Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu loại bỏ sân golf chậm triển khai

Các dự án sân golf có trong quy hoạch nhưng không triển khai, UBND tỉnh phải báo cáo Thủ tướng để loại bỏ hoặc điều chuyển địa điểm – Đây là nội dung nổi bật trong chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rà soát sân golf theo quy hoạch năm 2009.

Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm về sân golf sai phạm

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sân golf, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong kiểm tra, thẩm định, cấp phép, bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện hình thành dự án sân golf.
Đối với các dự án sân golf đã có trong quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện hoặc chuyển sang địa điểm khác thì UBND cấp tỉnh phải có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chuyển địa điểm.

Một sân golf tại Đà Nẵng nằm trong quy hoạch.

Đối với các dự án sân golf đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước thời điểm ban hành Quyết định số 1946, nếu đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng các quy định của Chỉ thị này thì UBND tỉnh lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu đối với các dự án mới, các địa phương phải tính toán kỹ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và căn cứ quy định về tiêu chí, điều kiện hình thành tại Quyết định số 1946, lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh thành tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng sân golf theo đúng quy hoạch được phê duyệt và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thủ tướng về đầu tư xây dựng và hoạt động của các dự án sân golf trên địa bàn.

Không biến sân golf thành đất xây nhà, biệt thự để bán

Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiến hành dân chủ, công khai quá trình thực hiện quy hoạch; công bố và khẳng định rõ các dự án sân golf không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf.

Một nội dung khác Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác; xây dựng sân golf chủ yếu ở các khu vực có tiềm năng du lịch cao, tại các vùng đất cát hoang hóa ven biển, đất đồi núi trọc, đất hoang hóa; diện tích đất làm sân golf phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm sân golf phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương rà soát, tính toán kỹ về sự cần thiết, nhu cầu, số lượng sân golf đến năm 2020 để đề xuất, báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.
Sau hơn 2 năm thực hiện quy hoạch sân golf theo Quyết định số 1946 năm 2009, đã có 29 sân golf đưa vào khai thác, sử dụng trong số 90 sân golf nằm trong quy hoạch được duyệt. Các sân golf đang hoạt động đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng tăng dịch vụ, thu hút khách du lịch, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm phát triển hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện quy hoạch sân golf đã được phê duyệt còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém; một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Quyết định số 1946, hiện tượng đầu tư không đúng với quy hoạch, chậm tiến độ, làm cho dư luận, nhất là nhân dân địa phương có sân golf chưa thật sự yên tâm. Việc làm cho người lao động tại các địa phương chuyển đổi đất sang làm sân gofl chưa đạt được kết quả như mong đợi...

P.Thảo 

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hội nghị Cấp cao  Mekong- Nhật Bản lần thứ 4 diễn ra trong hai ngày 20-21/4. Với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ các nước tiểu vùng Mekong và Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mekong- Nhật Bản lần thứ 4 tiếp tục khẳng quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng, ổn định và phát triển bền vững ở Khu vực Mekong nói riêng và Đông Á nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng Thủ tướng nước chủ nhà và người đứng đầu Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan kiểm điểm lại kết quả thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình động 63 điểm; Sáng kiến hợp tác kinh tế-công nghiệp; Sáng kiến thập kỷ Mekong xanh cũng như thảo luận phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác Mekong–Nhật Bản giai đoạn 2013-2015.

Một trong những vấn đề quan trọng được dư luận quốc tế quan tâm tại hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật bản lần này, đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo các nước Mekong và Nhật bản sẽ tập trung thảo luận Chiến lược Tokyo để thay thế Tuyên bố Tokyo tại Hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật bản lần thứ nhất cách đây 4 năm.

Chiến lược Tokyo nếu được thông qua tại hội nghị lần này sẽ là nền tảng của sự hợp tác giữa Mekong và Nhật Bản trong giai đoạn mới, với trọng tâm là tăng cường tính kết nối của tiểu vùng, hợp tác cùng phát triển giữa các nước thuộc tiểu vùng Mekong với Nhật Bản, đồng thời nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh con người cũng như tính bền vững của môi trường.

Tại hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật Bản lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có phát biểu quan trọng về phương hướng hợp tác cũng như nêu các ưu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Mekong- Nhật Bản, trong đó có vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Nhằm tăng cường hơn nữa kết nối trong khu vực Mekong, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ nêu một số sáng kiến mới, nhất là phát triển hệ thống vận tải đa phương thức để tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển.

Sáng kiến này sẽ đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực. Không chỉ sẽ khai thác hiệu quả hơn hệ thống đường bộ, hành lang giao thông và giảm tải các trục giao thông chính sáng kiến này còn tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông…

Ngay từ ngày đầu hình thành cơ chế hợp tác Mekong– Nhật Bản năm 2007, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực với nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy cơ chế hợp tác này. Gần 6 năm qua, nhiều dự án quan trọng nằm trong khuôn khổ hợp tác Mekong– Nhật Bản đã được triển khai tại nước ta.

Điển hình như: dự án xây dựng Cảng nước sâu Lạch Huyện, Hải Phòng  theo mô hình thí điểm hợp tác công-tư; dự án xây dựng Trung tâm đào tạo nghề Mekong- Nhật Bản; dự án thành lập Trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng tại Việt Nam; dự án Hợp tác khu vực về Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan khu vực Mekong; xây dựng một số tuyến đường cao tốc…Việt Nam cũng đã cử nhiều cán bộ trẻ tham dự các chương trình giao lưu nhân dân tại Nhật Bản, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước Mekong khác.

Có thể thấy rằng: Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật bản lần thứ 4 không chỉ tiếp tục đóng góp tích cực các sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam trong khu vực và trong cơ chế hợp tác này.

Nhân dịp tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao Chính phủ Nhật Bản, các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản nhằm tăng cường sự hiểu biết và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả./.

Thành Chung/VOVTV

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo đảm tiến độ trục Nhật Tân - Nội Bài

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Hà Nội và các đơn vị liên quan phải bảo đảm tiến độ xây dựng đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài và cầu Nhật Tân để giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện nay.

Ngày 14/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Hà Nội về quy hoạch xây dựng trục Nhật Tân - Nội Bài. Buổi làm việc cũng là bước cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng duyệt.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đảm bảo tiến độ trục Nhật Tân - Nội Bài (ảnh Nhật Bắc)

Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, thành phố đang rất tích cực triển khai quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời đẩy mạnh việc lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, Hà Nội luôn luôn quan tâm tới việc xây dựng nét đặc trưng cho đô thị, trong đó việc xây dựng các thảm cây xanh, khu đô thị xanh, hành lang xanh sẽ là những điểm nhấn.

Đến nay, Hà Nội đã lập hơn 30 phân khu trong quy hoạch chung, từ đó lựa chọn 17 phân khu để đầu tư trước mắt, 11 phân khu đã được phê duyệt, dự kiến trong tháng 5 sẽ phê duyệt 6 phân khu còn lại. Cùng với đó là 5 đô thị vệ tinh, hiện đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch chung và giao cho các đơn vị triển khai đồ án. 14 quy hoạch chung của huyện hiện đã phê duyệt xong thiết kế.

Tại buổi làm việc, quy hoạch phân khu bắc sông Hồng, trong đó quy hoạch chi tiết hai bên đường cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài cũng được sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều người cho rằng, trục giao thông Nhật Tân - Nội Bài được khởi công từ tháng 8/2011 sẽ là dự án kết nối hàng loạt đô thị khu vực bắc sông Hồng và mở ra hướng phát triển mới cho Thủ đô. Đây được coi trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của Hà Nội và khu vực lân cận. Khi hoàn thành trục đường sẽ tạo ra một hệ thống giao thông mới hỗ trợ giảm áp lực quá tải trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, tích cực những bước tiếp theo sau khi phê duyệt quy hoạch chung. Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh việc xây dựng các quy hoạch, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý tới việc quản lý quy hoạch. Trong thời gian tới, Thủ tướng giao Hà Nội cùng với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng quy chế quản lý quy hoạch.

Thủ tướng ghi nhận việc xây dựng cũng như triển khai quy hoạch chi tiết hai bên đường cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài khá tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng quy hoạch cần bám sát quy hoạch chung đã được phê duyệt, hướng tới mục đích xây dựng và Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại.

Thủ tướng yêu cầu thành phố sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết, xây dựng trục đường cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài là một trục đường chính, trục đường ngoại giao của Thủ đô. Thủ tứng lưu ý Hà Nội phải quyết tâm không để tiếp diễn đường xây xong đã có nhà hai bên như đã xảy ra tại một số tuyến đường.

Với vị trí thuận lợi, Thủ tướng gợi ý Hà Nội xây dựng trung tâm tài chính, trung tâm triển lãm tại khu vực này. Hà Nội cũng cần đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt là nguồn lực tài chính để triển khai nhanh nhất quy hoạch này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Hà Nội và Bộ Giao thông phải làm quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng trên tuyến Nhà ga T2, cầu Nhật Tân và đường cao tốc để tạo động lực cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án này.

Quang Phong

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đại sứ Đông Uruguay

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Đại sứ Carlos Irigaray hoàn thành nhiệm vụ công tác của mình tại Việt Nam.

Chiều 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ nước Cộng hoà Đông Uruguay Carlos Irigaray tới chào xã giao và nhận nhận nhiệm vụ công tác mới tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển hết sức tích cực trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đông Uruguay, nhất là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Năm 2011, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Đông Uruguay tăng gấp đôi so với năm 2010.

Nhấn mạnh tiềm năng và lợi thế hợp tác giữa 2 nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là sẽ nỗ lực hết mình để cùng với Đông Uruguay tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng đi vào thiết thực, sâu rộng và hiệu quả. Cho biết, thời gian tới Việt Nam sẽ tổ chức một Hội nghị cấp Bộ trưởng giữa Việt Nam với các nước khu vực Mỹ la tinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đông Uruguay cử Bộ trưởng sang dự Hội nghị quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Đông Uruguay sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; đồng thời mong muốn 2 nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để Đại sứ Carlos Irigaray hoàn thành nhiệm vụ công tác của mình tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Về phần mình, Đại sứ Carlos Irigaray khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam triển khai những nội dung công việc theo gợi ý nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; cũng như sẽ nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến các chương trình hợp tác mới giữa 2 nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa-giáo dục…

Đại sứ Carlos Irigaray cho biết, Đông Uruguay luôn tạo các điều kiện thuận lợi để hàng hóa của Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào thị trường Đông Uruguay, đồng thời cũng nhấn mạnh Đông Uruguay sẵn sàng là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nam Mỹ./.

Theo Chinhphu.vn

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cách chức quan chức dùng bằng giả

Nghị định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành, nhấn mạnh quy định viên chức quản lý dùng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm sẽ bị cách chức.

Nghị định nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật: Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật Viên chức; Vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập; Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực  pháp luật; Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ bị áp dụng một trong 3 hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; buộc thôi việc. Viên chức quản lý còn có thể bị cách chức.


Viên chức dùng bằng giả, mua bằng sẽ nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.

Đối với viên chức quản lý, hình thức kỷ luật cách chức được áp dụng trong trường hợp: 1- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; 2- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; 3- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ; 4- Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến viên chức.

Ngoài ra, Nghị định còn các quy định đáng chú ý khác như, viên chức bị khiển trách nếu có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây mất đoàn kết trong đơn vị…

Viên chức “chơi” ma túy sẽ phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo, bị xác định là nghiện sẽ phải buộc thôi việc.

Về trách nhiệm bồi thường, viên chức làm mất, hư hỏng trang thiết bị hoặc có hành vi khác gây hại tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập phải có nghĩa vụ bồi thường.

Nghị định cũng quy định cụ thể trong thời gian tạm giam, tạm giữ phục vụ công tác điều tra, tạm đình chỉ công việc để xem xét kỷ luật, viên chức được hưởng 50% lương.

Các quy định chính thức có hiệu lực thi hành từ 25/5 tới.

P.Thảo

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc Festival Huế 2012

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự khai mạc Năm Du lịch Quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ và Festival Huế 2012.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc. Nguồn: Vnexpress.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 là cơ hội cho các địa phương trong vùng phát huy thế mạnh về di sản, văn hóa để phát triển du lịch. Trong những năm qua, các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung và Thừa Thiên - Huế nói riêng đã không ngừng nỗ lực, vượt mọi khó khăn để vươn lên trở thành một vùng có kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; đã bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, di sản đậm đà, giàu bản sắc.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức thành công liên tiếp các kỳ Festival với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cội nguồn, tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản quý báu mà ông cha ta đã dày công xây dựng và từng bước trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc. Festival Huế là dịp để bạn bè khắp năm châu tụ hội, trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình để từ đó mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế, các địa phương trong vùng cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành của Trung ương phát huy tốt nhất mọi lợi thế và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè cả trong và ngoài nước, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để tập trung tổ chức thành công các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012, từng bước khẳng định thành phố Huế là một trung tâm văn hoá du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival của Việt Nam.

nguồn: http://thethaovanhoa.vn/133N20120408093915570T0/thu-tuong-nguyen-tan-dung-du-khai-mac-festival-hue-2012.htm

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận về chế độ cho cựu chiến binh

Theo thông báo số 128/TB-VPCP ngày 5/4 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho những cán bộ Hội Cựu chiến binh cơ sở không có lương hưu được hưởng chế độ lương theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ sau 5 năm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ, đối với cán bộ Cựu chiến binh hưởng hệ số 1 được chuyển lên hệ số 2 như các đoàn thể chính trị – xã hội khác.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với hội cựu chiến binh Việt Nam vào ngày 13/3.

Cũng tại Thông báo số 128/TB-VPCP, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Trung ương Hội Cựu chiến binh ban hành hướng dẫn và thủ tục giám định để thực hiện chính sách đối với nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin bảo đảm thuận lợi, chính xác, đúng đối tượng, tránh mọi phiền hà, tiêu cực.
Trước mắt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam khẩn trương xử lý các điểm nóng về hồ sơ, giải quyết các trường hợp cụ thể bảo đảm đúng chế độ, chính sách cho những đối tượng nhiễm chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.

Để Hội có điều kiện để làm tốt chủ trương, chính sách đối ngoại nhân dân, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với Trung ương Hội Cựu chiến binh xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phù hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với đề nghị hỗ trợ 10.000 tờ Báo Cựu chiến binh và Thông tin Cựu chiến binh để cấp miễn cho các Chi hội và Hội viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Thông tin Cựu chiến binh vào danh mục ấn phẩm ban hành theo Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh rà soát, đề xuất bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng và Trung ương Hội Cựu chiến binh xây dựng Đề án xóa nhà dột nát cho các Hội viên Cựu chiến binh nghèo (Cựu chiến binh là thương binh, là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, là người tham gia kháng chiến chống Pháp đã già yếu), trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh nghiên cứu đề xuất cụ thể về việc xây dựng bệnh viện, cơ sở điều dưỡng cho Cựu chiến binh./.

Theo VGP

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những đóng góp ASEAN 20

[Chuyen muc hoat dong] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những đóng góp hiệu quả về Biển Đông tại HNCC ASEAN -20

Tuy không nằm trong nghị trình chính thức nhưng vấn đề biển Đông vẫn được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và đưa vào Tuyên bố Phnom Penh. Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN sớm thống nhất về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.


Dù cho phía Trung Quốc tìm đủ mọi cách để kìm hãm việc ASEAN và nước tiến tới những quy định ràng buộc, mang tính pháp lý hơn về ứng xử trên Biển Đông như là COC. Vẫn không ngăn cản được tình hình diễn ra ngoài ý muốn của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 ở Phnom Penh. Bởi nhiều quốc gia ASEAN có những lý do chiến lược để tham gia lâu dài, liên tục và tìm kiếm sự đồng thuận cao ở cấp thượng đỉnh trong việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.

Tại Hội nghị, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III vẫn kêu gọi ASEAN cần tiến đến đồng thuận chung trong việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và hoàn tất dự thảo trước khi đàm phán với Trung Quốc. Theo ông, việc mời Trung Quốc tham dự soạn thảo COC ngay từ đầu như ý kiến của một số nước có thể làm chậm tiến độ.

Về phía Việt Nam Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ hết mình chủ đề của Hội nghị năm 2012 là xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, liên kết chặt chẽ không những là lợi ích chung của khu vực mà còn là mục tiêu chiến lược của các nước thành viên. Nhấn mạnh sự tham gia của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trên thực tế đã có quá trình lịch sử lâu dài, đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Trung Quốc. Tăng cường sự tham gia của một ASEAN năng động, đoàn kết, không làm suy yếu lợi ích hợp pháp của bất cứ bên nào mà ASEAN đang cố gắng thực hiện sẽ “đem giá trị đến với tất cả, thậm chí bao gồm cả những nước không có yêu sách đối với các địa hình đất hay quyền tài phán trên Biển Đông, mà có một lợi ích trong hòa bình, ổn định ở khu vực và tự do hàng hải ở đây”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Bảo đảm tôn trọng, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC. ASEAN cần tiếp tục duy trì tiếng nói chung này, nhất quán, thể hiện vai trò xây dựng, chủ đạo của mình vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Hoan nghênh việc thông qua bản Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN sớm thống nhất về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.

Kết thúc phiên họp toàn thể, hội nghị thông qua Tuyên bố Phnom Penh, nhấn mạnh ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và khẳng định sẽ tiến tới COC.

Mộc Lan

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

6 đề xuất quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 20

Phát biểu tại phiên họp toàn thể về chủ đề “ASEAN: Một Cộng đồng, một Vận mệnh”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những đề xuất quan trọng về xây dựng cộng đồng ASEAN, phong trào ôn hoà toàn cầu, hướng tới một ASEAN không ma túy vào năm 2015…Nhằm phát huy vai trò và tiếng nói của ASEAN ở khu vực và trên trường quốc tế.

ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung ở Biển Đông


Ngày 3-4, Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 diễn ra tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Ngay sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã tiến hành Phiên họp toàn thể, bàn về các vấn đề trọng tâm và ưu tiên của Hiệp hội, bao gồm: xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối, liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, phối hợp lập trường của ASEAN tại Cấp cao G-20.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ đề của năm 2012 như nước Chủ tịch Campuchia đã xác định. Một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ không những là lợi ích chung của cả khu vực, mà còn là mục tiêu chiến lược của các nước thành viên. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để ASEAN phát huy vai trò và tiếng nói ở khu vực và trên trường quốc tế.

-Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia trong khối ASEAN cần đề ra biện pháp hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng; làm tốt công tác phối hợp, điều phối giữa các trụ cột và phát huy vai trò của Hội đồng Điều phối; đề cao hơn nữa “văn hóa thực thi”, tính hiệu quả cũng như dành nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện Lộ trình; thúc đẩy triển khai hiệu quả lộ trình liên kết ASEAN, gắn với thực hiện Kế hoạch công tác triển khai sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 2 (2009-2015) và các chương trình hợp tác tiểu vùng.

-Đề nghị triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), tập trung vào 14 lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục phát huy tác dụng của công cụ và cơ chế hợp tác hiện có, tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống; ASEAN cần làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác, tạo điều kiện cho các đối tác tham gia tích cực, đóng góp xây dựng vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN. Nhấn mạnh, trong bối cảnh khu vực có nhiều biến chuyển nhanh chóng, Hiệp hội cần tăng cường phối hợp lập trường về các vấn đề thuộc quan tâm và là lợi ích chung của khu vực.
-Đồng thời, đề xuất cần tiếp tục coi kết nối ASEAN là một ưu tiên trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, trong đó quyết tâm thực hiện những cam kết trên cả cấp độ khu vực và quốc gia nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng, thể chế và người dân. ASEAN cần sớm hiện thực hóa hai dự án hạ tầng quan trọng là mạng lưới đường bộ ASEAN và tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh; triển khai kết nối các cảng biển của ASEAN, thúc đẩy việc nghiên cứu khả năng triển khai Thẻ đi lại và dành cửa xuất nhập cảnh riêng cho công dân ASEAN.


Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20

-Về thu hẹp khoảng cách phát triển và triển khai thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh các tiến bộ đã đạt được của ASEAN trong việc thực hiện Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II. Tuy nhiên, các nước Campuchia – Lào – Mianma – Việt Nam (CLMV) cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các chương trình, dự án thiết thực cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV với phần còn lại của ASEAN.

-Về Phong trào Ôn hòa toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến Phong trào Ôn hòa toàn cầu của Malaixia; đề nghị giao các Bộ trưởng và quan chức bàn cụ thể để ASEAN có thể tham gia thích hợp sáng kiến này, trong đó cần đề cao và phát huy các thế mạnh, giá trị truyền thống của ASEAN như đoàn kết và thống nhất trong đa dạng, đối thoại và hòa hợp.

-Đề cập về hướng tới một ASEAN không ma túy vào năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia cùng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận, trong đó có Kế hoạch về đấu tranh chống sản xuất, vận chuyển và sử dụng ma túy, đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực từ ASEAN, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của đối tác bên ngoài; tăng cường lồng ghép với các chương trình quốc gia, song phương, tiểu vùng và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ đề của năm 2012 như nước Chủ tịch Campuchia đã xác định; nhất trí Hội nghị Cấp cao ASEAN 20 sẽ thông qua Tuyên bố Phnom Penh “ASEAN: một Cộng đồng, một Vận mệnh.”

Kết thúc Phiên họp toàn thể, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh về “ASEAN – Một Cộng đồng, một Vận mệnh”, Nghị sự Phom Penh về xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố về ASEAN không ma túy vào năm 2015. Các Tuyên bố khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Hiệp hội chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ. Tuyên bố Phnom Penh cũng nhấn mạnh ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung đã được quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), và khẳng định sẽ tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Lãnh đạo các nước ASEAN đã gặp đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), các tổ chức xã hội (CSOs) và thanh niên ASEAN.
Tích cực triển khai Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Singapore.

Bên lề Hội nghị, chiều 3/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí sớm ký kết Hiệp định công nhận lẫn nhau về vệ sinh, kiểm dịch, động thực vật nhằm thúc đẩy xuất – nhập khẩu hàng nông sản, khuyến khích các doanh nghiệp của Singapore đầu tư vào đảo Phú Quốc cũng như tích cực triển khai Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Singapore.

Hai Thủ tướng khẳng định cần củng cố lập trường chung về Biển Đông, nhất là trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Mộc Lan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Singapore ông Lý Hiển Long

Bên lề Hội nghị Cấp cao SEAN lần thứ 20, chiều 3/4, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực thời gian qua; nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho nhau về thương mại, đầu tư thời gian tới.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Trên tinh thần  đó, hai Thủ tướng nhất trí sớm ký kết Hiệp định công nhận lẫn nhau về vệ sinh, kiểm dịch động thực vật nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng nông sản, khuyến khích các doanh nghiệp của Singapore đầu tư ở đảo Phú Quốc, tích cực triển khai Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Singapore.

Hai Thủ tướng khẳng định cần củng cố lập trường chung về  Biển Đông, nhất là trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới COC.

Theo (chinhphu)