Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Bộ Công an đánh giá nhiều vấn đề thời sự nổi cộm


Ngày 29-6, lãnh đạo Bộ Công an giao ban trực tuyến với Công An các tỉnh, thành phố về tình hình công tác 6 tháng đầu năm 2012. Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã nêu ra 7 vấn đề nổi cộm để các Tổng cục, Công an địa phương thảo luận.

Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh: V.T
Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh: V.T

Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh: V.T
Bộ trưởng Trần Đại Quang chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ảnh: V.T

“Nóng” an ninh mạng và biển Đông


Về tình hình biển Đông, phản ứng của các bên sau khi Quốc hội thông qua Luật biển, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành - Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh 1 cho biết, phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt bằng động thái cụ thể như thành lập TP Tam Sa, mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phản ứng của các nước về những động thái của Trung Quốc trên biển Đông là tương đối yếu ớt, ngoại trừ Philippines vì có những tranh chấp cụ thể trên biển với Trung Quốc. Tại Nhật, dư luận cho rằng nên học Việt Nam để đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển giữa hai bên. Mỹ cho rằng, Trung Quốc có những đòi hỏi vượt quy định quốc tế, nhất là việc mời thầu khai thác 9 lô dầu khí.

Về tình hình tội phạm an ninh mạng hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành nói rất đáng lo ngại. Việc lộ lọt thông tin vẫn diễn ra, cho thấy cơ chế bảo vệ an ninh mạng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, hiện xuất hiện các hacker nghi có sự bảo trợ của các nước xâm phạm hệ thống máy móc trong nước để thu thập thông tin. Nhưng nguy hiểm hơn vẫn là tình trạng lợi dụng các trang web phản động, tung tin thất thiệt, bôi nhọ lãnh đạo, chống lại Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân.

Trong khi đó, Trung tướng Hoàng Kông Tư - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II cho biết, các đối tượng phản động đang chống phá, xuyên tạc, tạo dư luận phản ứng xung quanh việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết Trung ương 4, Sửa đổi hiến pháp 1992. Nguy hiểm hơn là việc tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, làm phức tạp tình hình,... Trong 6 tháng đầu năm 2012, CA đã thu 9.135 tài liệu, trong đó 4.200 tài liệu chiến tranh tâm lý phản động. Việc tụ tập, khiếu kiện vẫn tiếp diễn ra trong 6 tháng qua với các nội dung mới như có sự liên kết, có tổ chức, có chỉ đạo, cho dù các đoàn kéo về Hà Nội không đông.

Giao ban trực tuyến tại đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: VĂN THUẤN
Giao ban trực tuyến tại đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: VĂN THUẤN

Tội phạm chuyển hóa


Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP cho biết, tội phạm đâm thuê, chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê ngày càng diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng qua đã xảy ra 183 vụ làm 33 người chết, 122 người bị thương. Đáng báo động có vụ đòi nợ thuê ngay ban ngày, chỉ có 80 triệu đồng, không đòi được, đối tượng đã tẩm xăng đốt con nợ. Các vụ án cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng, đặc biệt mùa Euro này cũng diễn ra với số lượng nhiều, qui mô lớn, hầu hết đều có vũ khí nóng. Điển hình ngày 28-6, khi phá vụ đánh bạc bằng hình thức cá độ của đối tượng Phạm Văn Cường ở Bắc Ninh CA đã thu giữ được 8 khẩu súng các loại. Hoặc mới đây vụ Lê Văn Lùng ở TPHCM tổ chức cá độ bóng đá, mỗi trận trong mùa Euro thu về số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Mặc dù trước và trong mùa Euro, CA đã gỡ 95 web cá độ, giảm 60%.

Đáng báo động hơn là tội phạm ngày càng trẻ hóa. Trong 6 tháng qua, CA đã phá 3.601 vụ phạm tội là trẻ vị thành niên. Tính chất của loại tội phạm này cũng rất nguy hiểm, có vụ học sinh lớp 6 giết bạn để cướp xe đạp ở Bắc Ninh, học sinh lớp 8 ở Thái Bình giết người cướp của. Có 69 vụ giết người thân trong gia đình, trong đó có vụ con giết cả cha lẫn mẹ ruột vì không cho tiền đi cá độ bóng đá. Cũng theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, trong 6 tháng qua đã xảy ra 35 vụ tội phạm ngân hàng, làm thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó 36 đối tượng là cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, có những vụ lừa đảo với sự tham gia của 24 đối tượng, thiệt hại 4 ngàn tỷ đồng, hoặc vụ Vinaline thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Song song với đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, công tác xây dựng, củng cố lực lượng được Bộ Công an triển khai thực hiện quyết liệt. Thiếu tướng Trần Bá Thiều – Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng cho biết, tới hết tháng 5 đã có 755 trường hợp CBCS sai phạm, giảm 2,83%. Tuy giảm về số lượng, nhưng tại một số địa phương, CBCS lại có sai phạm nghiêm trọng, nổi bật như vụ đánh chết người ở Hà Nội (CA Hà Nội đã nhanh chóng bắt, xử lý 8 chiến sĩ CAH Thạch Thất); vụ một chiến sĩ CA Ninh Bình đánh lái xe; vụ một chiến sĩ CA Hậu Giang nhận hơn 1 tỷ đồng để chạy việc... Thiếu tướng Trần Bá Thiều cho biết thêm, một số địa phương lãnh đạo chưa là ngọn cờ gương mẫu để cấp dưới noi theo. Thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung triệt tiêu tiêu cực, nhân lên hình ảnh đẹp của người CAND, để xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh.

