Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Lê Thanh Hải và câu chuyện giải quyết khiếu nại

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp và giải quyết khiếu nại
 Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp và giải quyết khiếu nại

Có một công dân ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi được Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp và giải quyết công việc trong 20 phút đã rút lại đơn kiện, một việc mà ông đã phải tốn bao công sức gõ cửa nhiều cơ quan công quyền trong suốt 20 năm qua.

Giữa bao nhiêu thông tin sôi động của đời sống chính trị đất nước, câu chuyện được một vị đại biểu Quốc hội dẫn trong lời phát biểu của mình đã nhanh chóng gây được chú ý của dư luận. Không hẳn vì nội dung hay tính ly kỳ của vụ kiện, mà là ở chỗ tính hiệu quả của việc thực thi công vụ nhờ tinh thần lắng nghe tiếng nói của dân.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, trong số hơn 1,22 triệu đơn thư khiếu nại tố cáo mà cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp nhận và xử lý trong vòng 7 năm (từ 2003 - 2010), đã có 70% liên quan đến đất đai.


Thực tế các vụ việc khiếu nại, có cái đúng, cái sai, hoặc chỉ đúng một phần; nhưng rõ ràng, tình hình khiếu nại tố cáo của dân liên quan đến đất đai là rất nghiêm trọng. Nhưng nghiêm trọng hơn là có gần một nửa số quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước liên quan đến đất đai bị sai, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất đai kéo dài.

Điều đó chứng tỏ phải xem lại chính sách pháp luật và việc thi hành pháp luật về đất đai. Đáng ngại hơn là tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ xử lý các vụ liệc liên quan đến đất đai chưa tốt, thậm chí là vô cảm, nhũng nhiễu, tiêu cực đối với công dân.

Vì vậy, chuyện Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải dành thời gian trao đổi và trực tiếp giải quyết dứt điểm 2 vụ khiếu nại lâu năm, được coi là một cách tiếp cận và giải quyết hiệu quả tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân. Thắc mắc, thậm chí là uất ức, người dân phải đeo đuổi suốt 20 năm, gõ cửa nhiều cơ quan, gặp không biết bao cán bộ tiếp dân, vẫn không có kết quả. Thế mà chỉ 20 phút gặp lãnh đạo thành phố, vụ kiện ấy đã giải quyết xong.

Câu chuyện ấy thật đáng để những cán bộ công chức ở các cơ quan công quyền phải suy nghĩ. Điều đó cho thấy, tinh thần và trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là rất quan trọng.

Những năm gần đây, người ta thường xem thành phố Đà Nẵng như một điển hình trong việc giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị và cho rằng, Đà Nẵng có được cơ sở hạ tầng đồng bộ, đô thị khang trang như bây giờ, một phần rất lớn nhờ ở tinh thần gần dân, sát dân, biết lắng nghe dân của lãnh đạo thành phố.

Còn nhớ, khi có cán bộ Trung ương hỏi về bí quyết của Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh- khi ấy là Chủ tịch thành phố đã không giấu giếm mà nói rằng: “Bí quyết gì đâu, làm lãnh đạo thì phải dám đối diện với những rắc rối hằng ngày. Càng lẩn tránh thì việc càng phức tạp. Dân đã thắc mắc, khiếu kiện, mà Chủ tịch thành phố lại đùn đẩy, đưa cấp phó ra giải quyết thì họ lại càng không nghe. Vì họ biết thừa là ông phó chủ tịch không quyết được vấn đề”.

Rồi thấy như chưa đủ, ông nói tiếp: “Làm việc công mà lồng việc tư vào thì hỏng. Cán bộ làm công tác giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị mà lại chăm chăm kiếm lợi cho bản thân và bà con mình thì làm sao dân họ nghe cho được. Dân bây giờ tinh lắm, đừng tưởng họ không biết”.

