Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: 'Kiên quyết loại bỏ nhóm lợi ích'


Chiều 4/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng, thông báo về kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện cử tri của quận Hồng Bàng bày tỏ vui mừng trước những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đồng thời bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đạt được của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua nhiều văn bản quan trọng; bàn bạc, thảo luận các nội dung hết sức thiết thực về quốc kế, dân sinh.
Các cử tri cũng bày tỏ nhất trí với nội dung báo cáo kinh tế-xã hội được Chính phủ trình trước Quốc hội; những nội dung trả lời thẳng thắn, sát thực, đúng trọng tâm, trọng điểm trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành và của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá cao những giải pháp hiệu quả, linh hoạt mà Chính phủ đề ra trong thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng
Các cử tri Bùi Văn Ngọc (phường Minh Khai), Dương Đình Ổn (phường Hoàng Văn Thụ), Nguyễn Thu Hiền (ngành giáo dục quận Hồng Bàng);… đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển giáo dục-đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới lãnh thổ và chủ quyền quốc gia; quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài tại Việt Nam; gắn phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng;…
Cử tri Vũ Thiện Bản (phường Thượng Lý), Vũ Xuân Hiếu (phường Hùng Vương) đề nghị Nhà nước có các giải pháp quyết liệt để loại bỏ các dự án treo cũng như kiên quyết loại bỏ các nhóm lợi ích trong nền kinh tế; thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai…
Ngoài ra, nhiều cử tri quận Hồng Bàng cũng mong muốn Chính phủ, TP Hải Phòng tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân tái định cư, tạo công ăn việc làm cho người dân ở những khu vực bị giải tỏa khi thực hiện các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, trường học, các trạm cấp phát nước sinh hoạt, thủy lợi;…
Kiên quyết loại bỏ nhóm lợi ích
Sau khi lắng nghe các ý kiến đầy tâm huyết và trách nhiệm cũng như tâm tư, nguyện vọng, đề nghị của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo với cử tri quận Hồng Bàng một số kết quả chính của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII cũng như những điểm lớn về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, song với sự nỗ lực chung của cả nước, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng trong năm 2012. Chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,2%.
Đặc biệt, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, trong khó khăn song chúng ta vẫn giảm được tỷ lệ hộ nghèo, không cắt bất cứ khoản chi nào dành cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Bên cạnh đó, năm 2012, Đảng ta đã tập trung mạnh vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác chỉnh đốn và xây dựng đảng với quyết tâm là cương quyết ngăn chặn, loại trừ sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nước ta vẫn còn là một nước nghèo, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh tế phát triển chưa thật bền vững; nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội còn hạn chế, bất cập...
Đề cập tới nhiệm vụ của năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu ưu tiên của năm 2013 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân... Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Trao đổi các vấn đề mà cử tri quan tâm liên quan đến giáo dục-đào tạo, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là yếu tố then chốt để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với tinh thần như vậy, Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với sự nghiệp chăm lo cho phát triển giáo dục-đào tạo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giám sát tích cực của cử tri
Nêu rõ quan điểm về ”nhóm lợi ích” với cử tri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhóm lợi ích có thể hiểu là nhóm người có chức quyền câu kết với nhau nhằm trục lợi cá nhân, điều này là trái với luật pháp, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Thái độ của Đảng và Nhà nước với nhóm lợi ích đã được xác định rất rõ ràng là kiên quyết loại bỏ nhóm lợi ích ra khỏi đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng làm rõ những vấn đề mà cử tri quan tâm liên quan đến chính sách quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhân khẩu; giá đền bù khi thu hồi đất đai; chính sách chăm sóc người có công với nước;...
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giám sát tích cực của cử tri; đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và cử tri giao, xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri TP Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng: "Không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng có hệ thống"


Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Bloomberg hôm 28/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố lạm phát năm tới sẽ xuống 6%, dòng vốn nước ngoài tăng mạnh trở lại, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp lành mạnh hơn sau tái cấu trúc.

Buổi phỏng vấn của hãng tin Bloomberg với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra chỉ gần một tuần sau khi Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII bế mạc vào tuần trước. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định tăng lương tối thiểu từ 1/7/2013, nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN lên 9 triệu đồng, đặt mục tiêu tăng GDP 5,5%, lạm phát 8% và tăng cường xử lý tiêu cực ngân hàng.

Trong buổi phỏng vấn này, Thủ tướng đã trao đổi với Bloomberg về rất nhiều vấn đề. Trong đó nổi bật là kiềm chế lạm phát năm tới, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, thanh lọc hệ thống ngân hàng với chi phí thấp nhất, tránh để xảy ra đổ vỡ có hệ thống.