Trọng tâm và quyết liệt


Thượng tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đánh giá tình hình 6 tháng qua, Bộ trưởng nêu bật diễn biến thế giới, khu vực phức tạp đan xen, tạo bất ổn chính trị. Trong nước, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, giảm phát, hàng tồn kho, lao động thất nghiệp, giá cả bất thường... là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động lưu vong gia tăng hoạt động chống phá, gây bất ổn ANTT. An ninh thông tin lỏng lẻo, sơ hở, chưa chấp hành nghiêm, triệt để các quy định dẫn tới nguy cơ gián điệp điện tử bên ngoài thâm nhập hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh thông tin hết sức cấp bách.

Tại các địa bàn chiến lược tiềm ẩn nhiều bất an, các vụ khiếu kiện có nguy cơ bùng phát thành điểm nóng, bộc lộ tính chất phản kháng, tính liên kết. Tội phạm trẻ hóa, băng nhóm xã hội đen, sử dụng vũ khí nóng, giết người, tội phạm liên quan tới tín dụng, cá độ bóng đá, ma túy tổng hợp..., gia tăng nghiêm trọng. Mặc dù tình hình phức tạp, song lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch hiệu quả qua đó giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước. Nhiều đợt tấn công tội phạm đạt kết quả đề ra. lực lượng Công an cũng đã ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều vụ móc nối phá hoại của các đối tượng lưu vong, phần tử phản động. Nhiều vụ án trọng điểm, gây bức xúc trong dư luận đã được khám phá nhanh, giúp củng cố lòng tin của nhân dân.

Về nhiệm vụ sắp tới, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, cần tăng cường bám sát tình hình trong nước và quốc tế, nhất là tình hình biển Đông; giải quyết hiệu quả các vấn đề khiếu kiện, các loại tội phạm nguy hiểm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ; siết chặt quản lý xã hội, tránh tình trạng để người nước ngoài vào mở phòng khám tư, nuôi tôm, đi lừa đảo..., mà không nắm được tình hình.

Theo Công an Đà Nẵng

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thượng tướng Trần Đại Quang: Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy


Nhân “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (26/6), Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy đã có bài viết về các giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 đóng trên địa bàn Hà Nội.
Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 đóng trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn ma tuý trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tính đến cuối năm 2011, vẫn còn hơn 200 triệu người nghiện các chất ma tuý. Các loại tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý quốc tế gắn liền với thảm họa ma tuý tổng hợp ATS đã và đang thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự đã trở thành hiểm họa lớn, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ là nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”.

Ngày 27/6/2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1101/QĐ/TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhờ triển khai thực hiện liên tục, đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống ma túy đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy đã được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tệ nạn ma túy; phong trào toàn dân phòng, chống ma túy đã được phát triển rộng khắp trên cả nước; tốc độ gia tăng người nghiện được kiềm chế, ở một số địa phương đã có xu hướng giảm. Đã thực hiện có hiệu quả Chương trình xoá bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma tuý tại các vùng cao. Từ một nước có gần 20 nghìn ha trồng cây thuốc phiện vào năm 1998, đến nay, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề trồng cây thuốc phiện và tái trồng cây thuốc phiện.

Công tác phòng, chống ma tuý đã từng bước được xã hội hoá, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện; đã cảm hóa, giáo dục, cải tạo được nhiều đối tượng phạm tội, đối tượng nghiện hút ma tuý tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người làm ăn lương thiện, có ích cho xã hội. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến xuất sắc trong phòng, chống ma túy như mô hình 3 giảm: “Giảm tội phạm, giảm ma tuý, giảm mại dâm” của Thành phố Hồ Chí Minh; mô hình thành phố 5 không: “Không có tội phạm giết người cướp của, không có ma tuý tại cộng đồng, không có người thất học, không có người lang thang xin ăn, không có hộ đói” của thành phố Đà Nẵng; phong trào 3 bỏ: “Bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ hút thuốc phiện, bỏ buôn bán ma tuý” của tỉnh Yên Bái…

Trong lĩnh vực cai nghiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện với nhiều hình thức; đồng thời chú trọng quản lý đối tượng sau cai nghiện ở cộng đồng. Số người nghiện được tiếp cận các hình thức cai nghiện ngày một tăng, qua đó đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện ma tuý. Xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện, phục hồi có hiệu quả như mô hình cai nghiện tại tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hà Nội… Đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cai nghiện, dạy nghề thành công cho hơn 40.000 người nghiện, giảm nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng.

