Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

PTT Nguyễn Thiện Nhân tham dự và theo dõi lễ phóng vệ tinh Vinasat-2

5h49 sáng nay (16/5), tên lửa Ariane 5 đã hoàn tất quá trình đưa 2 vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo, từ bãi phóng Kourou (Guyana).

Vinassat-2 được phóng từ Kourou ở Guyana (Nam Mỹ). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đến chứng kiến lễ phóng Vinasat-2 qua cầu truyền hình ở đầu cầu Việt Nam.

Hành trình kéo dài 36 phút của Ariane 5 và 2 vệ tinh kết thúc thành công vào lúc 5h49 sau khi Vinasat-2 được tách khỏi tên lửa đẩy và tiến chính xác vào vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo địa tĩnh. Trước đó, với sự hỗ trợ của 2 tên lửa phụ, Ariane 5 đã rời khỏi mặt đất lúc 5h13.

Trong vòng 30 giây, 2 tên lửa phụ đã đốt khoảng 200 tấn nhiên liệu ở nhiệt độ 3.000 độ C để đưa 2 vệ tinh thoát khỏi lực hút bề mặt Trái đất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 tên lửa phụ tách khỏi phần chính giúp Ariane 5 nhẹ bớt ba phần tư trọng lượng. Tên lửa chuyển hướng Tây và bay nhanh hơn vào quỹ đạo.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến chứng kiến vụ phóng vệ tinh từ rất sớm

Đến 5h16, tên lửa Ariane xuyên qua tầng khí quyển trái đất và vượt Đại Tây Dương trong khoảng 20 phút. Tại bờ Tây châu Phi, Ariane kết thúc thành công giai đoạn đầu của quá trình phóng bằng việc cho tách JCSAT-13. Tên lửa tiếp tục hành trình đưa Vinasat 2 về vị trí đã định.
Đến 5h49, Vinasat-2 được tách khỏi vỏ bảo vệ và hành trình về quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông. Vụ phóng vệ tinh được tuyên bố chính thức thành công trong sự vui mừng của các nhân viên trung tâm ArianeSpace tại Kourou cũng như đại diện phái đoàn Việt Nam, Nhật Bản tại Guyana.

Tên lửa Ariane 5 đưa 2 vệ tinh rời mặt đất. Ảnh: ArianeSpace

Theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc phóng thành công Vinasat-2 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. “Đây là dự án quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian vũ trụ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển hệ thống viễn thông của Việt Nam. Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu VNPT sớm đưa Vinasat-2 vào sử dụng, khai thác hiệu quả, cùng với Vinasat-1 đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Vụ phóng tên lửa được truyền trực tiếp về trụ sở của VNPT. Ảnh: Nhật Minh

Trước đó, Vinasat-2 được triển khai trong hơn 2 năm, từ tháng 10/2009. Đây là vệ tinh thứ 2 của Việt Nam, có tổng kinh phí khoảng 260-280 triệu USD, sản xuất trên nền tảng khung A2100, tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Vinasat-2 cùng với Vinasat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 19/4, đã tạo ra một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng cho khách hàng. Cả 2 dự án này đều do Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư, hợp tác với Lockheed Martin (Mỹ) để triển khai.

Vinasat-2 khẳng định chủ quyền trên không gian

VNexpress

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Phật giáo Việt Nam có truyền thống yêu nước

Sáng 5/5 (tức rằm tháng 4 Nhâm Thìn), hàng trăm tăng ni, Phật tử đã có mặt tại chùa Quán Sứ dự lễ chính thức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556 – Dương lịch 2012 do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, các chức sắc tôn giáo cùng dự.

Chương trình hợp xướng - ca nhạc Phật giáo tại Tùng Lâm Quán Sứ, Hà Nội.