Thủ tướng cho biết: “Lạm phát 2012 sẽ vào khoảng 7% và năm tới, chúng tôi sẽ kiểm soát tốt hơn để đưa con số này về 6%”. Giá tiêu dùng tăng chậm lại cũng sẽ giảm nguy cơ lao động Việt Nam đình công.

Theo Thủ tướng, đầu tư nước ngoài hai năm tới sẽ tăng mạnh khi Việt Nam cải tổ doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng. Những lo ngại tăng trưởng đã chạm trần sau một phần tư thế kỷ mở cửa nền kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với nợ xấu đã khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm 21% trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Kinh tế Thế giới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Kinh tế Thế giới

Peter Ryder, Giám đốc quỹ đầu tư Indochina Capital tại Hà Nội cho biết việc kiềm chế lạm phát sẽ “giúp cải thiện đáng kể hình ảnh của Việt Nam”. Ông nhận định: “Rõ ràng là việc lạm phát gần 20% tại hai trong số bốn năm qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về trình độ quản lý kinh tế của chính phủ”.

Việt Nam có lạm phát cao nhất châu Á với 18% tháng 12/2011 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, CPI tháng 11/2012 chỉ tăng 7,1%. Lần cuối cùng mức tăng này dưới 6% là vào năm 2003, theo dữ liệu của Bloomberg.

Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% năm tới, cao hơn mục tiêu 5,2% năm 2012, mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Việc Việt Nam thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát và nợ xấu tăng cao dã khiến tăng trưởng chậm lại từ mức trung bình 7% sau công cuộc “Đổi mới” năm 1986. Theo một báo cáo hồi tháng 1 của Trường Harvard Kennedy, các ngân hàng quốc doanh Việt Nam thường xuyên chịu áp lực cho vay các công ty nhà nước.

Thủ tướng cam kết đưa lạm phát năm tới về 6%.
Thủ tướng cam kết đưa lạm phát năm tới về 6%.

Ngày 13/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thông báo trước Quốc hội tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/9 là 8,82%. Thống đốc dự định giảm tỷ lệ này xuống dưới 3% năm 2015 và bày tỏ quyết tâm chống lại lợi ích nhóm ngân hàng.

Jonathan Pincus – nhà kinh tế của Trường Harvard Kennedy tại TP HCM cho biết: “Nếu chính phủ thanh lọc hệ thống ngân hàng đúng cách và kiềm chế các doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi cho rằng kiểm soát lạm phát là điều trong tầm tay, dù tăng trưởng có thể vẫn còn chậm”.

Chứng khoán Việt Nam cũng ảm đạm trong năm vừa qua khi khủng hoảng ngân hàng ngày càng sâu rộng. VN-Index giảm 0,6% trong giai đoạn này, trong khi chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương lại tăng 9,8%.

Chính phủ phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích trong nước về việc quản lý kinh tế. Thậm chí, một đại biểu Quốc hội còn cho rằng nên hướng tới “văn hóa từ chức”.

Trong một văn bản trả lời cho Bloomberg sau buổi phỏng vấn, Thủ tướng cho biết: “Việt Nam kiên quyết tái cấu trúc ngân hàng với chi phí thấp nhất có thể, và sẽ không để xảy ra sụp đổ mang tính hệ thống”.

Trên thực tế, kể cả khi tình hình tài chính gặp khó khăn, các ngân hàng nước ngoài vẫn tăng cường hiện diện tại đây. HSBC, Standard Chartered, Mizuho Financial và ANZ đều đã mua cổ phần tại các nhà băng Việt Nam hoặc mở chi nhánh tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Việt Nam coi tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước là một trong những trọng tâm từ nay cho đến năm 2015. Chính phủ cũng cam kết đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước như Công ty Thông tin Di động Việt Nam (thương hiệu MobiFone) và Vietnam Airlines.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các công ty nhà nước cổ phần hóa và niêm yết cả trong nước lẫn quốc tế”. Theo ông, ổn định nền kinh tế sẽ làm tăng đầu tư nước ngoài trong hai năm tới. Thủ tướng cũng tuyên bố: “Chúng tôi nhiệt liệt chào đón các công ty nước ngoài đầu tư và tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, kể cả ngân hàng”.

Các nhà hoạch định chính sách đang cải cách hệ thống thuế và quy định mới về đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trọng tâm là tìm ra những công ty có “các dự án giá trị gia tăng lớn và sử dụng công nghệ cao”.

Intel, Samsung Electronics và Jabil Circuit là những công ty đã đặt nhà máy và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Xuất khẩu điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác đã tăng 91% trong 10 tháng đầu năm lên 16 tỷ USD. Đây cũng là nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Việc này cũng làm tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Theo Thủ tướng, số ngoại tệ này sẽ tương đương 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay, cao hơn mức dự báo 11 tuần hồi tháng 10 trước Quốc hội.

