Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

10 thành tựu của ông Medvedev trong nhiệm kỳ Tổng thống (kỳ 1)

Hãng Thông tấn Nga RIA-Novosti đăng bài nêu bật 10 thành tựu của Tổng thống Dmitry Medvedev trong nhiệm kỳ bốn năm qua.


Bài báo nhấn mạnh ông Medvedev bắt đầu nhiệm kỳ của một nguyên thủ quốc gia Nga bởi một quyết định chính trị không dễ dàng khi đưa quân đội Nga vào Nam Ossetia chống cuộc tấn công của Gruzia và kết thúc bởi một cuộc cải cách chính trị sâu rộng, gồm đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập đảng phái và áp dụng trở lại việc bầu trực tiếp các tỉnh trưởng.

Bốn năm cầm quyền của ông Medvedev còn gắn với việc đổi tên cơ quan công an thành cảnh sát, thay gần một nửa các tỉnh trưởng, mở rộng thành phố Moscow và bỏ việc chuyển giờ giữa mùa đông và mùa hè.

1. Hiện đại hóa

Hiện đại hóa nền kinh tế Nga là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ông Medvedev khi nhậm chức Tổng thống. Trong thông điệp gửi Quốc hội năm 2009, ông nêu hiện đại hóa là vấn đề sống còn của nước Nga và không thể trì hoãn. Ông đưa ra chương trình cải cách nền kinh tế nói chung, từ cải cách lĩnh vực sản xuất, quân đội, y tế, công nghệ đến lĩnh vực vũ trụ, giáo dục và đào tạo, trong đó, trọng điểm là ứng dụng công nghệ mới và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng.

Ông cũng là người đưa ra sáng kiến thành lập Khu công nghệ cao “Skolkovo”, tương tự Thung lũng “Silicon” của Mỹ. Theo tính toán, khu công nghệ này sẽ là nơi áp dụng các chính sách cải cách kinh tế của Nga, là trung tâm thử nghiệm các nghiên cứu, phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và tiết kiệm năng lượng, ứng dụng hạt nhân, vũ trụ, y sinh và vi tính. Nga chi gần một nghìn tỷ rúp cho các chương trình nghiên cứu này.

2. Sửa đổi Hiến pháp

Sau khi lên cầm quyền được 10 tháng, ông Medvedev đưa ra thông điệp liên bang đầu tiên, đề xuất sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, tăng thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống từ bốn năm lên thành 6 năm, nhiệm kỳ của các đại biểu Đuma quốc gia từ bốn năm lên thành 5 năm, cũng như quy định trách nhiệm của Chính phủ hàng năm phải báo cáo kết quả hoạt động trước Quốc hội. Đây là lần sửa đổi Hiến pháp đầu tiên trong suốt lịch sử nước Nga mới.

Việc sửa đổi Hiến pháp cũng áp dụng cả với Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Theo quy định mới, đại biểu của Thượng viện chỉ được bầu từ đại diện các cơ quan chính quyền tự trị địa phương. Đuma quốc gia Nga cũng thông qua các quy định cấm gọi người đứng đầu các chủ thể và khu vực là “Tổng thống” như trước đây. Đồng thời, ông Medvedev cũng ra sắc lệnh yêu cầu tất cả các khu vực và nước cộng hòa tự trị phải sửa đổi Hiến pháp địa phương cho phù hợp với Hiến pháp liên bang trước ngày 1/1/2015.

Một sửa đổi Hiến pháp quan trọng nữa là việc áp dụng trở lại quy chế bầu trực tiếp người đứng đầu các khu vực, bị bãi bỏ từ năm 2004 và đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập các đảng phái chính trị.

3. “Đánh” tham nhũng

Chống tham nhũng là một trong những khẩu hiệu hàng đầu ông Medvedev đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Ngay cả trong lời diễn văn nhậm chức, ông cũng nhận định rằng tham nhũng là thảm họa của nước Nga, là căn bệnh khó chữa khiến nền kinh tế quốc dân và xã hội bị chia rẽ.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống được ba tuần ông ra sắc lệnh thành lập ủy ban chống tham nhũng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống và tiếp sau đó là kế hoạch chống tham nhũng, gồm một gói các văn bản luật sau này được Đuma quốc gia thông qua.

Trong khuôn khổ kế hoạch chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước, ông Medvedev bắt buộc những người hưởng lương từ ngân sách, lãnh đạo các tập đoàn nhà nước và các quỹ phải kê khai thu nhập và tài sản, nếu không sẽ bị sa thải. Đến tháng 3/2011, ông lại ra sắc lệnh yêu cầu các quan chức nhà nước không được nắm giữ chức vụ trong ban giám đốc các tập đoàn và ngân hàng quốc doanh lớn.

