồng thời tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thành Chung

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Công an TP.HCM: Trấn áp băng nhóm "xã hội đen"


Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh năm 2012, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, phấn đấu kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, không chạy theo vụ việc, điều tra tố tụng thuần túy.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai công tác năm 2012 của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/12, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng công an thành phố cần tập trung đấu tranh trấn áp các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen,” sử dụng vũ khí “nóng” gây án nghiêm trọng, chống người thi hành công vụ, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong các dự án trọng điểm, tội phạm về môi trường, ma túy, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ trọng án.

Công an thành phố cần kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ điều tra viên; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của điều tra viên trong quá trình thực thi pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, trước mắt thực hiện tốt kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nhâm Thìn 2012 theo điện chỉ đạo của Bộ.

Bộ trưởng yêu cầu lực lượng công an thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ,” “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ” gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác của thành phố, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phấn đấu giảm cán bộ sai phạm, vi phạm kỷ luật; củng cố, kiện toàn bộ máy, tăng cường cán bộ cho công an cấp quận, huyện, cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, đội ngũ điều tra viên.

Đồng thời, Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông gắn với đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông.

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2011, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, phạm pháp hình sự tuy được kéo giảm nhưng hoạt động của các loại tôi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng…

Trước tình hình trên, lực lượng công an thành phố đã chủ động, sáng tạo tham mưu cho lãnh đạo thành phố và Bộ Công an chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp trên các lĩnh vực. Cụ thể, đã điều tra khám phá 3.730 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá gần 770 băng nhóm tội phạm hình sự có tổ chức, chuyên nghiệp bắt hàng ngàn tên tội phạm; khám phá gần 50 chuyên án, bắt gần 210 tên vận chuyển buôn bán ma túy; phát hiện hơn 300 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong công tác quản lý về trật tự xã hội, công an thành phố đã lập biên bản xử lý hành chính hơn 1,7 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, xử phạt hơn 230 tỷ đồng, giải tán gần 90 tốp tụ tập chuẩn bị đua xe…/.