Thay mặt Ban thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức pháp chủ, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã gửi Thông điệp cầu chúc đại hoan hỷ, đại an lạc, thành tựu mọi Phật sự tới các chức sắc Phật giáo, tăng ni, cư sỹ, Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài. Thông điệp nhấn mạnh các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang tiến hành tổ chức Đại hội Đại biểu các cấp địa phương và tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vào cuối năm nay. Đây là Phật sự trọng yếu có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu, hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết và Chương trình hoạt động Phật sự của cả nhiệm kỳ vừa qua. Thông qua đó củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ tới, trong đó chú trọng và quan tâm bảo đảm yếu tố đoàn kết, hòa hợp, đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước trong việc suy cử thành phần nhân sự điều hành các cấp Giáo hội và là nhân tố bảo đảm cho thành tựu mọi Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua và trong tương lai. Thông điệp cũng kêu gọi tăng ni, cư sỹ, Phật tử các cấp thành tâm, tinh tấn, nỗ lực thực hiện tốt công tác Phật sự ích đời lợi đạo.

Bày tỏ vui mừng được dự Đại lễ Phật đản, thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi tới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, toàn thể tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước lời chúc sức khỏe và an lạc.

Phó Thủ tướng khẳng định, lễ Phật đản là một trong những lễ quan trọng nhất không chỉ của Phật giáo Việt Nam mà còn của Phật giáo đồ trên toàn thế giới, là dịp để mỗi người con Phật tưởng nhớ về Đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni và những triết lý nhân sinh sâu sắc của Phật giáo đang hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày. Ngay từ buổi đầu tiên với tư tưởng từ bi, trí tuệ, Phật giáo đã được người dân Việt Nam đón nhận. Nhìn lại lịch sử gần 2000 năm có mặt ở Việt Nam, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng có những người con Phật danh tiếng để lại tiếng thơm cho muôn đời. Điển hình như Đại sư Vạn Hạnh, người có công giúp Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống và cũng là người khuyên Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long để đặt nền móng lâu dài cho muôn đời con cháu. Hay Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân đập tan ách xâm lược của giặc Nguyên Mông, khi đất nước thái bình, ông nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật tu hành, sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại cho tới ngày nay.

Nối tiếp dòng chảy và truyền thống 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời thực hiện cứu khổ độ sinh. Thông qua việc hoằng dương Phật pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, gắn bó đoàn kết giữa đạo với đời, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ khuyết tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn; thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Tán thán và biểu dương những kết qủa to lớn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều đó càng khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định Đảng và Nhà nước ta trước sau như một tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc, thực hiện tốt đời, đẹp đạo. Đồng thời tin tưởng với phương châm hành đạo Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội, với tinh thần yêu nước hòa hợp trên nguyên tắc thống nhất tổ chức và hành động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, Phật tử ở trong nước cũng như nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, gắn bó với dân tộc, đoàn kết hòa hợp, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự xứng đáng với truyền thống hộ quốc, an dân./.

Theo ĐCSVN

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới

Chiều 3/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp xã giao ông M. Mohieldin, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) để trao đổi về  một số dự án giáo dục và an sinh xã hội mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung triển khai thực hiện.

Nguyen Thien Nhan

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và ông M. Mohieldin, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới - Ảnh: VGP/Từ Lương

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao và trân trọng những đóng góp của WB đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ  quý báu của cộng đồng các nhà tài trợ nói chung và WB đã giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn vừa qua.

Phó Thủ tướng mong muốn WB tiếp tục cung cấp các hỗ  trợ cần thiết về tài chính và kỹ thuật giúp Việt Nam thực hiện thành công những mục tiêu quan trọng, trong đó có khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực.

Về bảo đảm an sinh xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột cơ bản gồm: phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho người dân trước các rủi ro; bảo vệ nhằm đưa người dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói; thực hiện quyền bình đẳng và thúc đẩy nhằm tạo cơ hội cho người dân nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ tư vấn và tài chính giúp việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững sau khi đạt được mức thu nhập trung bình và hỗ trợ Việt Nam trong chương trình phòng chống lao quốc gia nằm trong chương trình tổng thể của Chương trình vì một thế giới không còn bệnh lao.