Thủ tướng cho biết: “Các công ty nước ngoài đang kinh doanh rất tốt tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của họ đã tăng 30% trong 11 tháng đầu năm, chiếm khoảng hai phần ba tổng kim ngạch”.

Theo các nhà phân tích tại Daiwa Capital Markets Hong Kong, Việt Nam là sự lựa chọn chính đối với các công ty muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Sun Mingchun, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Daiwa cho biết cùng với Campuchia, Việt Nam là “một trong những ứng cử viên hàng đầu thay thế Trung Quốc làm công xưởng cho các hãng dệt may và thời trang giá rẻ, do chi phí nhân công thấp”.

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

TT Nguyễn Tấn Dũng bước sang tuổi 63


Hôm nay 17/11, nhân dịp sinh nhật lần thứ 63 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bạn đọc Phú Vinh gửi tới BBT bài viết điểm lại 30 ngày bận rộn trước sinh nhật của Thủ tướng.
Sinh nhật lần thứ 63 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Có thể đối với mọi người sinh nhật là dịp để chúng ta được quây quần, ấm áp bên gia đình, bạn bè. Còn với Thủ tướng thì sao? Chắc chắn Thủ tướng không thể mừng sinh nhật lần thứ 63 ấm cúng bên gia đình mình, nếu có thì chỉ là chút ít hời gian ngắn ngủi bên lề Hội nghị ASEAN 21, khi ông cùng với Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.
Nếu chịu khó theo dõi sát từng hoạt động của Thủ tướng, chúng ta sẽ thấy khả năng làm việc không mệt mỏi của ông, bất kể khoảng cách, múi giờ, thời gian nào trong năm, tâm trạng hay sức khỏe như thế nào thì lịch làm việc của ông vẫn dày đặc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEM 9
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEM 9
Xuất phát điểm từ một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã luôn sống tình cảm, chan hòa với đồng đội mình. Ở ông ta dễ dàng nhìn thấy hai con người có vẻ đối lập nhau, một Thủ tướng luôn xuất hiện với hình ảnh chỉnh tề, nghiêm nghị khi tiếp, hội đàm với lãnh đạo cấp cao các nước và một Thủ tướng đời thường, bình dị, thân thương khi tiếp xúc với bà con nông dân. Một con người, hội tụ hai hình ảnh tưởng chừng như đối lập đã giúp ông có thể đảm đương những trọng trách cao cả mà đất nước và người dân tin tưởng giao phó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm bà con vùng rốn lũ Hương Khê
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm bà con vùng rốn lũ Hương Khê
Tôi thực sự ấn tượng và đánh giá cao, những lời nói từ tận đáy lòng mình của Thủ tướng trước Đại biểu Quốc hội hôm 14/11 vừa qua, Thủ tướng nói: “Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng (Cũng là kỷ niệm sinh nhật lần thứ  63 của Thủ tướng). Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.
Thật vậy, kể từ khi nhậm chức Thủ tướng (2006) đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trong và ngoài nước, Thủ tướng đã tự xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán và gần gũi như: thăm lại người chiến sỹ năm xưa; lội mưa lũ đi thăm hỏi, động viên bà con nông dân vùng rốn lũ Hương Khê; dành nhiều thời gian cho việc giám sát, tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, với tinh thần “tất cả vì lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước”,… những điều này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam.
Sự có mặt của Thủ tướng tại vùng lũ lụt là nguồn động viên lớn, giúp cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Sự có mặt của Thủ tướng tại vùng lũ lụt là nguồn động viên lớn, giúp cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Là người đứng mũi chịu sào, Thủ tướng cũng đã phải gánh chịu nhiều búa rìu dư luận, bày tỏ sự không đồng tình, đem quan điểm cá nhân của mình, với cái nhìn phiến diện, tự vỗ ngực xưng hô, phán này, phán nọ, ra điều bới móc những khiếm khuyết. Thực tế, bản thân Thủ tướng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, mà đã là con người thì không ai thực sự hoàn hảo cả.
Nhưng điều đó cũng không thể làm lu mờ đi những cống hiến mà Thủ tướng đã và đang đóng góp cho đất nước như: Tăng cường hợp tác nhiều mặt với các nước ASEAN; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng trên thế giới; Phát phát huy vai trò chủ động của Việt Nam trong hợp tác ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9; đảm đương tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; ban hành Kế hoạch chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010… góp phần đưa hình ảnh Việt Nam sánh vai với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát hầm Thủ Thiêm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát hầm Thủ Thiêm
Khi biển Đông trở thành điểm nóng được Việt Nam và nhiều nước khác cùng quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều đối sách linh hoạt, quyết liệt để tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng của Việt Nam trên biển, đồng thời tích cực cùng các nước tìm giải pháp ổn định, phát triển cho khu vực biển Đông.
Cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ... là một trong nhiều chính sách an sinh xã hội được Thủ tướng đẩy mạnh
Cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ... là một trong nhiều chính sách an sinh xã hội được Thủ tướng đẩy mạnh
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện chuyển hướng chính sách tài chính, tiền tệ vừa linh hoạt vừa thận trọng nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, quản lý tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Trong nhiệm kỳ của mình ông đặc biệt coi trọng an sinh xã hội và quan tâm đến các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể: ông đã ban hành rất nhiều chính sách cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ…
Trước bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước còn khó khăn, nhiều vấn đề cần tập trung chỉ đạo giải quyết, gắn với yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng đã yêu cầu các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài.
 Thủ tướng trò chuyện cùng sinh viên trường ĐH FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thủ tướng trò chuyện cùng sinh viên trường ĐH FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Báo chí thời gian qua đã luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề nhức nhối trong xã hội và nói lên tiếng nói của người dân, Thủ tướng luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của dư luận, yêu cầu kiểm tra vấn đề báo chí nêu về: sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi, xử lý dự án hoang… Từ đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh Thủ tướng luôn  gần dân và sẵn sàng lắng nghe, để thấu hiểu những điều dân cần.
Để hạn chế những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Ông cũng chính là người đề xuất chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” được phát sóng hàng tuần trên truyền hình. Đây sẽ là cầu nối thiết thực và hữu ích để gắn kết lãnh đạo với quần chúng nhân dân.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ sẽ tham gia trả lời trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lòi”
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ sẽ tham gia trả lời trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lòi”
Suy cho cùng chính sách không phải lúc nào cũng đúng, lại càng không thể thoả mãn được lợi ích của tất cả. Chưa kể, trên con đường dài thăm thẳm của quyền lực và trách nhiệm, không gì đảm bảo người lãnh đạo luôn đúng. Nhưng cũng chính ở đây, mà bản lĩnh người đứng đầu mới thực sự được trải nghiệm thử thách. Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là người đó có đủ bản lĩnh để đối diện với nó. Đối mặt với chỉ trích, thay vì “nản chí bỏ cuộc” thì cần phải đứng vững và khẳng định mình từ chính những khó khăn đó. Cũng như cách mà Thủ tướng đối mặt không né tránh trước những câu hỏi hóc búa, dồn dập về trách nhiệm cá nhân trong phiên chất vấn Quốc hội.
Không riêng gì sinh nhật lần này mà hầu như tất cả những lần sinh nhật trước đây của Thủ tướng đều được đánh dấu bằng những cuộc gặp gỡ, công tác.Với hàng loạt hoạt động nổi bật như: Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 9 (ASEM9) tại LàoTiếp Thủ tướng Nga Dmitry MedvedevThủ tướng Ukraine Mykola AzravoBộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCullyThủ tướng Vương quốc Đan Mạch Helle Thorning SchmidtBộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến TrụBộ trưởng Lao động Pháp Michel SapinThủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh HasinaBộ trưởng Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary… Hội kiến Tổng thống Iran; Tổng thống Panama Ricardo Martinelli BerrocalChủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy
Hôm nay là ngày sinh của Thủ tướng, ông nghĩ gì về những chặng đường đã qua và chặng đường đầy cơ hội và thách thức phía trước? Tôi luôn có niềm tin rất lớn rằng, cùng với sự đồng tâm nhất trí, ủng hộ của người dân Việt Nam chắc chắn Thủ tướng, cùng các đồng chí lãnh đạo nước ta sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển.
Nhân kỷ niệm Thủ tướng bước sang tuổi 63, tôi cũng như nhiều người Việt Nam hy vọng rằng, ông sẽ gặp nhiều may mắn và thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình, để chăm lo đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như trong khu vực.
Bạn đọc Phú Vinh (Website Nguyễn Tấn Dũng)