Nói thế để thấy rằng một khi lãnh đạo sát dân, sát việc, dám thẳng thắn đối thoại với dân thì việc khó đến mấy, cũng có cách giải quyết. Thái độ công tâm, tinh thần phục vụ dân theo phương châm “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh” chính là chìa khóa để giải quyết có hiệu quả tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

Cần cương quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, cố ý làm sai pháp luật, vô cảm trước bức xúc, bất công và khó khăn của dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công bộc của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi công vụ để ngày càng ít đi những vụ khiếu nại, tố cáo của nhân dân./.

Theo VOV

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Bản lĩnh Nguyễn Bá Thanh là đây!


"Mình phải chịu khó đi mới quán xuyến được công việc và đi thẳng vô câu người ta hỏi. Phải nắm được gốc của vấn đề để biết cách xử lý và trả lời cho dân, chứ đừng "phỉnh" người ta, nói theo kiểu cho... uống thuốc an thần!".
Không chỉ tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII vừa diễn ra mà hầu như ở bất cứ kỳ họp nào của HĐND TP thì các giám đốc sở cũng đều "toát mồ hôi hột" trước chất vấn của các đại biểu và đặc biệt là của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh.
Để bạn đọc có thể hiểu thêm không khí chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng và chất lượng điều hành công việc của các giám đốc sở, Infonet xin trích giới thiệu một phần cuộc "truy tận gốc, bắt tận ngọn" giữa các đại biểu HĐND và Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng trong phiên chất vấn hôm 4/7 của kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII:

Đổ trách nhiệm

Đại biểu Trương Phước Ánh: Khu tái định cư (TĐC) phía Nam đường Nguyễn Tất Thành nối dài và khu TĐC Hoà Liên 3 đã thi công xong phần san nền, giao thông, thoát nước nhưng chưa có điện, nước sinh hoạt. Khi nào thì có điện, nước cho dân?
Ông Phạm Việt Hùng: Khu TĐC phía Nam đường Nguyễn Tất Thành hiện đã có 400 lô đất, khu TĐC Hoà Liên đã có 350 lô đất. Đối với khu vực đã có đất thực tế thì hệ thống cấp nước đã hoàn thành và sẵn sàng phục vụ. Riêng về cấp điện cho khu TĐC phía Nam đường Nguyễn Tất Thành do Công ty Điện lực Đà Nẵng đầu tư. Sở Xây dựng Đà Nẵng đã chỉ đạo Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án - PV) có công văn đôn đốc Điện lực Đà Nẵng triển khai cấp điện sinh hoạt cho nhân dân ở khu vực đã có đất thực tế. Hiện Điện lực Đà Nẵng đã dựng trụ và kéo dây nhưng chưa có điện là do vị trí bố trí trạm biến áp 250kV còn vướng giải toả 17 hộ thuộc xã Hoà Liên...
Ông Nguyễn Bá Thanh cắt lời: Người ta hỏi rất cụ thể, ông kể lể làm chi? Bữa ni là tháng 7, ông trả lời đi, tháng mấy xong? Người dân đang chờ mà ông lại kể lể dông dài Xuân Hạ Thu Đông!
Ông Phạm Việt Hùng: Ngành điện cam kết nhân dân đến nhận đất làm nhà đến đâu thì sẽ cung cấp điện đến đó.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Không phải!
Ông Phạm Việt Hùng: Nếu cần thiết thì ngành điện sẽ kéo điện tạm để cho người dân.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Nếu cần thiết răng nữa? Người ta đang cần mà ông còn nói nếu cần thiết!
Ông Phạm Việt Hùng: Báo cáo anh hiện nay Công ty Điện lực đang trồng trụ, kéo dây
Ông Nguyễn Bá Thanh: Bao giờ xong?
Ông Phạm Việt Hùng: Đang còn vướng mấy hộ...
Ông Nguyễn Bá Thanh: Tôi là người dân tôi không biết ông vướng cái chi. Ông vướng 17 hộ hay 9 hộ, 10 hộ tôi đâu cần quan tâm. Tôi hỏi bao giờ có điện thì trả lời, thế thôi. Trả lời nổi không?
Ông Phạm Việt Hùng: Báo cáo anh là để... Sở Xây dựng xin trả lời sau!
Ông Nguyễn Bá Thanh: Thế là ông không nắm được vấn đề!
Ông Ngô Tấn Cư, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng đứng dậy cho biết: Hiện nay giao mặt bằng xây dựng chưa đủ. Giao mặt bằng đến đâu thì Điện lực Đà Nẵng làm đến đấy. Riêng các hộ đến xây nhà ở khu TĐC phía Nam đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi bảo đảm cho nhân dân vào ở là có điện. Còn khi nào Sở Xây dựng, BQL dự án bàn giao mặt bằng thì chúng tôi sẽ triển khai ngay việc cấp điện!
Ông Nguyễn Bá Thanh: Như vậy là ổng còn "móc" theo câu khi nào BQL dự án giao mặt bằng thì ổng làm. Còn ông này (Giám đốc Sở Xây dựng - PV) không biết cái chi hết trơn, cũng không biết hồi nào ông BQL xong. 17 hộ không biết bao giờ xong. Uỷ ban (UBND TP Đà Nẵng) các anh nghe đó thì biết. Ông ni đứng cứ coi như cái đó ở đâu đâu, không biết.
Còn 17 hộ nớ lý do là... tại vì... người ta chưa đi, cho nên số mới vô làm nhà không có điện. Không có điện là do 17 hộ không đi. Còn tại sao không đi thì không biết trách nhiệm của ai hết. Quản lý nhà nước yếu đến như thế đó. Thôi ông không biết thì trả lời qua chuyện khác đi. Nếu BQL dự án thuộc Sở Xây dựng thì Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ dự án chứ không phải nói lơ mơ, đổ cho chỗ này chỗ kia!