Bày tỏ sự ấn tượng trước sự phát triển về kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian qua, ông M. Mohieldin khẳng định, những hỗ trợ tín dụng của WB trong thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam sử dụng một cách có hiệu quả đặc biệt là  nguồn vốn dành cho giáo dục, an sinh xã hội. Ông M. Mohieldin khẳng định, thời gian tới WB sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn tín dụng để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các quyết sách liên quan đến giáo dục, nông thôn, đặc biệt là ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững theo hướng phát triển hệ thống hệ thống dịch vụ an sinh xã hội phù hợp với Việt Nam.

Từ Lương

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

PTT Nguyễn Thiện Nhân: phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Nghị định số 38/2012/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã được ban hành ngày 25/4. Trước đó, Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và Tầm nhìn 2030 cũng đã được phê duyệt. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Phóng viên (PV): Thưa Phó Thủ tướng, chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại thu hút sự quan tâm đặc biệt, không chỉ của dư luận mà cả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Những vấn đề thiết thân hàng ngày, tưởng là nhỏ như việc ăn uống của người dân, đã trở thành vấn đề nghị sự quốc gia, xin Phó Thủ tướng chia sẻ ý kiến về vấn đề này?

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (Phó Thủ tướng): Bản chất chế độ xã hội của chúng ta là chăm lo cuộc sống cho toàn dân. Bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, việc làm thế nào để đảm bảo bữa ăn ngon, an toàn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi gia đình và cả quốc gia. Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang mà dư luận xã hội rất quan tâm. Ý nghĩa của an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là chuyện nhỏ mà là vấn đề rất lớn. Quốc hội vừa thông qua Luật an toàn thực phẩm, trên cơ sở đó ngày 4/1/201, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và Tầm nhìn 2030.

* PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết, tại sao trong Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm có tính đến tầm nhìn 2030?

* Phó Thủ tướng: Chính phủ phải định hướng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ đến năm 2020 mà kéo dài đến tận 2030, cho thấy những khó khăn, bất cập của vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm không thể giải quyết nhanh một sớm một chiều, mà phải có Tầm nhìn dài hạn. Gần đây nhất, ngày 25/4 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và chỉ sau 01 ngày Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn về sinh thực phẩm đã tổ chức họp định kỳ thông qua cầu truyền hình, với khoảng 1000 cán bộ quản lý nhà nước các cấp đã tham gia cuộc giao ban trực tuyến này.

* PV: Phó Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Thủ tướng có nhận xét và đánh giá như thế nào sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?

* Phó Thủ tướng: Ban chỉ đạo Quốc gia an toàn thực phẩm đã hoạt động được 4 năm và thời gian trước đó, cho thấy sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các đoàn thể đã ngày càng tốt hơn. Bên cạnh những khó khăn cần giải quyết, cũng nhận thấy có sự tiến bộ rõ rệt về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu năm 2011, số vụ ngộ độc, số người ngộ độc và số người tử vong do ngộ độc thực phẩm đều đã giảm, đặc biệt số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm giảm gần một nửa so với thời gian trước đó. Điều này hết sức có ý nghĩa vì không gì có thể thay đổi, đo đếm được bằng tính mạng người dân. Bên cạnh đó, số vụ thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất chăn nuôi, chế biến thực phẩm đã diễn ra thường xuyên và công tác giám sát cũng liên tục được mở rộng về quy mô, năm sau cao hơn năm trước nhiều lần. Kết quả đánh giá năm 2011 cho thấy nhận thức của người chế biến và tiêu dùng: thế nào an toàn thực phẩm đã đạt trên 80%. Từ nhận thức đúng về an toàn thực phẩm, các địa phương đang triển khai một số mô hình khá hiệu quả. Ví dụ tại TP.Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống các chuỗi liên kết 3 NHÀ, từ cung cấp đến chế biến và ra chợ cho 3 mặt hàng chính là rau, thịt, cá. Hoặc Hà Nội có mô hình thực phẩm đường phố an toàn từ 74 xã, phường, đến nay là hơn 100 đơn vị tham gia và sẽ tiếp tục triển khai.

