Hôm nay 17/11, nhân dịp sinh nhật lần thứ 63 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bạn đọc Phú Vinh gửi tới BBT bài viết điểm lại 30 ngày bận rộn trước sinh nhật của Thủ tướng.
Có thể đối với mọi người sinh nhật là dịp để chúng ta được quây quần, ấm áp bên gia đình, bạn bè. Còn với Thủ tướng thì sao? Chắc chắn Thủ tướng không thể mừng sinh nhật lần thứ 63 ấm cúng bên gia đình mình, nếu có thì chỉ là chút ít hời gian ngắn ngủi bên lề Hội nghị ASEAN 21, khi ông cùng với Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.
Nếu chịu khó theo dõi sát từng hoạt động của Thủ tướng, chúng ta sẽ thấy khả năng làm việc không mệt mỏi của ông, bất kể khoảng cách, múi giờ, thời gian nào trong năm, tâm trạng hay sức khỏe như thế nào thì lịch làm việc của ông vẫn dày đặc.
Xuất phát điểm từ một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã luôn sống tình cảm, chan hòa với đồng đội mình. Ở ông ta dễ dàng nhìn thấy hai con người có vẻ đối lập nhau, một Thủ tướng luôn xuất hiện với hình ảnh chỉnh tề, nghiêm nghị khi tiếp, hội đàm với lãnh đạo cấp cao các nước và một Thủ tướng đời thường, bình dị, thân thương khi tiếp xúc với bà con nông dân. Một con người, hội tụ hai hình ảnh tưởng chừng như đối lập đã giúp ông có thể đảm đương những trọng trách cao cả mà đất nước và người dân tin tưởng giao phó.
Tôi thực sự ấn tượng và đánh giá cao, những lời nói từ tận đáy lòng mình của Thủ tướng trước Đại biểu Quốc hội hôm 14/11 vừa qua, Thủ tướng nói: “Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng (Cũng là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63 của Thủ tướng). Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.
Thật vậy, kể từ khi nhậm chức Thủ tướng (2006) đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trong và ngoài nước, Thủ tướng đã tự xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán và gần gũi như: thăm lại người chiến sỹ năm xưa; lội mưa lũ đi thăm hỏi, động viên bà con nông dân vùng rốn lũ Hương Khê; dành nhiều thời gian cho việc giám sát, tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, với tinh thần “tất cả vì lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước”,… những điều này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam.
Là người đứng mũi chịu sào, Thủ tướng cũng đã phải gánh chịu nhiều búa rìu dư luận, bày tỏ sự không đồng tình, đem quan điểm cá nhân của mình, với cái nhìn phiến diện, tự vỗ ngực xưng hô, phán này, phán nọ, ra điều bới móc những khiếm khuyết. Thực tế, bản thân Thủ tướng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, mà đã là con người thì không ai thực sự hoàn hảo cả.
Nhưng điều đó cũng không thể làm lu mờ đi những cống hiến mà Thủ tướng đã và đang đóng góp cho đất nước như: Tăng cường hợp tác nhiều mặt với các nước ASEAN; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng trên thế giới; Phát phát huy vai trò chủ động của Việt Nam trong hợp tác ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9; đảm đương tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; ban hành Kế hoạch chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010… góp phần đưa hình ảnh Việt Nam sánh vai với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.
Khi biển Đông trở thành điểm nóng được Việt Nam và nhiều nước khác cùng quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều đối sách linh hoạt, quyết liệt để tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng của Việt Nam trên biển, đồng thời tích cực cùng các nước tìm giải pháp ổn định, phát triển cho khu vực biển Đông.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện chuyển hướng chính sách tài chính, tiền tệ vừa linh hoạt vừa thận trọng nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, quản lý tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Trong nhiệm kỳ của mình ông đặc biệt coi trọng an sinh xã hội và quan tâm đến các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể: ông đã ban hành rất nhiều chính sách cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ…
Trước bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước còn khó khăn, nhiều vấn đề cần tập trung chỉ đạo giải quyết, gắn với yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng đã yêu cầu các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài.
Báo chí thời gian qua đã luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề nhức nhối trong xã hội và nói lên tiếng nói của người dân, Thủ tướng luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của dư luận, yêu cầu kiểm tra vấn đề báo chí nêu về: sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi, xử lý dự án hoang… Từ đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh Thủ tướng luôn gần dân và sẵn sàng lắng nghe, để thấu hiểu những điều dân cần.
Để hạn chế những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Ông cũng chính là người đề xuất chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” được phát sóng hàng tuần trên truyền hình. Đây sẽ là cầu nối thiết thực và hữu ích để gắn kết lãnh đạo với quần chúng nhân dân.
Suy cho cùng chính sách không phải lúc nào cũng đúng, lại càng không thể thoả mãn được lợi ích của tất cả. Chưa kể, trên con đường dài thăm thẳm của quyền lực và trách nhiệm, không gì đảm bảo người lãnh đạo luôn đúng. Nhưng cũng chính ở đây, mà bản lĩnh người đứng đầu mới thực sự được trải nghiệm thử thách. Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là người đó có đủ bản lĩnh để đối diện với nó. Đối mặt với chỉ trích, thay vì “nản chí bỏ cuộc” thì cần phải đứng vững và khẳng định mình từ chính những khó khăn đó. Cũng như cách mà Thủ tướng đối mặt không né tránh trước những câu hỏi hóc búa, dồn dập về trách nhiệm cá nhân trong phiên chất vấn Quốc hội.
Không riêng gì sinh nhật lần này mà hầu như tất cả những lần sinh nhật trước đây của Thủ tướng đều được đánh dấu bằng những cuộc gặp gỡ, công tác.Với hàng loạt hoạt động nổi bật như: Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 9 (ASEM9) tại Lào. Tiếp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev; Thủ tướng Ukraine Mykola Azravo; Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully; Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Helle Thorning Schmidt; Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ; Bộ trưởng Lao động Pháp Michel Sapin; Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh Hasina; Bộ trưởng Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary… Hội kiến Tổng thống Iran; Tổng thống Panama Ricardo Martinelli Berrocal; Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy…
Hôm nay là ngày sinh của Thủ tướng, ông nghĩ gì về những chặng đường đã qua và chặng đường đầy cơ hội và thách thức phía trước? Tôi luôn có niềm tin rất lớn rằng, cùng với sự đồng tâm nhất trí, ủng hộ của người dân Việt Nam chắc chắn Thủ tướng, cùng các đồng chí lãnh đạo nước ta sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển.
Nhân kỷ niệm Thủ tướng bước sang tuổi 63, tôi cũng như nhiều người Việt Nam hy vọng rằng, ông sẽ gặp nhiều may mắn và thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình, để chăm lo đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như trong khu vực.
Bạn đọc Phú Vinh (Website Nguyễn Tấn Dũng)