Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Hoạt động, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nổi bật trong tuần 2/5/2012

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng; Tổng biên chế công chức năm 2012 hơn 281.000 biên chế... là những thông tin hoạt động, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 5 - 12/5/2012.

Ủng hộ hợp tác môi trường Việt - Hàn ngày càng sâu rộng, hiệu quả

Tiếp Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Yoo Young Sook, ngày 7/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt nam luôn ủng hộ, đảm bảo các hoạt động hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Hàn Quốc phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng bộ môi trường Hàn Quốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng bộ môi trường Hàn Quốc
Đồng thời, Việt Nam luôn chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Và mong muốn Hàn Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
***
Chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ

Ban hành nghị quyết “giải cứu” doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường: gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối...

- Gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước (không bao gồm số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn theo Quyết định số 04/2012/QĐ-TTg  ngày 19/1/2012 về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I, quý II năm 2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động) của doanh nghiệp quy định tại nhóm 1 và nhóm 2 nêu trên và của doanh nghiệp sản xuất sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy (bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng.

- Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị quyết giải cứu doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị quyết giải cứu doanh nghiệp
Bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án sau khi báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp.

Đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng

Tại Nghị quyết 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng; ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; khẩn trương có biện pháp phân loại và cơ cấu lại nợ gắn với việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có thế mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tăng cường xúc tiến thương mại, tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường quốc tế để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.

Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn; phối hợp với Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc ký kết Thỏa thuận hợp tác đối tác (PCA) với EU.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đặc biệt chú ý hỗ trợ lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng.
Đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng
Đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, khiếu kiện đông người kéo dài; tăng cường đối thoại tại chỗ, giải quyết dứt điểm các vụ việc tại địa phương; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.
Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất
Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất
Ngoài được hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm, người sản xuất lúa còn được hỗ trợ sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Xác định và quản lý vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

Vị trí việc làm được xác định và điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời phải gắn với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý tương ứng.

Đây là nguyên tắc xác định và quản lý vị trí việc làm được nêu trong Nghị định 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập đã được Chính phủ ban hành.

Theo đó, vị trí việc làm được xác định dựa trên 5 căn cứ sau: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực tế của đơn vị sự nghiệp công lập; 2- Tính chất, đặc điểm, nhu cầu công việc của đơn vị sự nghiệp công lập; 3- Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành; 4- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; 5- Thực trạng bố trí, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổng biên chế công chức năm 2012 hơn 281.000 biên chế

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 542/QĐ-TTg về việc phê duyệt biên chế công chức của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2012.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2012 của các cơ quan, tổ chức hành chính và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài - không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công chức cấp xã- là 281.692.

Cụ thể, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 111.894 biên chế.

Cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là 161.723 biên chế.

Các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài là 1.075 biên chế và biên chế công chức dự phòng là 7.000

13 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 2) đối với 13 di tích gồm: 3 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật là Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).

Các di tích khác cũng được xếp hạng đặc biệt là: Di tích lịch sử (DTLS), kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa); DTLS Những điểm Khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang); DTLS Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu);
Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ
DTLS Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nghệ An); DTLS Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (An Giang); DTLS Pác Bó (Cao Bằng); DTLS Tân Trào (Tuyên Quang); DTLS An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên); DTLS Căn cứ T.Ư Cục miền Nam (Tây Ninh) và Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình).

Rà soát tất cả các khu vực bãi thải khai thác than

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp khai thác than rà soát lại tất cả các khu vực bãi thải từ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, quy trình thực hiện đổ thải nhằm tránh trượt lở bãi thải tương tự như vụ việc đã xảy ra tại mỏ than Phấn Mễ Thái Nguyên. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác than thực hiện nghiêm các quy định về an toàn khai thác mỏ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thiết kế khai thác mỏ, công tác bảo đảm an toàn lao động trong khai thác khoáng sản theo quy định.
Sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ
Sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ
Bách Thảo

0 Comments:

Đăng nhận xét