* PV: Thưa Phó Thủ tướng, những chính sách và giải pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm chúng ta đang triển khai đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra? Nguyên tắc an toàn thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” được triển khai thực hiện như thế nào nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu?

* Phó Thủ tướng: Nhóm giải pháp thứ nhất là: Chiến lược quốc gia về An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và Tầm nhìn 2030 ra đời cùng Nghị định, các thông tư liên tịch, nhằm hướng dẫn cụ thể thi hành Luật an toàn thực phẩm, cho thấy chưa bao giờ hệ thống luật pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm của chúng ta lại đồng bộ và đầy đủ như bây giờ. Theo đó, tại cuộc giao ban về an toàn thực phẩm vừa qua, Chính phủ yêu cầu từ nay đến quý III/2012, tất cả các tỉnh, thành phố phải hoàn thành xây dựng Kế hoạch 4 năm về an toàn vệ sinh thực phẩm, giai đoạn 2011-2015. Từ đó xác định mục tiêu cụ thể của mỗi địa phương về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở rất quan trọng để các địa phương quyết định giải pháp trọng điểm và phối hợp với các ban, ngành trong thực hiện mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2015-2020.

Nhóm giải pháp thứ hai là: Chúng ta cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Trên cơ sở kinh nghiệm đã làm vừa qua để thực hiện sự phối hợp tốt hơn nữa, đặc biệt giữa các Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Nhóm giải pháp thứ ba là: Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về an toàn thực phẩm và cụ thể hóa theo từng điều kiện địa phương. Đề nghị năm nay các địa phương tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp là rau an toàn và thực hiện cuộc vận động Nói không với sản xuất rau không an toàn để người dân đi chợ yên tâm; Không buôn bán dưới mọi hình thức những phụ gia thực phẩm bị cấm kinh doanh và không an toàn; Nói không với giết mổ không an toàn. Đề nghị Bộ Công Thương từ việc làm thí điểm mô hình chợ an toàn tại 6 tỉnh giáp biên giới, trong năm nay tiếp tục nhân rộng mô hình chợ an toàn; tăng cường lực lượng chuyên trách làm công tác an toàn thực phẩm, nhất là trong quản lý nhà nước, đặc biệt những người làm thanh tra; đồng thời thực hiện công bố xếp hạng Chỉ số an toàn thực phẩm cấp địa phương và quốc gia. Chúng ta coi trọng sức khỏe của người dân Việt Nam, đồng thời coi trọng sức khỏe người dân các nước mà Việt Nam xuất khẩu. Vừa qua, chúng ta bắt đầu triển khai cam kết là thực phẩm xuất khẩu vào Việt Nam phải được công bố xuất xứ hàng hóa và ngược lại hàng hóa Việt Nam cũng chấp nhận các quốc gia kiểm tra công khai xuất xứ hàng hóa. Theo Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm, Việt Nam xác định, địa phương nào có dân số từ 2 triệu người trở lên phải có phòng thí nghiệm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; tỉnh nào ở biên giới phải có phòng thí nghiệm, cùng với làm tốt công tác vận động đăng ký sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

* PV: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.
Nhật Minh (thực hiện)

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

PTT Nguyễn Thiện Nhân: Đẩy nhanh đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng

Ngày 24/4, tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị nhân lực cho KKT Vũng Áng.

Ảnh: VGP/Từ Lương

Theo khảo sát, đánh giá và kiểm tra thực tế tại KKT Vũng Áng của Đoàn công tác Chính phủ cũng như báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hà Tĩnh, cùng với việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của KKT Vũng Áng trong giai đoạn 2011-2015 với khoảng 74.000 lao động ở các cấp trình độ, chủ yếu là nhân lực phục vụ ngành công nghiệp nặng, cần triển khai với tốc độ cao, đồng bộ và trách nhiệm cao nhất nhiệm vụ chuẩn bị 1 vạn chỗ ở cho người lao động trong năm 2012 và khoảng 74.000 người đến năm 2015.