Trên lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; ký kết nhiều hiệp định hợp tác phòng, chống ma tuý với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế, trong đó đáng chú ý là 3 Công ước kiểm soát ma tuý, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc, INTERPOL, các nước ASEAN, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông… nhằm trao đổi thông tin, nâng cao năng lực cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật phòng, chống và kiểm soát ma tuý qua biên giới.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng Công an nhân dân đã điều tra, khám phá gần 30.000 vụ án ma túy; bắt gần 40.000 đối tượng phạm tội; triệt phá hàng trăm đường dây ma túy nguy hiểm, hàng nghìn tụ điểm phức tạp về ma túy. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt, nguy hiểm với tội phạm về ma túy, trong 5 năm qua, có 34 cán Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Công an xã, bảo vệ dân phố đã anh dũng hy sinh, trên 50 đồng chí bị thương.

Mặc dù công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp: Tình trạng tái nghiện còn cao, cai nghiện chưa hiệu quả; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện hút ma túy và từ họ lây lan ra cộng đồng đang ở mức đáng lo ngại; tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá trong tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh có xu hướng gia tăng và rất đáng báo động; các loại ma tuý ngày càng đa dạng và dễ sử dụng; hoạt động của tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả các lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.

Để thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” và “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” với chủ đề “Toàn cầu chung sức hành động vì một cộng đồng lành mạnh không ma túy”, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống ma tuý tới các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên về tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Đưa kiến thức pháp luật về phòng chống ma tuý vào giảng dạy trong nhà trường, coi đây là môn học bắt buộc.

- Các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW và Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các đề án của Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, qua đó huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma tuý. Phát động toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tổ chức thực hiện Chương trình xóa bỏ và thay cây có chứa chất ma tuý ở các tỉnh miền núi, trong đó chú trọng tổ chức các dịch vụ tiêu thụ nông sản, thực phẩm và nâng cao hiệu quả các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho đồng bào trước đây trồng cây thuốc phiện, để họ có cuộc sống tốt hơn, tự nguyện xoá bỏ việc trồng và tái trồng cây có chất ma túy.

- Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về ma túy trong nước và ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.

- Đề cao trách nhiệm của gia đình, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc quản lý, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai nghiện, nhân rộng mô hình xã, phường, thôn, ấp, bản không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội khác; xây dựng nhiều phòng tuyến ngăn chặn tội phạm và hiểm họa ma tuý từ cơ sở. Huy động nhiều nguồn vốn, tăng cường đầu tư, xây dựng, quản lý trung tâm cai nghiện có hiệu quả.

- Tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống ma túy, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy; góp phần nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường trang bị, phương tiện phòng chống ma tuý cho các lực lượng chức năng trong nước.

- Lồng ghép việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy với Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác.

Cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý còn nhiều cam go và khó khăn phía trước, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, chung tay đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trong thanh, thiếu niên nhằm giảm thiểu thiệt hại do ma túy gây ra cho xã hội, cho mỗi gia đình và mỗi người.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm


Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ rõ, từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước.
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã họp dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Đại Quang: Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Đồng chí Trần Đại Quang: Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Các đại biểu dự cuộc họp thống nhất đánh giá, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Tây Nguyên đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh vô hiệu hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng của bọn phản động FULRO; tập trung bảo đảm an ninh nông thôn, xử lý kịp thời một số vụ việc phức tạp về tranh chấp, khiếu kiện đất đai, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc tổ chức bám dân, nắm tình hình, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự…
Đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về Tây Nguyên, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, cần giải quyết tốt vấn đề đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; hỗ trợ cây, con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm để đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào kinh tế mới, số di cư tự do đang gặp khó khăn, để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc di dân tự do.
Về phương hướng công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thời gian tới, đồng chí Trần Đại Quang nêu rõ, để giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, phân tích và dự báo đúng tình hình, đặc biệt là nắm tình hình từ xa, từ bên ngoài và tại cơ sở để kịp thời đề xuất các chủ trương, giải pháp, đối sách chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Cùng với đó, cần khẩn trương giải quyết các vụ việc tranh chấp khiếu kiện đất đai có liên quan đến tôn giáo, dân tộc; kiên quyết xử lý các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để gây rối, phá hoại. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Tây Nguyên với các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 160/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành, từng bước đưa sinh hoạt của đạo Tin lành vào quản lý bằng pháp luật, góp phần làm thất bại âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng của các thế lực thù địch.
Đồng chí Trần Đại Quang chỉ rõ, cần tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đảm bảo có đội ngũ kế cận trong 5-10 năm. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số theo phương châm: Kết hợp vừa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa bồi dưỡng bổ sung kiến thức phổ thông để bảo đảm chuẩn về văn hóa, vừa đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị.
Đồng chí Trần Đại Quang khẳng định, việc ổn định, phát triển Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể chung của cả nước, gắn với khu vực trọng điểm miền Trung, Đông Nam Bộ, khu vực “tam giác phát triển” Việt Nam – Lào – Campuchia. Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững phải trên nền tảng bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Từ nay đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, đời sống văn hóa, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.