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và 'văn hóa từ chức'


"Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?".

Thủ tưỡng Nguyễn Tấn Dũng và 'văn hóa từ chức'
Thủ tưỡng Nguyễn Tấn Dũng và 'văn hóa từ chức'

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng sáng 14/11:

“Câu hỏi của tôi sẽ giúp cho Thủ tướng, Chính phủ có đủ sức mạnh để thực hiện giải pháp của mình.

Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng trong đó có Thủ tướng xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước mà thôi khiến người dân tự đặt câu hỏi dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng.

Dẫu sao Thủ tướng đã có lời xin lỗi trước Quốc hội cũng là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử.

Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì việc xin lỗi – một hành vi văn hóa rất đáng được khích lệ trong dân cần được giới hạn trong mối quan hệ giữa bộ máy công quyền với nhân dân. Không thể xin lỗi việc chậm trễ giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua những chế tài xử phạt theo quy định nếu gây thiệt hại cho khách hàng. Việc làm cho dân hiểu là Nhà nước tạo độc quyền vàng cho SJC khiến dân bất an và chịu thiệt thòi kéo dài để rồi Thống đốc ngân hàng chỉ xin lỗi vì đã không giải thích rõ cho dân hiểu lầm…

Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình đển các quan chức của ta từng bước làm được điều ở các quốc gia tiên tiến vẫn làm.

Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta từng cáo quan hồi hương. Còn Đảng ta đã từng có một vị Tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba nhiệm kỳ sau trở lại với cương vị Tổng bí thư kịp góp phần công cuộc đổi mới trước khi từ trần.

Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng Thủ tướng đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”.

Thủ tướng trả lời:

“Hôm nay, chỉ còn ba ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không có xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác, mặt khác cũng không từ chối, thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.

Tôi đã báo cáo nghiêm túc, báo cáo đầy đủ với Đảng, với bộ Chính trị, BCH TƯ, đầy đủ về bản thân mình và Đảng, Bộ Chính trị, BCH TƯ cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, sức khỏe, thương tật, tâm tư nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo quản lý trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi, và Đảng ta cũng là Đảng cầm quyền, lãnh đạo, đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Trung ương phân công. Và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chấp hành. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua".

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình trước Quốc hội


Sáng nay, 14/11, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
BBT cập nhật Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng trước Quốc hội:
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và các vị khách,
Thưa đồng chí, đồng bào,
Trước hết, thay mặt Chính phủ, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ và đã thông qua các Nghị quyết về kinh tế, xã hội năm 2013.
Suốt hai ngày Quốc hội chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có mặt ở hội trường, lắng nghe các Bộ trưởng giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.
Suốt hai ngày Quốc hội chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có mặt ở hội trường, lắng nghe các Bộ trưởng giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.
Tại Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi 175 phiếu chất vấn với  247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; trong đó, có 05 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ đã uỷ nhiệm và yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Hai ngày qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 và đã có 4 Bộ trưởng trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và 03 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường.
Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước quan tâm, chất vấn. Đây cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

VỀ CẬP NHẬT TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI VÀ YÊU CẦU CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

1. Đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012. Trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9[1], 10 tháng tăng 6,02%. Thu ngân sách 10 tháng đạt 76,2%, chi ngân sách đạt 78,8% dự toán. Xuất khẩu 10 tháng tăng 18,4%; nhập khẩu tăng 6,8%. Cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,8% (tháng 9 tăng 4,6%); tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước cả năm tăng 3,9%; xuất khẩu gạo cả năm khoảng 7,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ tăng 17,1% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá còn tăng 6,8%). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5,35 triệu người, ước cả năm đạt 6,5 triệu người, tăng 8,1%. Đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu lao động, đạt gần 80% kế hoạch năm. Văn hóa xã hội tiếp tục có chuyển biến, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực.
Những kết quả nêu trên tạo thêm thuận lợi để chúng ta phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp.
Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đất nước ta phải đương đầu với nhiều thách thức. Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hội nghị các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) mới đây đã đưa ra đánh giá tiêu cực về kinh tế toàn cầu năm 2013 và cho rằng các giải pháp kích thích tăng trưởng gần đây không đủ để kinh tế thế giới nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng suy giảm. Nợ công vẫn là mối đe dọa sự tăng trưởng kinh tế không chỉ khu vực EU mà cả Nhật Bản, Hoa kỳ, có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào tình thế khó khăn hơn.
Ở trong nước, kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm, tồn kho còn lớn, nợ xấu còn cao. Nếu không được giải quyết có hiệu quả, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, tác động tiêu cực đến việc làm và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn nhiều vấn đề phải quan tâm và phải dành thêm nguồn lực để giải quyết. Cơn bão số 8 đã gây thiệt hại khá nặng nề cho một số tỉnh ven biển Bắc Bộ.
2. Bối cảnh nêu trên đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phát huy những lợi thế và kết quả đạt được, kiên định các giải pháp đúng và đang phát huy hiệu quả, đồng thời theo sát tình hình, chỉ đạo quyết liệt, hành động khẩn trương, kịp thời xử lý những khó khăn, thách thức mới, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012 và chuẩn bị tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2013. Trong đó, tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Quản lý thu, chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả và triệt để thực hành tiết kiệm, loại bỏ các khoản chi chưa cấp bách, hạn chế đi công tác nước ngoài, giảm hội họp, dành thời gian chỉ đạo kiểm tra thực thi nhiệm vụ. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả; chủ động cân đối cung – cầu bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu và các hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, không để biến động lớn về thị trường, giá cả. Thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; khẩn trương trợ giúp đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão vừa qua, sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân, nhất là những hộ nghèo, gia đình chính sách và đồng bào ở những vùng bị thiên tai đón tết vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Video Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải trình trước Quốc hội:

VỀ CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI NĂM 2013

Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013. Kiên trì các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tạo đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, cụ thể; đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ năm 2013. Theo tinh thần đó, Chính phủ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:

I. GIẢI QUYẾT HÀNG TỒN KHO, XỬ LÝ NỢ XẤU, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH PHÁT TRIỂN

Tồn kho cao, nợ xấu lớn trong điều kiện tổng cầu giảm đang là những nút thắt trong nền kinh tế. Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về tình trạng này. Chính phủ nhận thức rõ điều đó. Nghị quyết 13 năm 2012 của Chính phủ, tuy có những tác động tích cực nhưng chưa đủ mức, cần có những giải pháp mạnh hơn cả về cơ chế chính sách và nguồn lực theo quan điểm là trong giới hạn của tổng nguồn, phải phân bổ và phân kỳ đầu tư hợp lý nhất để nền kinh tế vượt qua sức ỳ, ra khỏi khó khăn, tạo đà đi lên. Chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp sau:
1. Về giải quyết hàng tồn kho
(1) Tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế. Mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các công trình trong kế hoạch đầu tư năm 2012, sẽ phân bổ ngay vốn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trong kế hoạch 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan toả lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh sinh viên. Thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng, sắt thép cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông, thủy lợi ở nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo… cùng với việc huy động sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn. Tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Giải pháp này nhiều địa phương đã và đang thực hiện mang lại kết quả tốt, cần được nhân rộng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2013, đồng thời tìm mọi giải pháp cân đối nguồn để khi có điều kiện tiếp tục tăng lương theo sát lộ trình cải cách, ưu tiên các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống và kích cầu tiêu dùng.
(2) Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến bán hàng, coi trọng bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn. Để bảo đảm hiệu quả cho chương trình này, phải xây dựng tiêu chí hỗ trợ có tính đến kết quả đầu ra. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.
Quản lý chặt việc buôn bán qua biên giới. Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu dưới mọi hình thức, nhất là từ nay đến dịp Tết Nguyên đán. Xử lý nghiêm tình trạng nhập khẩu và sản xuất kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lan truyền dịch bệnh. Xử lý nghiêm các địa phương, đơn vị, cá nhân vì lợi ích cục bộ mà dung túng, bao che buôn lậu và buông lỏng kiểm soát hoạt động buôn bán qua biên giới.
(3) Giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Ban hành cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện khoanh nợ hoặc bảo lãnh cho những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Trong khi chưa bỏ được quy định về trần lãi suất huy động, tiếp tục mở rộng việc áp trần lãi suất cho vay đối với một số sản phẩm và khu vực ưu tiên. Tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và cho hộ nông dân vay tín chấp; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân ở nông thôn trong việc bảo lãnh cho vay và thu hồi nợ.
Thực hiện các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo khả năng tăng thu về sau. Xem xét áp dụng các biện pháp về thuế, phí và các gói hỗ trợ ngay trong nửa đầu năm với mức độ lớn hơn, thời gian dài hơn để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (thủ tục hải quan, thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, đầu tư, đăng ký kinh doanh…) để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở những thực tiễn tốt nhất đã đạt được ở những địa phương, đơn vị trong từng lĩnh vực quản lý, lấy đó làm tiêu chuẩn áp dụng chung cho toàn ngành, toàn quốc và công bố công khai để mọi người biết và giám sát thực hiện.
Cả ba nhóm giải pháp nêu trên đều cần có nguồn lực tài chính, đòi hỏi phải tăng cường công tác chống thất thu và điều đặc biệt quan trọng là triệt để thực hành tiết kiệm. Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ hơn việc tiết kiệm chi tiêu Ngân sách năm 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
2. Về xử lý nợ xấu
Từ nửa cuối năm 2011, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh. Theo kết quả kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tại thời điểm thanh tra là 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250 nghìn tỷ, trong đó 73% số nợ có tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được khoảng 75 nghìn tỷ đồng quỹ dự phòng rủi ro.
Nợ xấu đang cản trở tín dụng không đến được doanh nghiệp, là nguy cơ làm mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách, cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhưng phải có lộ trình phù hợp, quy trình chặt chẽ và theo hướng: chỉ đạo tập trung, hành động theo nhiều tuyến, bằng nhiều giải pháp, kể cả việc giải phóng hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp như đã trình bày, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau đây:
(1) Rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản…).
(2) Các tổ chức tín dụng phải chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp, trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ này để xử lý nợ xấu. Tổ chức tín dụng nào chưa trích lập đủ thì phải dùng các nguồn phù hợp, kể cả vốn điều lệ để bù đắp và buộc phải giảm mức tăng trưởng tín dụng để bảo đảm an toàn.
(3) Yêu cầu tổ chức tín dụng (chủ nợ) và doanh nghiệp có nợ phải khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu nhưng không thể không có vai trò của Nhà nước. Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thành lập công ty mua bán nợ, ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc xử lý nợ xấu, xác định rõ cơ chế hoạt động của công ty này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và có tham khảo thông lệ quốc tế.
Một trong những trọng tâm cần tập trung xử lý là nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách. Hiện nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng; trong đó, nợ các dự án đã hoàn thành khoảng 20 nghìn tỷ, nợ các dự án chuyển tiếp gần 70 nghìn tỷ đồng. Phần lớn các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản là ở các địa phương. Tình hình này có nguyên nhân từ việc phân cấp đầu tư; nhiều dự án do địa phương quyết định, phê duyệt trong khi trung ương chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn. Thực tế, các địa phương đều mong muốn đẩy nhanh xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân, doanh nghiệp được tham gia xây dựng dự án đã rất tích cực, nhiều trường hợp chủ động ứng vốn thi công công trình trong khi nguồn vốn cân đối có hạn. Đây cũng là bất cập về cơ chế chính sách, có trách nhiệm của cả Trung ương và địa phương. Chính phủ đã yêu cầu các địa phương lập phương án cụ thể để khẩn trương xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc các dự án do địa phương quyết định và đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong cả nước.
Với các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015.
3. Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Bất động sản, nhất là nhà ở là một loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu. Do quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phù hợp nên thị trường nhà ở phát triển quá nóng, cơ cấu không hợp lý và tình trạng đầu cơ làm dư thừa nguồn cung, nhất là loại nhà ở cao cấp, vượt quá khả năng của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở. Trong bối cảnh phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt, tổng cầu giảm, làm  thị trường bất động sản bị đóng băng, kéo theo tồn kho lớn về vật liệu xây dựng. Cùng với các biện pháp tăng tổng cầu, trong đó có cầu về nhà ở và vật liệu xây dựng, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản như đã trình bày ở trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính… phối hợp với các địa phương đánh giá đúng thực trạng và có phương án cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đồng thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:
(1) Mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên… Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giải pháp này và đạt kết quả bước đầu.
(2) Rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư.
(3) Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
(4) Tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản. Nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản… Hoàn thiện các chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất.
Giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xáu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp đồng bộ. Chính phủ coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