Tại hội nghị, những kinh nghiệm thực tế, những mặt được, chưa được, những tồn tại, vướng mắc, những câu hỏi về cơ chế đã được nêu và được thảo luận thẳng thắn.

Sau 2 năm triển khai, các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được 14.000 lao động ở các cấp trình độ cho KKT Vũng Áng. Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo nhu cầu nhân lực cho KKT Vũng Áng với số lượng nêu trên không phải là quá khó đối với năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo của nước ta hiện nay, nhưng việc thu hút và giữ chân người lao động đến làm việc và bám trụ lâu dài tại các doanh nghiệp trong KKT là bài toán chưa thể giải đáp ngay. Theo đó, ngoài việc trả lương cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, việc đáp ứng được yêu cầu về nơi ở, bệnh viện, trường học cũng là những điều kiện không thể thiếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự thẳng thắn thừa nhận, Hà Tĩnh đang đứng trước những cơ hội phát triển nhanh do các dự án đầu tư lớn tại tỉnh đem lại. Tuy nhiên, sau khi có đầy đủ các điều kiện quan trọng như vốn, hạ tầng, khoảng trống về nguồn nhân lực đang là lực cản để các các dự án này vận hành hiệu quả, đúng tiến độ. Trong đó, KKT Vũng Áng là ví dụ điển hình.

Việc đáp ứng nhu cầu nhà ở, bệnh viện các hạ tầng xã hội phục vụ cho người lao động và người thu nhập thấp được quy định trong Luật Nhà ở và  trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn, Hà Tĩnh đang khuyến khích xã hội hóa trong công tác xây dựng nhà ở cho công nhân.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng và tỉnh Hà Tĩnh sớm tháo gỡ những khó khăn về nhà ở cho người lao động tại Vũng Áng. - Ảnh: VGP/Từ Lương

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thí điểm đặc thù trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân ở KKT Vũng Áng, ước tính kinh phí đầu tư để xây dựng nhà ở cho người lao động thuê đến năm 2016 là 300 tỷ đồng.

Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế riêng, linh hoạt cho 37 cơ sở đào tạo của Hà Tĩnh đang đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng, để các cơ sở này có thể chủ  động hơn.  Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở này có cam kết về công tác lâu dài tại KKT Vũng Áng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nêu rõ, sau gần 2 năm, việc chuẩn bị nhân lực cho toàn bộ KKT Vũng Áng đã có những chuyến biến ban đầu khá tích cực. Tuy nhiên, do việc duy trì thông tin giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý KTT Vũng Áng với 2 tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng còn hạn chế, không tổ chức giao ban 1 tháng/lần như đã yêu cầu chính là tác nhân gây ra sự chậm trễ trong việc chuẩn bị số lượng nhân lực khổng lồ cho Vũng Áng.

Ngoài ra, Hà Tĩnh và các doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng vẫn chưa có chính sách đủ mạnh để kêu gọi và thu hút nhân lực Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận đến làm việc. Bên cạnh đó, do chưa làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu nhân lực, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ với người lao động ở KKT Vũng Áng nên người lao động cả nước chưa quan tâm đến nhu cầu rất lớn về nhân lực của khu vực kinh tế trọng điểm này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng Hà Tĩnh cần nâng cao công tác quản lý quy hoạch nhà tái định cư, nhà ở cho công nhân tại KKT Vũng Áng, tránh tình trạng xây dựng manh mún, thiếu đồng bộ. Từ nay đến năm 2015, KKT Vũng Áng đứng trước yêu cầu xây dựng rất lớn, vì vậy cần thay đổi tư duy để ứng dụng công nghệ thi công hiện đại theo hướng tiết kiệm thời gian và kinh phí xây dựng từ 40% đến 50%. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã gợi ý và nêu một số kinh nghiệm hay ở nước ngoài đang triển khai hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Hà Tĩnh, sự hợp tác giữa các nhà đầu tư với các cơ sở đào tạo. Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số công việc cụ thể, theo đó Hà Tĩnh, ngành giáo dục và dạy nghề cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đào tạo nhân lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 5/2012, cần hoàn thành phương án về cơ chế riêng dành cho đào tạo nguồn nhân lực cho Vũng Áng. Cùng với đó, xây dựng chương trình cụ thể để tuyên truyền sâu về đề án đào tạo nhân lực cho KKT để thông tin tuyển sinh đến được với học sinh, sinh viên cả nước.