Theo đánh giá của ông, dù đạt được những kết quả rõ nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, cụ thể là lần đầu tiên trong lịch sử thông qua được các văn bản pháp quy về chống tham nhũng, tuy nhiên cuộc chiến chống căn bệnh này vẫn còn phải tiếp tục vì cần huy động sức mạnh toàn xã hội chứ không chỉ giao phó cho nhà nước.

4. Cải cách các cơ quan sức mạnh

Nhiệm vụ chống tham nhũng có mối liên hệ trực tiếp với việc phải tiến hành cải cách sâu rộng các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một loạt các vụ việc tai tiếng xảy ra có sự dính líu của các nhân viên công quyền, đỉnh điểm là vụ một nhân viên Sở Nội vụ khu vực “Xarixyno” bắn chết người tại một siêu thị ở thành phố Moscow buộc chính quyền trung ương phải can thiệp vào Bộ Nội vụ.

Việc cải cách một bộ lớn nhất nước Nga này là sáng kiến của Tổng thống, đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng – đổi tên cơ quan công an thành cảnh sát. Việc thông qua bộ luật mới giúp thắt chặt công tác tuyển chọn cán bộ vào Bộ Nội vụ, loại bớt các chức năng không thuộc thẩm quyền của bộ này. Bên cạnh đó, quy định mới cũng xem xét việc tăng lương cho các nhân viên “qua” được cuộc kiểm tra đánh giá lại trình độ.

Cũng trong năm 2010, Nga thành lập Ủy ban điều tra Liên bang hoạt động độc lập chứ không nằm trong cơ cấu của Tổng công tố Liên bang như trước đây. Ông Medvedev đánh giá đây là bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng các cơ quan điều tra độc lập, kể cả đối với Bộ Nội vụ, Cơ quan kiểm soát ma túy, Cơ quan an ninh Liên bang.

Cải cách các lực lượng vũ trang Nga cũng là chương trình hành động có quy mô lớn. Nga thông qua chương trình nhà nước trang bị vũ khí và hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Theo kế hoạch tái cơ cấu các lực lượng vũ trang, đến năm 2012, số lượng nhân viên quân đội sẽ giảm từ 1,2 triệu xuống còn một triệu, trong đó có 220 nghìn sỹ quan. Bên cạnh đó, Nga thành lập thêm Binh chủng phòng thủ vũ trụ, sáp nhập 7 quân khu trước đây thành bốn quân khu, tăng lương và phúc lợi xã hội cho quân nhân, tái cơ cấu các trường huấn luyện, chuyển bớt một số chức năng như hậu cần, dịch vụ phụ trợ sang cho dân sự.

Nga cũng thông qua chương trình trang bị vũ khí đến năm 2020 với tổng ngân sách gần 20 nghìn tỷ rúp. Hành động này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ của Nga trong việc củng cố tiềm lực quốc phòng, bất chấp việc phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kudrin vì những bất đồng trong chính sách chi tiêu tài chính.

5. Chiến tranh và hòa bình

Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Medvedev là việc đưa quân đội vào Nam Ossetia chống Gruzia hồi tháng 8/2008 với chiến dịch mang tên “Thúc ép tới hòa bình”. Sau cuộc chiến chóng vánh 5 ngày với tổn thất nặng nề của phía Gruzia, ông Medvedev tuyên bố kết thúc chiến dịch vì đạt được nhiệm vụ đề ra là đảm bảo an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình, thường dân và trừng trị thích đáng kẻ xâm lược.

Ngày 26/8 cùng năm, theo đề nghị của Abkhazia và Nam Ossetia, ông Medevdev tuyên bố Moscow công nhận độc lập của hai nước cộng hòa này và sau đó đưa quân đội Nga vào giúp gìn giữ hòa bình. Đáp trả hành động trên, Gruzia ngay sau đó tuyên bố rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Chính quyền Tokyo muốn mua quần đảo Điếu Ngư

Ông Shintaro Ishihara (79 tuổi) đã công bố ý tưởng mua những hòn đảo không người ở này từ một chủ sở hữu tư nhân.

Thống đốc Tokyo muốn sử dụng công quỹ để mua hòn đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, một kế hoạch được dự đoán là chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Đảo Senkaku/Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư từ lâu đã trở thành tâm điểm của các tranh chấp lãnh hải giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Shintaro Ishihara (79 tuổi) đã công bố ý tưởng mua những hòn đảo không người ở này từ một chủ sở hữu tư nhân và đã được chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận hôm 17/4.

Theo tuyên bố của ông Ishihara, chính quyền Tokyo xác định quần đảo này có vị trí "cực kỳ quan trọng" đối với Nhật Bản và có tiềm năng lớn cho phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và thuỷ sản.

Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết ông không có thông tin nào về kế hoạch và từ chối bình luận.

Thống đốc TokyoShintaro Ishihara

Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters qua điện thoại rằng Bắc Kinh "không có thông tin" nào về kế hoạch trên.

Trong ngày 17/4, hãng tin Kyodo dẫn lời ông Ishihara cho biết, các cuộc đàm phán với chủ sở hữu quần đảo đã được tiến hành và rằng có thể sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.

Ishihara, được bầu làm thống đốc Tokyo nhiệm kỳ thứ tư một năm trước đây. Năm ngoái, ông đã buộc phải đưa ra lời xin lỗi công khai với dân chúng sau khi nói rằng thảm họa động đất sóng thần là "sự trừng phạt của Thiên Chúa" đối với "sự ích kỷ" của người dân Nhật Bản.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Bộ trưởng Quốc phòng Israel bị ám sát hụt tại Singapore?

Ngay sau khi có thông tin về việc Cơ quan Tình báo Israel phá vỡ một âm mưu ám sát Bộ Trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tại Singapore, phía Tel Aviv đã lên tiếng phủ nhận.

Sứ quán Israel tại Singapore xác nhận, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak thăm quốc đảo sư tử nhưng phủ nhận thông tin về một âm mưu ám sát nhằm vào ông.

Trong khi đó, cảnh sát Singapore cũng khẳng định thông tin này là thất thiệt và không có vụ việc nào như vậy xảy ra ở Singapore.

Israel bác tin Bộ trưởng Quốc phòng bị ám sát hụt. Ảnh: Guardian.

Trước đó, truyền thông Israel dẫn một tờ báo của Kuwait cho hay, Cơ quan tình báo Mossad của Israel phối hợp với Singapore phá vỡ một âm mưu ám sát ông Barak khi ông này đang ở thăm Singapore để tham dự một triển lãm hàng không tại đây và gặp các quan chức nước chủ nhà.

Theo nguồn tin này, trước thềm chuyến thăm của ông Barak tới Singapore, cơ quan mật vụ Israel đã cung cấp cho phía Singapore về “một nhóm vũ trang bí mật với sự tham gia của các chiến binh đến từ Iran và Lebanon”. Nhờ đó, cơ quan mật vụ của hai bên đã bắt gọn ba nghi phạm và cả ba đang được tình báo Israel Mossad thẩm vấn.

Thông tin thất thiệt về vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Israel xuất hiện trong bối cảnh nhiều âm mưu sát hại đang nhằm vào người Israel ở khắp trên thế giới. Phía Israel cáo buộc Iran chính là kẻ chủ mưu các vụ mưu sát người Do Thái ở Gruzia, Ấn Độ, Azerbaijan và Thái Lan để trả đũa lại nghi ngờ phía Israel ám sát các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, Tehran một mực phủ nhận cáo buộc này.

Trà My (theo AFP)

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Trật tự khu vực mới tại châu Á

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cũng như đối thoại chiến lược ba bên Mỹ - Nhật - Ấn cho thấy một trật tự khu vực mới đang hình thành tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.


Cái bắt tay giữa Thủ tướng Nhật Noda và Thủ tướng Ấn Độ Singh mang nhiều ý nghĩa - Ảnh: Reuters

Theo báo The Hindu, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Noda và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, hai bên đã đạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 15 tỉ USD. Nhật Bản sẽ đầu tư 4,5 tỉ USD vào hành lang công nghiệp trải dài 1.483km từ New Delhi đến Mumbai. Tokyo cũng cam kết cho Ấn Độ vay 1,7 tỉ USD để thực hiện các dự án lớn, trong đó có kế hoạch mở rộng tuyến tàu điện ngầm New Delhi. Thương mại song phương Nhật - Ấn sẽ đạt 25 tỉ USD vào năm 2014. Dù đây là con số thấp, nhưng Tokyo khẳng định các công ty Nhật coi Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng với dân số đông và trẻ, tăng trưởng cao.

Đàm phán hạt nhân dân sự giữa hai nước cũng “đang đi đúng hướng” như hai thủ tướng cho biết. Trước đó, Chính phủ Nhật đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và Ấn Độ là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi từ quyết định này.

Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ là đối tác đầy triển vọng cho Nhật trong thời điểm Tokyo đang nỗ lực vượt qua thời gian kinh tế trì trệ. Và không chỉ có vậy.

Hợp tác an ninh

Báo India Times dẫn lời giáo sư chính trị Brahma Chellaney khẳng định những sự hợp tác kinh tế vững chắc nhất trên thế giới thường dựa vào hợp tác an ninh. Hợp tác kinh tế đơn thuần thường thiếu ổn định, điển hình như hợp tác giữa Nhật - Trung Quốc hay Ấn Độ - Trung Quốc.

Theo Kyodo News, Tokyo và New Delhi đã đạt thỏa thuận hợp tác “trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, bao gồm chống cướp biển và đảm bảo tự do hàng hải” và “duy trì an ninh cho các tuyến đường biển để đảm bảo thương mại song phương và đa phương không bị cản trở”. Theo báo The Pioneer của Ấn Độ, khoảng 40% khối lượng hàng hóa buôn bán của Ấn Độ với các nước như Mỹ được vận chuyển qua biển Đông. Toàn bộ hoạt động giao thông thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều đi qua các khu vực biển mà Trung Quốc nhận là chủ quyền và xem là lợi ích cốt lõi của họ. Trước đó vào tháng 11, hai nước đã đồng ý tổ chức cuộc tập trận chung trên biển và trên không đầu tiên vào năm 2012. Một cuộc “Đối thoại chính sách quốc phòng Nhật - Ấn” sẽ diễn ra đầu năm 2012 ở Tokyo.

Giới quan sát Ấn Độ nhận định trong tương lai Ấn Độ và Nhật sẽ thắt chặt hợp tác về hải quân để đảm bảo an ninh trên các vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật và bộ binh Ấn Độ cũng như không lực hai nước đều đã bắt đầu các cuộc đối thoại hợp tác. Hai bên cũng đang xem xét ý tưởng cùng phát triển các hệ thống quốc phòng, trong đó có hệ thống phòng vệ tên lửa.

Báo Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát phương Tây đánh giá hiện Nhật đang thay đổi quan điểm an ninh thụ động truyền thống và tìm kiếm cơ hội để giữ một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Trong số các láng giềng của Nhật, Ấn Độ là quốc gia sẵn sàng thừa nhận vai trò trung tâm của Nhật trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh châu Á. Giáo sư chính trị Chellaney mô tả Nhật và Ấn Độ là hai “đồng minh tự nhiên”.

Tam giác an ninh

Trước đó, Mỹ - Ấn - Nhật đã khởi động vòng đối thoại an ninh ba bên đầu tiên. Trọng tâm đối thoại là các vấn đề an ninh Đông Á, bao gồm an ninh các tuyến hàng hải khu vực. Trang Project Syndicate dẫn lời cựu bộ trưởng tài chính Ấn Độ Jaswant Singh nhận định đối thoại song phương Nhật - Ấn cũng như đối thoại ba bên Mỹ - Ấn - Nhật không hề nhắc đến Trung Quốc, nhưng thực tế đây đều là các nỗ lực để đối diện với “thách thức từ Trung Quốc”.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh hàng hải khu vực châu Á chính là thái độ hiếu chiến của Trung Quốc khi đòi chủ quyền ở biển Đông. Quan hệ Nhật - Trung cũng xấu đi vì tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông. Trung - Ấn cũng có tranh chấp biên giới. Theo ông Jaswant Singh, Trung Quốc chưa bao giờ che giấu ý định cản trở Nhật và Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh khu vực và quốc tế. Bằng chứng là việc Bắc Kinh luôn phản đối việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với Nhật và Ấn Độ là các thành viên thường trực mới.

Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ đánh giá đối thoại an ninh ba bên Mỹ - Ấn - Nhật là một sáng kiến đầy hứa hẹn, có thể giúp hình thành một cấu trúc an ninh vững chắc trong khu vực để đối phó với “thách thức Trung Quốc”. Nhưng đó không phải là tam giác an ninh khu vực duy nhất. Có nhiều dấu hiệu cho thấy một tam giác Mỹ - Úc - Ấn đang được hình thành. Mỹ vừa đạt thỏa thuận triển khai 2.500 quân tại miền bắc nước Úc. Chính phủ Úc vừa hủy bỏ lệnh cấm bán uranium cho Ấn Độ. Canberra và New Delhi đang tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.

Ông Jaswant Singh đánh giá nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách thiếu kiềm chế với các nước láng giềng, Bắc Kinh sẽ phải chứng kiến sự hình thành những trật tự khu vực mới không hề có lợi cho họ.

SƠN HÀ

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Khoảnh khắc chiến sự 2011

Từ Afghanistan tới Libya, từ Trung Đông, Bắc Phi tới Nam Á, thế giới năm 2011 chứng kiến nhiều cuộc giao tranh khốc liệt.

Binh sĩ Mỹ tập trung gần một chiếc xe bị phá hủy. Họ cùng nhau che mặt vì gió từ cánh quạt của một chiếc trực thăng thổi tung cát bụi ở bên dưới. Các đồng đội bị thương của các binh sĩ này đang được một trực thăng cứu thương đưa từ Lữ đoàn Đặc nhiệm Sấm sét thứ 159 tới bệnh viện ở Kandahar, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, hôm 23/8. Ba binh sĩ Mỹ đã bị thương sau khi xe của họ bị trúng một quả bom tự tạo ven đường. Ảnh: AFP
Những người dân địa phương đứng nhìn một đoàn xe chở nhiên liệu của NATO bốc cháy sau một cuộc tấn công của các tay súng trên đường cao tốc huyết mạch đi qua làng Kolpur, cách khoảng 25 km về phía nam thủ phủ Quetta của tỉnh bất ổn Baluchistan tại Afghanistan, hôm 22/8. Các tay súng đi xe máy đã phóng hỏa đốt ít nhất 19 xe chở nhiên liệu cho lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan. Ảnh: AFP
Một bức chân dung của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moammar Gadhafi trên một bức tường tại thủ đô Tripoli, Libya, hôm 1/9. Đây là thời điểm ông Gadhafi một lần nữa thề không đầu hàng trong một thông điệp trên đài truyền hình Libya, nhân dịp kỷ niệm 42 năm cuộc đảo chính đã đưa ông lên nắm quyền ở quốc gia Bắc Phi. Ảnh: AFP
Các binh sĩ nước ngoài rời khách sạn Intercontineltal sau khi kết thúc chiến dịch đối phó với các phiến quân Taliban, những kẻ đã tấn công vào khách sạn sang trọng ở thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 29/6. Những kẻ đánh bom liều chết và các tay súng Taliban tạo nên một cuộc tấn công kéo dài trong 5 giờ đồng hồ. Với sự trợ giúp của một trực trăng trang bị súng máy của NATO, lính biệt kích Afghanistan và binh sĩ nước ngoài cuối cùng dập tắt được sự kháng cự của phiến quân Taliban. Ít nhất 10 người thiệt mạng sau vụ việc này. Ảnh: AFP
Một chiếc máy bay ném bom của quân đội chế độ cũ tại Libya bị bắn rơi ở thành phố miền đông Benghazi, thủ phủ của phe nổi dậy, hôm 19/3. Đây là thời điểm lực lượng trung thành với ông Gadhafi tấn công dữ dội Benghazi, và cũng là ngày mà liên quân NATO chính thức phát động chiến dịch không kích các mục tiêu tại Libya. Ảnh: AFP
Lính thủy đánh bộ và thủy thủ của Tiểu đoàn số 3, Binh đoàn lính thủy đánh bộ số 3, ngồi trên một chiếc máy bay vận tải C-17 của không quân Mỹ. Họ đang trên chuyến bay từ Căn cứ Hải quân Hawaii để tới Trại Dwyer ở Afghanistan hôm 30/10. Ảnh: Marine Corps
Một lính thủy đánh bộ của Tiểu đoàn số 1, Binh đoàn lính thủy đánh bộ số 8, tranh thủ chợp mắt trên một chiếc trực thăng đang bay tới căn cứ quân sự ở huyện Musa Qala, thuộc tỉnh miền tây nam Helmand của Afghanistan, vào sáng sớm ngày 16/1. Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 6 tuyên bố kế hoạch rút 33.000 lĩnh Mỹ khỏi Afghanistan từ nay tới sau mùa hè năm 2012, và sẽ rút toàn bộ vào cuối năm 2014. Ảnh: AFP
Một bức ảnh được hãng tin Syrian Arab (SANA) công bố cho thấy quân đội Syria tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật tại một địa điểm bí mật hôm 4/12. Syria đã phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt sau khi phớt lờ những thời hạn chót mà Liên đoàn Arab đặt ra về việc đưa các quan sát viên vào Syria để giám sát tình trạng bất ổn đang lan rộng ở nước này. Ảnh: AFP
Binh sĩ phe đối lập ở Libya áp giải một lính bắn tỉa thuộc lực lượng trung thành với Gadhafi mà họ bắt được tại Zawiya ở phía tây Libya hôm 13/8. Sau khi liên tục bị dọa nạt, người bị bắt, hiện vẫn chưa rõ tên tuổi, được đưa lên một chiếc xe để tới thành phố Zintan ở phía bắc. Ảnh: AP
Binh sĩ phe đối lập ở Libya bắn những quả tên lửa Grad tại mặt trận phía tây của thành phố Misrata hôm 20/6. Đây là thời điểm các máy bay chiến đấu của liên quân NATO tăng cường ném bom các cơ sở quân sự của chế độ Gadhafi, nhằm hỗ trợ phe đối lập trong cuộc chiến với những người trung thành của viên đại tá. Ảnh: AP



Một phóng viên quay lại cảnh một người phụ nữ Libya đang chĩa súng vào máy quay tại thị trấn Gharyan, cách thủ đô Tripoli khoảng 100 km về phía tây nam, hôm 10/7. Đây là một hoạt động nằm trong một chuyến đi do chế độ cũ ở Libya tổ chức. Chế độ Gadhafi muốn thể hiện việc vẫn kiểm soát được nhiều phần của vùng núi non phía tây Libya và quyết bảo vệ lãnh thổ trước mọi cuộc tấn công. Ảnh: AP
Những cơn gió thổi cát tạo nên những đợt sóng trên sa mạc ở Twama, cách thành trì Zintan của phe đối lập Libya khoảng 30 km về phía đông nam, hôm 15/7. Đây là nơi mà những chiến binh nổi dậy chọn làm tiền đồn để theo dõi hoạt động của lực lượng trung thành với Gadhafi. Ảnh: AFP
Một người dân Libya ngồi ôm đầu với những vết xước trên người, sau một trạn nã pháo nhằm vào Zawiya, một địa phương ở phía tây của Libya, hôm 15/8. Rất nhiều thường dân Libya đã trở thành nạn nhân trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều tháng trời ở nước này, và rất lâu nữa người ta mới có thể đưa ra con số thống kê tương đối chính xác về số người đã thiệt mạng. Ảnh: AP
Các tình nguyện viên rắc bột hóa học lên các thi thể ở ven một con đường gần thủ đô Tripoli của Libya hồi cuối tháng 8, tức là không lâu sau khi đại tá Gadhafi và gia đình cùng những người thân cận chạy khỏi thành phố này. Tròn hai tháng sau, ông Gadhafi bị bắt tại thành phố quê hương Sirte, rồi qua đời sau đó với một phát đạn ghim vào thái dương trái. Ảnh: Life
Biệt kích Mỹ hồi đầu tháng 5 tấn công vào một ngôi nhà ở thị trấn Abbottabad, Pakistan, và tiêu diệt được cựu trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden, kẻ bị Mỹ truy đuổi suốt một thập kỷ qua. Không có nhiều hình ảnh ghi lại cuộc tấn công chớp nhoáng và bí mật này. Một trong những hình ảnh giúp người ta hình dung lại chiến dịch triệt hạ Bin Laden là mảnh vỡ còn sót lại của chiếc trực thăng tàng hình gặp tai nạn khi hạ cánh gần khu nhà của cựu trùm mạng Al-Qaeda. Biệt kích Mỹ đã buộc phải phá hủy nó khi rút đi để giữ bí mật quân sự. Ảnh: EPA
Những mảnh vỡ của chiếc trực thăng Chinook bị bắn hạ hôm 6/8 vương vãi trên mặt đất tại thung lũng Tangi, thuộc tỉnh Wardak và chỉ cách thủ đô Kabul của Afghanistan khoảng gần 100 km về phía tây nam. Chiếc máy bay này bị các phiến quân Taliban lừa vào bẫy rồi bị bắn hạ bởi một phát súng phóng lựu, khiến 30 lính Mỹ và 8 binh sĩ Afghanistan thiệt mạng. Đây là thiệt hại nhân mạng lớn nhất của quân đội Mỹ trong một vụ việc riêng lẻ suốt 10 năm tham chiến ở Afghanistan. Ảnh: AP
Binh sĩ Mỹ Justin Hathaway đi trong một cơn bão cát, sau khi rời Căn cứ Không quân Al Asad ở Iraq, hôm 27/9. Lính Mỹ dự kiến sẽ được rút hoàn toàn khỏi Iraq cho tới hết năm nay, sau gần 9 năm tham chiến tại quốc gia này. Ảnh: USAF
Một người biểu tình ném đá trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động Ai Cập gần quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo hôm 21/11. Đây là một diễn biến nằm trong làn sóng bạo lực mới tại Ai Cập, nhiều tháng sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak chấp nhận từ chức. Hơn 40 người thiệt mạng trong những cuộc đụng độ giữa những người biểu tình đòi chính phủ quân sự rút lui và cảnh sát. Ảnh: AP
Trung sĩ Mỹ Mark Behl (trái) và một đồng đội đang sơ cứu cho chú chó Drak, sau khi chú chó này bị thương trong một vụ đánh bom ở Sangin, thuộc tỉnh miền nam Helmand của Afghanistan, hôm 8/9. Chủ của Drak là trung sĩ Kenneth A. Fischer cũng bị thương trong vụ này. Cả chú chó Drak và người chủ Fischer sau đó được đưa ra khỏi Afghanistan và đã bình phục. Fischer nhận nuôi Drak và đưa chú chó này về nhà. Ảnh: AP
Một người dân Ai Cập nằm ngủ trên những chiếc bánh của một xe tăng đỗ giữa quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo hồi đầu tháng 2. Đây là khoảng lặng hiếm hoi trong những ngày quốc gia này chìm trong làn sóng biểu tình, để rồi cựu Tổng thống Hosni Mubarak phải tuyên bố từ chức vào ngày 11/2, sau gần 3 thập kỷ nắm quyền. Ảnh: Life

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

10 vũ khí gây chú ý nhất 2011

Trong một năm đầy ắp các sự kiện quân sự, thế giới được chứng kiến các màn ra mắt của những loại vũ khí mới cùng sự khẳng định của những khí tài đã có tên tuổi từ lâu.


Tàu sân bay Shi Lang của Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới trong suốt năm qua, ngay cả trước khi quân đội nước này thừa nhận sự tồn tại của hàng không mẫu hạm thuộc lớp Đô đốc Kuznetsov. Quân đội Trung Quốc mua lại vỏ tàu sân bay này từ Ukraina vào năm 1998, rồi sau đó tiến hành quá trình làm mới để biến nó thành hàng không mẫu hạm đầu tiên. Tàu Shilang chạy thử lần đầu vào tháng 8 năm nay.

Bất chấp sự e ngại của nhiều nước trước mục đích sử dụng tàu sân bay Shi Lang, Trung Quốc khẳng định sẽ dùng hàng không mẫu hạm này để nghiên cứu và huấn luyện. Ảnh: Xinhua

Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 mang tên J-20 cũng là một trong những vũ khí được Trung Quốc tích cực thử nghiệm trong năm nay. J-20 (Tiêm 20) đã liên tục trải qua khoảng gần 30 lần bay thử tại thủ phủ Thành Đô của tỉnh miền tây nam Tứ Xuyên. Nó cất cánh lần đầu tiên vào tháng 1, đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đến thăm Trung Quốc.

Trong các cuộc bay thử, J-20 chưa được trang bị một loại vũ khí nào. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng ở loại máy bay được so sánh với F-22 Raptor của Mỹ và Sukhoi SU-50 Firefox của Nga. Ảnh: FlyBNB



Máy bay không người lái Predator của Mỹ tham gia vào nhiều chiến dịch trong năm nay. Nó được sử dụng để truy kích các phiến quân ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan, đồng thời cũng được điều động tham gia nhiệm vụ hỗ trợ trong chiến dịch không kích các mục tiêu ở Libya.

Những cuộc tìm diệt của Predator trên lãnh thổ Pakistan đã khiến quan hệ giữa Mỹ và quốc gia Nam Á trở nên căng thẳng, với đỉnh điểm là việc Washington tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho quốc gia vốn có quan hệ đồng minh thân thiết. Ảnh: AFP


Chiến đấu cơ Rafale
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp là một trong những vũ khí chủ lực trong chiến dịch không kích của NATO nhằm vào các mục tiêu quân sự của chế độ Moammar Gadhafi. Vai trò của Rafale đặc biệt nổi bật sau khi Mỹ trao lại quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO. Chính những đợt không kích của những chiếc Rafale cùng nhiều máy bay khác của liên quân NATO đã góp phần vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của lực lượng trung thành với Gadhafi, giúp binh sĩ nổi dậy ở Libya dần chiếm thế thượng phong trong cuộc nội chiến. Ảnh: Outlookindia
Các

Các máy bay F-16 của Mỹ cũng là một đề tài nóng bỏng trong năm 2011. Trước sức ép của Trung Quốc, Mỹ đã không cung cấp những chiếc F-16 C/D cho Đài Loan, nhưng lại thông qua thương vụ bán vũ khí cho hòn đảo này, bao gồm việc nâng cấp 145 chiến đấu cơ F-16 A/B mà đảo này hiện có.

Bất chấp việc quan chức quân sự và lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục thăm viếng lẫn nhau kể từ đầu năm, Trung Quốc vẫn đưa ra cảnh báo nguy cơ rạn nứt các quan hệ ngoại giao và quân sự nếu Mỹ tiếp tục có những thương vụ vũ khí với Đài Loan. Ảnh: Defenseindustrydaily



Trong điệp vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi đầu tháng 5, một chiếc trực thăng tàng hình của biệt kích Mỹ đã gặp nạn và rơi xuống gần khu nhà của cựu trùm mạng Al-Qaeda tại thị trấn Abbottabad, Pakistan. Trước khi rút đi, biệt kích Mỹ đã cho nổ chiếc trực thăng để đảm bảo bí mật quân sự.

Tuy nhiên, những mảnh vỡ của chiếc trực thăng, được cho là loại UH-60 Black Hawk đang trong quá trình thử nghiệm bí mật, còn vương lại hiện trường đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Có tin cho rằng Trung Quốc đã tiếp cận để tìm hiểu bí mật công nghệ trực thăng tàng hình của Mỹ, nhưng Trung Quốc bác bỏ thông tin này. Mỹ gây sức ép đòi Pakistan trả lại các mảnh vỡ, nhưng rạn nứt quan hệ giữa hai nước sau vụ tiêu diệt Bin Laden khiến việc này bị chậm trễ.

Mọi chuyện chỉ kết thúc khi cuối cùng những mảnh vỡ của chiếc trực thăng này được Pakistan đồng ý giao lại cho Mỹ. Ảnh: EPA


Các tên lửa hành trình Tomahawk

Các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ và Anh góp phần tạo nên những cú đánh tiêu diệt hệ thống phòng không của chế độ cũ ở Libya, mở đường cho chiến dịch không kích của liên quân NATO sau đó diễn ra thuận lợi.

Mỗi quả tên lửa Tomahawk có giá cả triệu USD, vì thế chi phí khi sử dụng loại vũ khí tối tân này rất tốn kém. Chiến phí mà Anh và Mỹ phải gánh trong những ngày đầu chiến dịch tấn công Libya chủ yếu đến từ những quả Tomahawk được bắn đi từ các tàu sân bay. Ảnh: US Navy



Tên lửa diệt tàu sân bay Dongfeng (Đông Phương) DF-21D là một trong số những vũ khí đáng chú ý nhất của Trung Quốc trong vài năm qua. Đây là loại tên lửa đầu tiên được đặt trên bờ nhưng có thể vươn tới các hàng không mẫu hạm ngoài khơi xa và chính điều này khiến các nhà phân tích quân sự của Mỹ lo ngại.

Chương trình chế tạo DF-21D được khởi động từ những năm 60 thế kỷ trước. Mỹ ước tính Trung Quốc hiện có từ 60 tới 80 tên lửa loại này, kèm theo 60 giàn phóng tự hành đạt tầm bắn lên tới 1.500 km. Ảnh: AP



Tên lửa xuyên lục địa Bulava của Nga trong một lần được bắn thử từ tàu ngầm Yury Dolgoruky tại biển Bạch Hải. Đây là loại tên lửa đạt tầm bắn tới 8.000 km và là một trong những vũ khí chiến lược của Nga trong thế kỷ này.

Quân đội Nga liên tục bắn thử tên lửa Bulava trong năm nay, và có cả thành công lẫn thất bại. Bulava (Cây chùy) được cho là sẽ thay thế các loại tên lửa từ thời Xô viết mà quân đội Nga đang không sử dụng, do "tuổi tác" của các tên lửa này cũng như theo các thỏa thuận với Mỹ. Ảnh: RIA Novosti


Những chiếc xe bán tải hiệu Toyota được lắp thêm các dàn phóng tên lửa UB-32 do Nga sản xuất. Đây là một trong số những vũ khí quen thuộc của quân nổi dậy ở Libya trong cuộc chiến với lực lượng trung thành của đại tá Gadhafi. Hình ảnh những chiếc xe bán tải với dàn tên lửa UB-32 trở nên rất quen thuộc trong suốt cuộc nội chiến ở Libya. Ảnh: AP

Trân Châu Cảng 70 năm nhìn lại một quá khứ

Hôm 7.12, Mỹ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 cuộc tấn công Trân Châu Cảng bằng cách treo cờ rủ và cử hành phút mặc niệm vào thời khắc cuộc tấn công thay đổi lịch sử khai diễn.

Các buổi lễ được lên kế hoạch cử hành từ Trân Châu Cảng ở Hawaii đến thủ đô Washington tại bờ Đông nước Mỹ nhằm tưởng niệm 2.400 người Mỹ thiệt mạng vào ngày 7.12.1941, khi Nhật Bản phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Hãy cùng Blog Nguyễn Tấn Dũng đi ngược dòng lịch sử vỡi những tấm ảnh màu trắng đen thể hiện chân thật hình ảnh một cuộc chiến...



White House reporters listen to the radio in the White House press room as Japan declared war on the U.S., Dec. 7, 1941. (AP Photo)


































Japanese pilots get instructions aboard an aircraft carrier before the attack on Pearl Harbor, May 4, 1943, in this scene from a Japanese newsreel. It was obtained by the U.S. War Department and released to U.S. newsreels. (AP Photo)