II. VỀ CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ

Đây cũng là nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn, trong đó nhấn mạnh ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn tái cơ cấu kinh tế với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược… Chính phủ xin tiếp thu để chỉ đạo thực hiện và báo cáo giải trình thêm như sau:
Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, sẽ được thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
Ngay từ năm 2012 Chính phủ đã tập trung triển khai 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
1. Về tái cơ cấu đầu tư
Vừa qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp và đã có một số kết quả bước đầu. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, trình Quốc hội sửa Luật ngân sách nhà nước, ban hành Luật đầu tư công. Triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa XI và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Hoàn thiện cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, xử lý nghiêm các vi phạm. Đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư, thực hiện cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn; kiên quyết tập trung vốn cho các công trình dự án quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đã hoàn thành, các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm 2013 và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Các dự án, công trình khởi công mới phải được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thủ tục đầu tư, xác định rõ nguồn vốn. Đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố trí tiếp thì chuyển sang hình thức đầu tư khác phù hợp hoặc phải tạm đình chỉ.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, trước hết là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương về mục tiêu và danh mục các chương trình, dự án theo quy hoạch. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch làm căn cứ để xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư trung và dài hạn.
Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội nước ta trong những năm tới là rất lớn trong khi nguồn vốn Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nguồn ODA ưu đãi đang giảm dần khi nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Vì vậy, cùng với việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư công phải có giải pháp thu hút được nhiều vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA làm cơ sở cho việc vận động tài trợ; chỉ đạo sửa đổi cơ chế đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP và các chính sách phí, thuế, giải phóng mặt bằng; tiến hành tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài… để có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, nhằm thu hút được nhiều nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
 2. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thực hiện nghiêm túc Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nước, Chính phủ đang triển khai các nội dung sau đây:
Rà soát phân loại doanh nghiệp để quyết định tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước; điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, cung cấp hàng hoá dịch vụ công thiết yếu, công nghiệp nền tảng, các ngành, lĩnh vực có công nghệ cao, sức lan toả lớn.
Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo các phương án đã được phê duyệt; thực hiện lộ trình thoái vốn nhà nước ở những công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.
Tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước theo các loại hình công ty phù hợp; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến; thực hiện minh bạch công khai trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chí của công ty niêm yết. Đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Thực hiện cơ chế đặt hàng của Nhà nước và hạch toán theo cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội.
Cùng với việc chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các tập đoàn, yêu cầu các tập đoàn thực hiện thoái vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Khẩn trương phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trong khi tiến hành nghiên cứu thấu đáo phương án thành lập một cơ quan thực hiện thống nhất chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để ban hành nghị định mới về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quản lý ngành, Bộ tổng hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước.
Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành nghị định riêng về điều lệ tổ chức hoạt động cho từng tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty lớn. Tổng kết Luật doanh nghiệp năm 2005, xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp để quản lý có hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; đổi mới công tác cán bộ, qui trình, cơ chế tuyển chọn, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước.
3. Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với lộ trình cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu hình thành hệ thống tổ chức tín dụng đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; hoạt động an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao; vận hành theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tăng cường năng lực, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu đối với từng loại hình tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quĩ tín dụng nhân dân, tổ chức tín dụng nước ngoài…) phù hợp với tình trạng tài chính của từng tổ chức tín dụng.
Đã thực hiện giám sát hoạt động, thanh tra toàn diện và kiểm toán bắt buộc đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; yêu cầu từng ngân hàng này tự xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại theo đúng pháp luật và lộ trình cụ thể. Đến nay, đã sắp xếp được 6 ngân hàng và hoạt động của các ngân hàng này đã dần ổn định, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, Nhà nước không bỏ tiền bù đắp cho các tổ chức tín dụng này.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã quan tâm nêu nhiều ý kiến về các vấn đề xã hội như giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm; bảo đảm trật tự an toàn xã hội… Những lĩnh vực này Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chiến lược phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia và các kế hoạch đã đề ra, khắc phục hạn chế yếu kém, tạo chuyển biến cụ thể trên từng lĩnh vực.
Nhiệm vụ sắp tới là rất nặng nề. Tiếp thu những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai và phấn đấu thực hiện các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội. Chính phủ xin trân trọng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát và trên cương vị công tác của mình, mỗi vị đại biểu Quốc hội có những đóng góp thiết thực cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Xin cảm ơn Quốc hội,
Sau đây, tôi xin trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu.

Theo website Nguyễn Tấn Dũng

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Website TT Nguyễn Tấn Dũng có gì hot?


(Nữ Cảnh Sát) - Chuyện thủ tướng Dũng nhà ta có website đã không còn gì lạ đó là chưa nói còn có cả đống vệ tinh vây quanh từ blog cho tới mạng xã hội đâu đâu cũng thấy, rất chi là hot. Cũng tốt thôi làm được như vậy thì tin tức, ý kiến chỉ đạo từ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến với người dân nhanh và tiện hơn việc lúc trước rất nhiều.
Hệ thống website, blog vệ tinh của site chính nguyentandung.org

Chiều nay rảnh rổi làm điếu thuốc coi mấy số liệu site thủ tướng Dũng trên Alexa có nhiều thông tin cũng thú vị, post lên pà con châm cứu cùng nhé. (Alexa là một công cụ đánh giá các website về thứ hạng tại một quốc gia hay trên thế giới, bên canh đó còn cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan)

* Chắc chắn thông tin của site trên Alexa được ban biên tập viết thêm các thông tin về thủ tướng, vì user bình thường thì không thể viết thông tin về một website nào đó và được Alexa cho hiển thị được.

Các thông tin của site được hiển thị đầy đủ.

Một ngày traffic của site nguyentandung.org là bao nhiêu?


Theo như Alexa thì trung bình một ngày tầm trên 100.000 views, một con số không nhỏ tí nào, đồng thời chứng tỏ lượng người đọc rất rất nhiều gần ngang bằng với các website báo chính thống. Đây cũng có thể coi là một sự thành công của ban biên tập site đưa thông tin đến với người dân Việt Nam.

Người ta tìm kiếm cái gì để ra website ông Nguyễn Tấn Dũng?


Nhìn vào các từ khoá có thể thấy xu hướng tìm kiếm về vấn đề đời tư của ông Nguyễn Tấn Dũng khá là nhiều nếu không muốn nói đây là chủ yếu, cũng đúng thôi với một lượng lớn các blog chuyên môn chọt bị thóc chọc bị gạo như hiện nay thì luồng thông tin mà người dân tiếp cận rất đa chiều và họ sẽ có xu hướng muốn tìm hiểu về vị thủ tướng của mình cũng là điều dễ hiểu.

Cũng có khá nhiều thành phần rảnh rổi giống mình lên tận Alexa ngồi viết review cho site ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng khó nói đây có phải là user trung thành hay là chiêu trò của ai đó muốn tâng bốc cũng của ai đó :)) tự hiểu nhé.

Túm quần lại là bài viết này không "nâng bi" cho ông thủ tướng mấy bác lề trái đừng có mà xán xán vào từa lưa hột dưa lên nói TapVietBao lại nâng bi cho thủ tướng. TVB phát hiện có thông tin hay nên rảnh rổi viết một bài để cho nhiều người có thể tiếp cận được nhiều nguồn tin hơn là mấy bác lề trái suốt ngày ra rả cái mồm đa đảng chửi rủa nhà nước ngoài ra đếch làm được cái gì khác.

Em xin hết ạ, click chuột by Ban Biên Tập TVB / TapVietBao