Các nhà trường trong khu vực cần phối hợp và liên kết với nhau để tranh thủ nguồn lực và khả năng của giáo viên. Đồng thời, cần vận động các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cam kết hỗ trợ đào tạo cho KKT để doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn nhân lực cho chính mình.

Về hạ tầng xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị cần tổ chức thí điểm ứng dụng công nghệ mới trong thi công, xây lắp nhà ở cho công nhân; giao các doanh nghiệp nhà nước quản lý và thi công nhà ở cho công nhân.

Đồng thời, Ban Quản lý KKT Vũng Áng cần chuẩn bị và hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm đảm bảo cung cấp cho người lao động; tính tới phương án xây dựng bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động tại KKT.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thắp hương tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong Anh hùng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. - Ảnh: VGP/Từ Lương

Cũng trong ngày 24/4, trong không khí cả nước đang chuẩn bị  kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2012), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã đến thắp hương tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong Anh hùng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

 Từ Lương

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam cần hàng tỷ USD để rà phá bom mìn

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để giải quyết lượng bom mìn khổng lồ đang làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất nước, Việt Nam cần nguồn kinh phí trên 10 tỷ USD.

“Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tối 2/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, trước sự có mặt của nhiều quan khách quốc tế, các đại sứ quán cũng như các nhân chứng sống của thực trạng bom mìn còn rải khắp lãnh thổ Việt Nam. Buổi giao lưu nhằm phát động, huy động nguồn lực trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả của bom mìn sau chiến tranh.

Cũng theo Phó thủ tướng Nhân, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn, làm sao sau vài chục năm tới cơ bản giải quyết hậu quả. “Đó là nhiệm vụ của Chính phủ và là trăn trở của hơn 80 triệu dân Việt Nam”, ông Nhân nói và nhấn mạnh thêm bom mìn, vật liệu nổ không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn đe dọa tính mạng người dân hàng ngày hàng giờ. Hàng năm, Việt Nam đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc rà phá, cấp cứu hỗ trợ các nạn nhân…

nguyen thien nhan

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Rà phá bom mìn là nhiệm vụ của Chính phủ và là trăn trở của hơn 80 triệu dân Việt Nam".

Nhắc đến hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh, dù đã qua đi gần 40 năm, Phó thủ tướng dẫn con số hơn 40.000 người chết (trong đó tới 30.000 trẻ em) và 60.000 người bị thương. “Chính phủ Việt Nam sẽ huy động tối đa nguồn lực để khắc phục hậu quả chiến tranh song cũng rất cần sự giúp đỡ của các nước, đặc biệt là Mỹ, để đẩy nhanh tiến độ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, giao lưu tại chương trình, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (một trong 6 tỉnh có mật độ bom mìn dày đặc) cho biết, người dân có thể gặp bom mìn khi cuốc ruộng, đào móng nhà, làm thủy lợi, thậm chí cả khi mò hến. Tuy địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, rà phá bom mìn, song kết quả vẫn rất hạn chế.

Còn anh Hồ Văn Lữ (bản Của, xã Hưng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tuy sinh ra sau chiến tranh song luôn bị ám ảnh bởi bom mìn. Anh từng tận mắt chứng kiến hai vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ xảy ra ở địa phương khiến nhiều cháu nhỏ thiệt mạng. “Tôi chỉ mong muốn Nhà nước, các tổ chức quốc tế quan tâm rà phá hết bom mìn, làm sạch đất đai để bà con yên tâm sinh sống và canh tác”, anh Lữ chia sẻ.