Không sát thực tế, không nắm vấn đề

Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn: Mùa mưa năm 2011, Đà Nẵng có nhiều điểm ngập úng, ách tắc giao thông, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Đề nghị cho biết đến nay đã khắc phục bao nhiêu điểm ngập úng và số điểm chưa khắc phục được là bao nhiêu, lý do vì sao chưa giải quyết. Đồng thời cho biết mùa mưa năm 2012 sắp đến có còn ngập úng như năm 2011 nữa không? Trước mắt, có phương án nào để hạn chế tối đa việc ngập úng trên địa bàn TP?
Ông Phạm Việt Hùng: Hiện trên địa bàn TP có 91 điểm ngập úng. Gồm quận Hải Châu 9, Thanh Khê 16, Sơn Trà 21, Ngũ Hành Sơn 9, Liên Chiểu 23, Cẩm Lệ 7 và Hoà Vang 6 điểm. Đến nay đã xử lý được 11 điểm ngập úng. Còn lại 80 điểm, Sở xây dựng đã báo cáo UBND TP và đề nghị bố trí kinh phí để xử lý, tổng cộng là 313,61 tỉ đồng. Do tình hình kinh phí khó khăn nên Sở Xây dựng đang xin ý kiến UBND TP để phân kỳ, chọn những điểm ngập úng căn cơ để xử lý trước mắt.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Quận Hải Châu còn 2 điểm ngập nặng nhất là ở chỗ nào?
Ông Phạm Việt Hùng: Ở quận Hải Châu, hiện còn điểm ngập nặng trên đường Quang Trung.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Ở đâu?
Ông Phạm Việt Hùng: Quang Trung. Quang Trung với lại à... chỗ gần gần chợ Tam Giác, chỗ cây xăng, chỗ đường à... cây xăng chỗ chợ Đống Đa, à chợ Tam Giác!
Ông Nguyễn Bá Thanh: Rồi còn chỗ nào nữa?
Ông Phạm Việt Hùng: Nói chung là các cái điểm um... um...
Ông Nguyễn Bá Thanh: Không, nói riêng chứ không nói chung! (cả hội trường bật cười)
Ông Phạm Việt Hùng: (ngắc ngứ)
Ông Nguyễn Bá Thanh: Ở Hải Châu, điểm ngập nặng nhất ở khu vực Đầm Rong (phường Thuận Phước) đã làm trạm bơm xong rồi, mùa mưa này sẽ giải quyết được chuyện ngập. Còn một điểm nữa là ở khu vực đường Trương Chí Cương (phường Hoà Cường). Đấy, ông phải lo xúc tiến nhanh các thủ tục đi, hình thành trạm bơm ở đó mới giải quyết được cả tuyến của khu vực Hoà Cường ra ngoài sông kia kìa. Thôi nói qua cái khác đi. Ông không nắm được gì hết!

Và đối phó

Đại biểu Thái Thanh Hùng: Dự án Bến xe liên tỉnh đã đưa vào sử dụng 5 năm. Từ đó đến nay, tổ 41 (Hoà Mỹ 6, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu) có 55 hộ dân, đặc biệt là có 17 hộ dân mưa xuống nước ngập vào nhà, có nhà ngập 1 - 2m. Lý do là mương thoát nước nhỏ, chạy vòng vèo. Dân yêu cầu làm cống thẳng ra đường cống chạy quanh bến xe, dài khoảng 25m là giải quyết được ngập. Nhưng 5 năm nay người dân đề nghị không ai giải quyết. Tại kỳ họp thứ 3, tôi đã chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, song qua 6 tháng cử tri vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Vậy bao giờ mới giải quyết được?
Ông Phạm Việt Hùng: Vấn đề trên Sở Xây dựng đã có báo cáo tại công văn 2201 ngày 20/6/2012. Theo đó, đã đề xuất và UBND TP đã đồng ý tại công văn 4383 ngày 3/7/2012 cụ thể như sau: Nâng cao trình kiệt, hẻm hiện trạng...
Ông Nguyễn Bá Thanh cắt ngang: Cái chi? Cái chi?
Ông Phạm Việt Hùng: Báo cáo anh là vấn đề này Sở Xây dựng đã có báo cáo và UBND TP đã...
Ông Nguyễn Bá Thanh: À, UBND TP mới đồng ý ngày hôm qua ấy hả? Đúng rồi. Do kỳ họp HĐND ni cho nên các ông đối phó.
Ông Phạm Việt Hùng: Kinh phí tối đa là sáu trăm hai...
Ông Nguyễn Bá Thanh lại cắt ngang: Thôi không cần đọc nữa. Cái đó người ta chất vấn từ hồi ông Nguyễn Ngọc Tuấn còn làm Giám đốc Sở Xây dựng kia, bây giờ lên đến Phó Chủ tịch UBND TP rồi ông Tuấn ơi. Ông mắc nợ cái nớ ông đi giải quyết đi. Có mấy chục mét đường cống chứ có phải tốn tiền ghê gớm lắm đâu mà để nói tới, nói lui rồi các ông đối phó. Ngày hôm qua đây các ông mới ký, chừ nghe có vẻ công văn nọ, công văn kia, tưởng mô hay lắm. Thôi ông đừng nói nữa hắn kỳ. Ông lo giải quyết trước mùa mưa, không có nói ú ớ gì hết. Cho 60 ngày, giải quyết đi, đừng nói lòng vòng nữa!

Làm lộn ngược đầu nên công việc ách tắc

Kết thúc phiên thảo luận, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu các giám đốc sở rút kinh nghiệm để các phiên chất vấn chất lượng hơn. Muốn chất lượng hơn chỉ có một cách là... lội dưới cơ sở. Họp hội cũng cần nhưng phải dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở mới nắm được vấn đề, để hỏi đâu trả lời đấy.
"Mình là cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu thì phải sâu hơn lãnh đạo. Nhiều lúc lãnh đạo TP lại sát hơn giám đốc sở. Cứ làm lộn ngược đầu như thế nên công việc ách tắc là phải. Mình phải chịu khó đi mới quán xuyến được công việc và đi thẳng vô câu người ta hỏi. Phải nắm được gốc của vấn đề để biết cách xử lý và trả lời cho dân, chứ đừng "phỉnh" người ta, nói theo kiểu cho... uống thuốc an thần!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.
HẢI CHÂU (INFONET)