Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Câu chuyện chim Cú và “đường lưỡi bò”


(Website Nguyen Tan Dung) - Ban biên tập xin chia sẻ với mọi người bài viết của bạn đọc Thanh Thủy về “Câu chuyện chim Cú và “đường lưỡi bò” Trung Quốc” đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
Có một câu chuyện cổ tích về loài Cú được lưu truyền trong nhân gian như thế này: Muôn loài, ai cũng ghét loài Cú. Sở dĩ Cú bị nhiều người ghét và từ chối “đón tiếp” là bởi tiếng kêu của loài này chẳng có lời nào là hay ho; khiếm nhã; luôn đem đến sự xui xẻo nên ai cũng ghét Cú. Ngày mà Cú đến từ giã chim Gáy để dọn đi nơi khác sống, chim Gáy khuyên Cú thay đổi tiếng nói nhưng chim Cú không nghe lời khuyên hữu ích. Cuối cùng, chim Cú sẽ ra sao? Chúng ta cùng nghe tiếp…
Từ hành động của chim Cú, chúng ta liên tưởng đến hành động ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, chim Cú chỉ có chim Gáy khuyên “đổi giọng hót”; còn Trung Quốc thì cả cộng đồng quốc tế khuyên nhưng vẫn “bịt kín lỗ tai”, không lắng nghe và còn ngoan cố, dùng “đường lưỡi bò” liếm hết biển Đông.
"Câu chuyện chim Cú và “đường lưỡi bò” Trung Quốc".
Trước sự việc hộ chiếu in “đường lưỡi bò” bị từ chối khắp nơi, khiến cho người dân Trung Quốc điêu đứng vì không thể nhập cư hay đến lãnh thổ nước khác du lịch, làm ăn, kinh doanh, học tập thì lãnh đạo Trung Quốc vội “cất lên tiếng kêu” nhỏ nhẹ giải thích với “muôn loài” rằng: “Mục đích của hộ chiếu điện tử mới chỉ là tăng cường về tiện ích về công nghệ và giúp các công dân Trung Quốc thuận tiện hơn khi xuất nhập cảnh một quốc gia”? Trung Quốc nghĩ mọi người là ai mà lại dễ dàng tin vào lời “xảo biện” này?
Trên thực tế thì ai cũng biết, việc Trung Quốc in hình “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu không khác nào muốn mọi người biết rằng cái lãnh thổ trong vùng “lưỡi bò” đó là của Trung Quốc. Nếu chấp nhận cho người dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu ấy nhập cảnh mọi nơi thì khác nào thế giới đã thừa nhận cái lãnh thổ phi lý mà Trung Quốc đòi hỏi! Theo nhiều chuyên gia trên thế giới thì việc Trung Quốc phân phát cái “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu là hành động rất thâm và tham. Nếu như không lật tẩy cái trò “dơ bẩn” này, vô tình chấp nhận cho người Trung Quốc nhập cảnh, đến lúc đó Trung Quốc sẽ vênh mặt, “hót” cho cả thế giới rằng: mọi người đã chấp nhận “đường lưỡi bò”!
Hộ chiếu là một vật trung lập, dùng để quản lý con người và khích lệ các mối quan hệ kinh tế, song Trung Quốc lại dùng nó để đưa ra một tuyên bố chính trị. Hành động trơ trẽn của Trung Quốc lộ rõ rành rành thế kia mà Trung Quốc vẫn một mực nói thế giới đang “ép” mình? Xem ra Trung Quốc vẫn thích sử dụng lại chiêu trò “biến thủ phạm thành nạn nhân” hòng qua mặt cộng đồng! Âm mưu trắng trợn, vậy mà Trung Quốc còn “xảo biện” khẳng định rằng: “Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan và thúc đẩy trao đổi hòa bình giữa nhân dân Trung Quốc và thế giới”.
Lời nói của Trung Quốc liệu đến thời điểm này, ai sẽ nhẹ dạ mà tin nữa? Người ta sẽ tin tưởng vào Trung Quốc điều gì khi mà mọi lời hứa của Trung Quốc đều “có cánh”! Vì bao giờ cũng vậy, Trung Quốc luôn đưa quan điểm lãnh thổ tham lam, sai trái, dựa trên việc bảo vệ “chủ quyền của Trung Quốc” để gây hấn các nước khác ! Việc Trung Quốc làm giống như việc: “Tôi luôn tôn trọng tình hàng xóm, nhưng tôi “coi” rằng đất đai của tôi bao gồm toàn bộ mảnh sân trước cửa nhà ông, vì vậy tôi phải lấy cả mảnh sân đó, tha hồ cho ông có la làng thì kệ ông”
Còn nhớ Trung Quốc luôn bảo: “Sẽ tôn trọng và thực hiện đúng cam kết về DOC”. Thế nhưng, tại hội nghị ASEAN, khi mà các quốc gia thảo luận để đưa ra hướng giải quyết để biển Đông lặn sóng thì Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kịch liệt đưa ra lời phản bác, chỉ trích: “Chúng tôi không muốn đưa tranh chấp ra bàn bạc trong một dịp như thế này”. Thử hỏi, hội nghị ASEAN là nơi giải quyết những mâu thuẩn nổi cộm của khu vực, trong khi tình hình biển Đông đang hết sức “nóng”, không bàn vấn đề này thì bàn vấn đề gì? Qua đó, bộ mặt bất hợp tác của Trung Quốc lộ rõ “mồn một”! Điều đó chứng tỏ, những cam kết, những cuộc đàm phán trước đây mà Trung Quốc thực hiện với những quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ chỉ là để giả vờ “xoa dịu” mà thôi!
Cho tới thời điểm hiện nay, mặc dù đuối lý, đang đứng trước nguy cơ bị cô lập nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ ý đồ tham lam, đen tối của mình là muốn “ôm” trọn biển Đông. Mà ngược lại, cái tham vọng đó còn được nâng cấp và trơ trẽn hơn bao giờ hết!
Câu chuyện chim Cú và “lười bò” Trung Quốc.
Nếu như loài Cú cất tiếng hót “khó nghe” thì hành động Trung Quốc thực hiện cũng vậy. Muôn loài sợ loài Cú đến nỗi không “dám” nghe Cú “nói chuyện” vì sợ mang xui xẻo, tai họa. Người dân Trung Quốc thì chống lại lãnh đạo nước mình vì 6000 cái hộ chiếu in “lưỡi bò” không có giá trị đem lại cho họ bao rắc rối. Có nhiều người còn đòi từ bỏ quốc tịch Trung Quốc và phản đối lãnh đạo chỉ vì “kêu lên” quá nhiều lời phản cảm, phi lý, đem lại tai tiếng – ảnh hưởng đến lợi ích, công ăn việc làm của người dân! Rồi đến khi bị người dân quay lưng thì Trung Quốc lại “hùng hổ, huyên thuyên”, “hót” mọi ca khúc để xoa dịu…!
Có mâu thuẫn không khi Trung Quốc bảo mọi người đang “diễn giải quá lên”. Nếu như hộ chiếu in “đường lưỡi bò” không nhằm mục đích phục vụ cho tham vọng bành trướng biển Đông thì tại sao Trung Quốc lại trình làng hộ chiếu “lưỡi bò” và “rêu rao” khoe khả năng sản xuất máy bay không người lái cùng một lúc để làm gì?
Ai sẽ tin rằng hộ chiếu in “đường lưỡi bò” chỉ là “giới thiệu công nghệ mới” và máy bay không người lái chỉ là để chứng tỏ Trung Quốc có năng lực? Quốc tế đang “diễn giải quá lên” hay Trung Quốc đang cố tình “hát tiếp bài ca” tham lam của mình để từng bước “nuốt” trọn biển Đông? Thiết nghĩ, với chiêu trò “trẻ con, láu cá” như thế này, Trung Quốc không thể nào đánh lừa bạn bè quốc tế được! Trung Quốc sẽ phải trả cái giá đắt cho sự “tham lam, tiểu xảo” của mình! Giống như lời giáo sư Carl Thayer (chuyên gia Đông Nam Á, ĐH New South Wales – Australia) nhận định: “Hành động phát hành hộ chiếu có in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã tạo nên rạn nứt trong một vấn đề vốn đã có từ lâu với nhiều nước châu Á. Công dân Trung Quốc chắc chắn gặp rắc rối khi tới các nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn với bản đồ trong mẫu hộ chiếu mới”.
Bạn có biết rằng kết cục của chim Cú ra sao không? đó là bị muôn loài cô lập, xa lánh, phải lang thang đi ăn đêm một mình. Liệu cái “đường lười bò” của Trung Quốc có liếm được Biển Đông thành “ao nhà” không hay là lại trả giá đắt như loài Cú?
Bạn đọc Thanh Thủy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Không còn là “tàu lạ”



Biết rõ mười mươi, thế mà vì “tế nhị”, báo chí cứ phải nói trại đi là “tàu lạ”. Bọn “lạ” này không như kiểu “hải tặc Somaly”, mà khoác áo ngư phủ, được trang bị vũ khí hiện đại để hoạt động trên biển, theo một kịch bản tổng thể đã được soạn sẵn nhằm thực hiện từng bước có bài bản tham vọng bành trướng.

Tàu cá ngư dân Việt Nam thường xuyên hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc
Tàu cá ngư dân Việt Nam thường xuyên hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Tổ quốc

Ấy thế mà báo chí ta, để không muốn làm xấu thêm tình hình, đã dằn lòng gọi những kẻ xâm phạm chủ quyền đất nước bắt giữ tàu thuyền, hành hung, ngược đãi và đòi tiền chuộc ngư dân ta là “tàu lạ”. Cho dù biết rằng “tàu thì “lạ”, nhưng “bụng dạ thì lại quá quen”, chúng ta vẫn cứ phải nhẫn nhịn vì “đại cuộc” theo đúng nghĩa.

Và rồi khi họ công khai ngang ngược tuyên bố mời thầu quốc tế dầu khí tại 9 lô hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của ta, được luật pháp quốc tế công nhận. Nói nôm na, đây là kiểu “chia lô, bán nền trên cái sân nhà của người hàng xóm” thì cùng với “cái lưỡi bò” ham hố thè ra muốn liếm trọn biển Đông, bộ mặt thật của họ đã phơi ra. Thế mà, vừa ăn cướp vừa la làng. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” (Trung Quốc) lại lu loa “Việt Nam tạo sóng ở Biển Đông”, rồi đe dọa “mũi giáo và đối tượng chính cần nhằm vào là Việt Nam”. Theo báo “Tin Tức Trung Quốc”, 30 chiếc tàu, mỗi chiếc có trọng tải từ 140 tấn trở lên xuất phát từ cảng Tam Á, chia thành hai biên đội đang tiến đến khu vực gần đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vùng biển Trường Sa. Thế là không còn “tàu lạ” nữa nhé!

Mấy ngày qua, trước áp lực quốc tế với những tín hiệu được phát ra, những toan tính của họ đã lộ mặt và bị lên án, túng phải tính, “Thời báo Hoàn Cầu” đã ngang ngược nói càn: “Việt Nam đã thừa nhận mô hình phát triển của Trung Quốc” và vì thế “Hà Nội sẽ đớn đau vì giúp Mỹ quay lại” cho nên “con đường sống còn duy nhất cho Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc nhằm hạn chế chính sách can dự của Mỹ tại châu Á”. Vậy là rõ.

“Họa trung hữu phúc”, trong cái họa có cái may. Nhân dân ta đã thấy rõ hơn diện mạo của kẻ đã từng lên giọng đạo cao đức trọng với những lời đường mật lừa mị. Những lời tế nhị và nhẫn nhịn đầy thiện chí của ta khác xa những hành xử ngang ngược, công khai xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta, chà đạp lên luật pháp quốc tế của một số thế lực hiếu chiến ở Trung Quốc.

Hai từ “tàu lạ”, vì thế, nên đưa vào bảo tàng để con cháu ta sau này biết được rằng ông cha chúng từng linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược ngoại giao, nhưng luôn đầy đủ bản lĩnh và khí phách trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trước sau như một, nhân dân ta không mong muốn gì hơn được làm bạn thật sự với người láng giềng khổng lồ, tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, minh bạch và công khai trong hòa bình trao đổi để có giải pháp hợp lý hợp tình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời mài sắc tinh thần cảnh giác, nung nấu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.