Ngay trong buổi tối, 34 tổ chức trong nước đã tài trợ 7,5 tỷ đồng và 9 tổ chức quốc tế tài trợ 15 triệu USD cho Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Trong đó, riêng Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) ủng hộ 6,3 triệu USD.

Tháng 4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn; đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn.

Hiện cả nước còn khoảng 6,6 triệu ha đất (trên 21% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển. Ban chỉ đạo 504 đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giải phóng diện tích này trong khoảng thời gian dưới 100 năm. 5 năm tới, việc rà phá, làm sạch sẽ tập trung ở 6 tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngoài ra, trước năm 2015, Ban chỉ đạo cũng cần lập xong bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên toàn quốc.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại các bệnh viện thuộc Bộ Công an

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, chiều 26/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng ngày truyền thống của ngành y tế tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu tham gia tháp tùng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Bệnh viện 198

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các thầy thuốc ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân với tinh thần “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí MinhThay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ GS, bác sĩ, y tá đang hoạt động trong ngành y tế cả nước cũng như cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Bệnh viện 198 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khu mổ Bệnh viện 198

Phó Thủ tướng đã chỉ rõ những định hướng cơ bản của Chính phủ đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các cơ chế chính sách để phát triển ngành y tế trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển y học cổ truyền, tăng diện tích các vùng nguyên liệu theo hướng chuyên canh các cây thuốc nam quý hiếm.
Phó Thủ tướng đề nghị các bác sĩ ngành công an tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng vũ trang, chăm lo sức khỏe cho ngành cũng như góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa tập thể Bệnh viện 198

Đánh giá cao những thành tựu của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an trong việc điều trị thành công các bệnh khó, mạn tính như thoát vị đĩa đệm cột sống, viêm đại tràng mạn, viêm gan mạn, viêm khớp dạng thấp, phục hồi chức năng do di chứng tai biến mạch máu não, phục hồi di chứng sau tai nạn giao thông… Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển công tác khám chữa bệnh theo hướng hiện đại hóa y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, đảm bảo 100% cán bộ, chiến sỹ công an được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế từ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến chuyên sâu đạt trình độ tiên tiến.
Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích phát triển các nghiên cứu mới, các bài thuốc hay có tính ứng dụng cao phục vụ có hiệu quả công tác điều trị, tiếp tục chăm lo tốt đến đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho cán bộ, y bác sỹ và chiến sĩ.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bó hoa tươi thắm nhân dịp ngày truyền thống của ngành y tế -

Nhân dịp ngày truyền thống của ngành y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tặng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bó hoa tươi thắm, qua đó gửi gắm niềm tin tưởng tới 70.000 cán bộ là y bác sĩ đang hoạt động trong ngành y tế có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Từ Lương

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ưu tiên tăng mức học bổng cho lưu học sinh Lào và Campuchia

Nhằm tăng cường việc hỗ trợ, hợp tác đào tạo các lưu học sinh của hai nước Lào, Campuchia.Ngày  24/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về việc điều chỉnh chế độ chính sách đối với lưu học sinh Lào và Campuchia.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo

Việt Nam là 5.234 người, trong đó gần 2.000 người thuộc diện được học bổng của hai Chính phủ. Tổng số lưu học sinh Campuchia khoảng 550 người, người trong đó 100 người theo diện học bổng, ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp nhận 10 lưu học sinh Campuchia là con em của cán bộ, nhân viên đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam…


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Những đề xuất về việc tăng mức chi cho các lưu học sinh Lào, Campuchia là hợp lý

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc hỗ trợ, hợp tác đào tạo các lưu học sinh của hai nước Lào, Campuchia là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng bởi đây là những nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt với Việt Nam.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện các quy định tại Thông tư 16/2006 và Thông tư 41/2008 của Bộ Tài chính, đã xuất hiện nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế về định mức chi và nội dung chi đào tạo đối với lưu học sinh Lào và Campuchia đang học tập tại Việt Nam.

Cụ thể, hiện  định mức trần học phí bậc đại học từ năm 2008 đến nay tăng 97%, những yếu tố tác động đến học bổng như giá điện, nước, xăng dầu cũng tăng đáng kể. Xét mức tăng như vậy, mức chi cho lưu học sinh tại các thông tư  đã lạc hậu so với tình hình biến động giá  cả hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ xem xét tăng 100% định mức chi tối thiểu tương ứng cho mỗi cấp học được nhận học bổng trực tiếp.

Đối với kinh phí do nhà trường quản lý để chi đào tạo cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tách riêng định mức phục vụ chi phí đào tạo và định mức phục vụ chi phí cho lưu học sinh quốc tế với mức tăng 100%. Đồng thời, tăng chi phí cho đào tạo, giảng dạy là 45% cho một suất chi đào tạo.
Về cách thức cấp phát kinh phí đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, trong thời gian tới, đưa toàn bộ kinh phí đào tạo lưu học sinh Lào, Campuchia được cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với nhiệm vụ đào tạo lưu học sinh giao cho các trường trực thuộc Bộ, thực hiện phân bổ kinh phí từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với nhiệm vụ đào tạo lưu học sinh diện hiệp định giao cho các trường không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những đề xuất của các hội hữu nghị Việt Nam, Campuchia, Lào và các trường về việc tăng mức chi cho các đối tượng này là hợp lý. Cho tới nay, các lưu học sinh hai nước được đào tạo ở Việt Nam khi về nước đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc, nhiều người hiện đang giữ những trọng trách, cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của hai nước, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố tình đoàn kết giữa 3 nước.

Thống nhất với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều chỉnh mức chi cho lưu học sinh Lào và Campuchia, Phó Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng mức học bổng cho lưu học sinh Lào và Campuchia, tiếp đó là tăng mức chi ngân sách đối với các trường có lưu học sinh. Trong 6 tháng cuối năm, cần phải tăng mức chi 30% cho nhóm đối tượng này.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo gấp rút rà soát lại chất lượng đào tạo đối với lưu học sinh Lào, Campuchia, đặc biệt là trình độ về ngôn ngữ tiếng Việt, chậm nhất trong tháng 4/2012, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Campuchia.

Cũng trong tháng 4/2012, cần xây dựng cơ chế xác định chuẩn đầu ra đối với lưu học sinh Lào, Campuchia.

Từ Lương - http://nguyenthiennhan.net/pho-thu-tuong-nguyen-thien-nhan-uu-tien-tang-muc-hoc-bong-cho-luu-hoc-sinh-lao-va-campuchia.html

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Tiểu sử Nguyễn Thiện Nhân: Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Để trả lời câu hỏi: Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là ai ? Mời các bạn đọc tóm tắt tiểu sử Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân

nguyen thien nhan

Sinh ngày: 12/06/1953.

Quê quán: Trà Vinh.

Học hàm, học vị: Giáo sư – Tiến sỹ.

Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI

Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, XIII

6/1970-12/1979: Nhập ngũ, sau đó học đại học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979).

1/1980-3/1983: Công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự – Bộ Quốc phòng, Thượng úy.

4/1983-4/1985: Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

4/1985-7/1988: Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng ban Khoa học – Kỹ thuật rồi Phó Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh.

8/1988-10/1990: Tùy viên giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức; Đảng ủy viên Đảng bộ Đại sứ quán.

11/1990-10/1991: Học kinh tế thị trường tại Trường Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Liên bang Đức.

11/1991-8/1995: Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý công nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh rồi học thạc sỹ quản lý cộng đồng tại Trường Đại học Oregon (Mỹ) và khóa đào tạo chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại Trường Đại học Harvard (Mỹ).

9/1995-4/1997: Trưởng khoa rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư kinh tế (1996).

5/1997-12/1999: Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; Đại biểu Quốc hội khóa X.

12/1999-5/2001: Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

5/2001-6/2006: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Giáo sư kinh tế (2002).

7/2006-7/2007: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội khóa XII.

8/2007-6/2010: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ 7/2010 đến nay: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu làm Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ.