Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Áp giải Dương Chí Dũng về Hà Nội


Sáng nay 5.10, nguồn tin của Thanh Niên Online từ Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) xác nhận, ông Dương Chí Dũng được đưa từ TP.HCM ra Hà Nội trên chuyến bay số hiệu VN1166.

Theo đó, Dương Chí Dũng có mặt trên chuyến bay số hiệu VN1166, với chỗ ngồi số 38A, không có hành lý và được ghi rõ là “tội phạm kinh tế”, khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào lúc 7 giờ 30 sáng 5.10.

Tại sân bay Nội Bài, Dương Chí Dũng được dẫn giải qua cổng số 4 với sự tham gia của nhiều cảnh sát.

Dương Chí Dũng đã bị bắt vào ngày 4.9.2012 sau gần 3 tháng lẩn trốn và bị truy nã quốc tế
Dương Chí Dũng đã bị bắt vào ngày 4.9.2012 sau gần 3 tháng lẩn trốn và bị truy nã quốc tế

Dương Chí Dũng, 55 tuổi, trú tại phường Thành Công (Hà Nội), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hiện là bị can trong vụ án liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Vinalines.

Ngày 17.5, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Dương Chí Dũng. Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, trước khi cơ quan điều tra triển khai thi hành lệnh bắt, khám xét, chiều 17.5.2012 Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.

Ngày 18.5, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt trong toàn quốc và sau đó phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng…

Sau gần 3 tháng truy nã gắt gao, ngày 4.9, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã bắt giữ được Dương Chí Dũng.

Liên quan đến việc khởi tố Dương Chí Dũng, đầu năm 2012, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an xác định có dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M (hợp phần thuộc dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam do Vinalines làm chủ đầu tư). Từ đó, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 4 bị can về tội tham ô tài sản.

Trong quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT xác định Dương Chí Dũng có liên quan đến nhiều sai phạm của dự án này; làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, khi còn làm Chủ tịch HĐQT Vinalines, Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng khi chưa có sự phê duyệt của Thủ tướng. Dự án này sau đó đội lên thành 6.489 tỉ đồng.

Dương Chí Dũng cũng đã cùng cấp dưới quyết định mua ụ nổi No83M với mức đầu tư 14,136 triệu USD. Trong đó chi phí mua, sửa chữa tại Nga, cước vận chuyển là 12,5 triệu USD nhưng khi đưa về nước thì đội lên thành 24,3 triệu USD. Đặc biệt, ụ nổi No83M sản xuất năm 1965, đã bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, bị Cơ quan đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 năm, không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam.

Ngoài ra, lãnh đạo Vinalines trình, phê duyệt, tổ chức mua khi chưa được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao mặt bằng xây dựng nhà máy. Chính vì điều này, ụ nổi mua về không có địa điểm để lắp đặt, dẫn đến hậu quả là đến tháng 4.2010, Vinalines phải chi 30 tỉ đồng thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu và hơn 70 tỉ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền mua, sửa chữa, gây thiệt hại 100 tỉ đồng.

Thái Uyên – Mai Hà – T.D (TNO)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Bắt Dương Chí Dũng: Ai mừng, ai lo?


Dương Chí Dũng sau 3 tháng lẩn trốn cuối cùng đã bị bắt chỉ ít ngày sau yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là sự kiện làm nức lòng nhân dân cả nước những ngày qua. Nhưng trong cái mừng chung chắc hẳn có người lo. Vậy ai mừng và ai lo?

Bắt được Dương Chí Dũng – Ai mừng, ai lo?
Bắt được Dương Chí Dũng – Ai mừng, ai lo?

Có lẽ người mừng đầu tiên và mừng nhất là lực lượng an ninh mà người đứng đầu là Bộ trưởng Trần Đại Quang. Không mừng sao được khi sau rất nhiều gian nan và vất vả, “cá” đã sa lưới? Không mừng sao được khi việc Dương Chí Dũng bỏ trốn đã gây sự nghi ngờ lộ thông tin trong quần chúng nhân dân và ngay tại nghị trường, đã có đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi có hay không sự lộ bí mật, bao che từ phía lực lượng an ninh? Giờ đây, các câu hỏi sẽ có câu trả lời. Việc có lộ thông tin hay không và nếu lộ thì ai để lộ? Không thể con sâu làm rầu nồi canh. Không để nhân dân nghi ngờ về cả một lực lượng an ninh sau sự việc này. Câu trả lời rồi đây chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ khi Dương Chí Dũng bị bắt và cung khai.

Người mừng thứ hai là quần chúng nhân dân. Nhân dân mừng không chỉ vì một tên tội phạm bị bắt mà mừng hơn vì đã thấy được quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Việc Dương Chí Dũng bỏ trốn ít nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân về cuộc chống tham nhũng. Và việc người dân nghi ngờ có sự “bảo kê” cũng không phải không có lý.

Nhưng có lẽ mừng nhất là Đảng và Nhà nước. Công bằng mà nói, công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng phát động và Luật phòng chống tham nhũng sau nhiều năm thực hiện đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Những vụ tham nhũng ngày càng nhiều, tinh vi và nghiêm trọng hơn với số tài sản ngày càng lớn. Điều đó khiến quần chúng nhân dân thiếu niềm tin, thậm chí hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng. Đó là điều đau xót mà Đảng không thể chấp nhận bởi Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu thành lập cho đến nay luôn luôn lấy niềm tin và hạnh phúc của nhân dân làm nhiệm vụ tối thượng.

Vì vậy, việc bắt được Dương Chí Dũng sẽ làm sáng tỏ nhiều điều. Từ có hay không việc tiết lộ thông tin đến ai đã bao che cho Dương Chí Dũng và những hành vi tham nhũng như thế nào sẽ được phơi bày ra ánh sáng cho nhân dân được biết. Từ đó, Đảng sẽ có cơ hội lấy lại niềm tin, nhất là trong dịp triển khai Nghị quyết 4 lần này.

Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước phải làm triệt để vụ việc này. Nếu “đánh trống bỏ dùi”, sẽ khó để lấy lại niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, đây là việc làm không hề dễ, cần ở Đảng, Nhà nước một quyết tâm rất cao. Những “lực cản” sẽ đến từ những ai đã tiếp tay, bao che cho những hành vi tham nhũng của Dương Chí Dũng. Ai đã đề bạt, cất nhắc một kẻ tham nhũng lên thành người đứng đầu của ngành hàng hải Việt Nam. Và nhất là ai đã bao che cho Dương Chí Dũng trong việc bỏ trốn vừa qua.

Đây cũng là một minh chứng cho câu “Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt” và bài học cho những ai mắc tội với đất nước, với nhân dân. Họ dù có mưu ma, chước quỉ vẫn không thoát khỏi “lưới trời” đã giăng và đang giăng khắp mọi ngõ ngách của thế giới.

Nhân dân đang chờ đợi và hi vọng.

Bắt được Dương Chí Dũng, ai mừng – ai lo?!

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Yêu cầu báo cáo quá trình truy bắt Dương Chí Dũng


(TIN QUÂN SỰBan Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa có yêu cầu giải trình quá trình bắt giữ cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng.
Ngày 10/9 từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho hay, hiện có bảy vụ án nghiêm trọng, phức tạp có khó khăn, vướng mắc mà Ban chỉ đạo nắm tình hình và đôn đốc xử lý. Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm báo cáo tình hình khởi tố, điều tra, truy tố… cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng yêu các cơ quan tố tụng báo cáo rõ thêm về một số nội dung trong các vụ án.
Bị can Dương Chí Dũng.
Bị can Dương Chí Dũng.
Trong đó, về vụ án tham ô tài sản tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, các cơ quan tố tụng có liên quan báo cáo những hành vi phạm tội và người có liên quan trong vụ án cố ý làm trái do Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung ngày 17/5 vừa qua, quá trình triển khai truy bắt bị can Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, dự kiến thời gian kết thúc điều tra vụ án chuyển truy tố.
Trước đó, hôm 5/9, Bộ Công an thông báo về việc đã bắt được bị can Dương Chí Dũng, người bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, Bộ luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Bị can Dương Chí Dũng đã bỏ trốn hôm 17/5 trước khi cơ quan điều tra triển khai thi hành lệnh bắt, khám xét. Ngay sau khi bị can này bỏ trốn, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế.
Ngày 4/9, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt giữ được Dương Chí Dũng và hiện đang điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp báo 5/9, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói trong suốt quá trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo theo đúng tinh thần là “tất cả mọi người đều công bằng trước pháp luật, không có bất kỳ ngoại lệ nào”.
Sau khi có lệnh truy nã toàn cầu ông Dương Chí Dũng, Thủ tướng “đã nghiêm khắc nhắc nhở Bộ Công an”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ đạo làm rõ liệu có hay không hành vi bao che, tiếp tay cho ông Dương Chí Dũng bỏ trốn và yêu cầu ‘Ai bao che Dương Chí Dũng nên sớm tự thú’.

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Dương Chí Dũng đã bị bắt!


TIN NÓNG - Ngày 5-9, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thuộc Bộ Công an cho biết đã bắt được bị can Dương Chí Dũng (55 tuổi, trú tại phường Thành Công, Hà Nội - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN).

Ông Dương Chí Dũng
Ông Dương Chí Dũng

Được biết Dương Chí Dũng bị bắt tại 1 nước trong khối ASEAN và được Cảnh sát quốc tế Interpol dẫn độ về Việt Nam.

Trước đó ngày 19-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Dương Chí Dũng.

Quyết định truy nã được thông báo đến cơ quan công an các địa phương, các đơn vị của bộ để bắt giữ khi phát hiện.

Trước đó, mở rộng điều tra vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam thì ông Dương Chí Dũng không có mặt tại nhà.

Ngày 18-5, ông Dũng cũng không có mặt ở cơ quan để làm việc. Sau khi xác minh, cơ quan điều tra xác định bị can này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên ra quyết định truy nã, thông báo tới cơ quan công an các địa phương để truy bắt.

Cùng bị khởi tố với ông Dương Chí Dũng còn có hai bị can bị bắt tạm giam gồm ông Mai Văn Phúc (54 tuổi, trú ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội - phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines) và Trần Hữu Chiều (60 tuổi, trú ở Thái Thịnh, quận Đống Đa - phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines).

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một loạt cán bộ thuộc Vinalines về hành vi “tham ô tài sản” gồm các ông Trần Hải Sơn (52 tuổi, trú tại TP.HCM - tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Văn Quang (37 tuổi, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Ngoài ra còn có hai bị can Trần Bá Hùng (33 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa - phó trưởng bộ phận vỏ của Công ty TNHH Hyundai Vinashin); Phạm Bá Giáp (40 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa - giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân) cũng bị bắt tạm giam về hành vi “tham ô tài sản”.

Cơ quan điều tra xác định các bị can này đã tham ô trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M do Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam nhập về. Cụ thể, các bị can tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam đã gửi giá nguyên vật liệu sửa chữa nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Theo đó, mỗi ký thép hàn, các bị can Sơn và Quang yêu cầu ông Trần Bá Hùng cộng thêm 10.000 đồng để lấy tiền. Ngoài ra, các bị can này còn nâng khống khối lượng sắt hàn trên hồ sơ quyết toán nhằm tham ô tài sản của Nhà nước.

Để rút được tiền chuyển cho bị can Sơn và Quang, bị can Trần Bá Hùng đã thông qua Công ty TNHH Nguyên Ân do Phạm Bá Giáp làm giám đốc để làm hợp đồng, chứng từ thanh toán, quyết toán. Qua đó, bị can Trần Bá Hùng đã rút tiền và chuyển hơn 1,5 tỉ đồng cho bị can Trần Văn Quang, chi cho Phạm Bá Giáp 50 triệu đồng để thu lợi bất chính.

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Bộ trưởng Thăng: Bổ nhiệm ông Dũng để cứu Vinalines


"Các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT có trao đổi lại với tôi về tình hình ở Vinalines có thể nói là mất đoàn kết nội bộ từ lâu, chính vì vậy Ban cán sự Đảng quyết tâm đưa ông Dũng khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines".

Ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lý giải về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải từ vị trí Chủ tịch HĐQT Vinalines.

Xin Bộ trưởng cho biết, vì sao có một số sai phạm của ông Dương Chí Dũng được nhiều người biết, nhưng ông Dũng vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN?
Trước hết phải nói rằng việc bổ nhiệm ông Dũng là hạ một cấp vì Chủ tịch Hội đồng thành viên là do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thẩm định của các ban Đảng trung ương có liên quan. Còn bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải là do Bộ trưởng Bộ GTVT bổ nhiệm.

Trước khi có kết luận Thanh tra Chính phủ, chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào về Vinalines thua lỗ hay ông Dũng sai phạm.

dinhla thang
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình, đúng quy định, đúng thẩm quyền đã được các cơ quan chức năng có liên quan thẩm định"

Tôi về Bộ GTVT tháng 8/2011 thì tháng 9 tôi đã làm việc với tập thể Đảng bộ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Sau đó Tổng giám đốc Vinalines và các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT có trao đổi lại với tôi về tình hình ở Vinalines có thể nói là mất đoàn kết nội bộ từ lâu, chính vì vậy Ban cán sự Đảng quyết tâm đưa ông Dũng khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines.

Nhưng vì trước đó chưa có thông tin gì về sai phạm khuyết điểm gì của ông Dũng, thậm chí khi làm thủ tục đưa ông Dũng sang làm Cục trưởng Cục hàng hải thì ông Dũng đang là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng thành viên, Thường vụ Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương. Và trong tất cả các nhận xét đánh giá cán bộ cuối năm, hàng năm đều được nhận xét đánh giá là rất tốt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chúc mừng ông Dương Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) khi nhậm chức. Ảnh: Cục Hàng hải
Bộ trưởng Đinh La Thăng chúc mừng ông Dương Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) khi nhậm chức. Ảnh: Cục Hàng hải

Thực tế đến trước khi có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin gì của cơ quan thanh tra hay công an cũng như đơn tố cáo sai phạm của ông Dũng.

Bộ trưởng vừa nói ở thời điểm bổ nhiệm ông Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải chưa có thông tin sai phạm của Vinalines, vậy mục đích điều chuyển công tác của ông Dũng từ Vinlines sang Cục hàng hải (Bộ GTVT) lúc đó là gì?

Việc Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Vinalines không thống nhất với nhau về quan điểm về cách làm thì sẽ ngăn cản sự phát triển, nhất là trong bối cảnh Vinalines đang đứng trước khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới.

Chính vì vậy, mục đích là tách Chủ tịch với Tổng giám đốc ở Vinalines để đảm bảo sự đoàn kết trong Vinalines, vì ở đơn vị này có biểu hiện của sự mất đoàn kết nội bộ, đồng thời để đẩy mạnh thực hiện chiến lược biển và đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu Vinalines.

Dư luận đang rất băn khoăn là tại thời điểm bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng chưa kết thúc thanh tra. Tại sao Bộ GTVT không đợi kết thúc thanh tra rồi hãy bổ nhiệm?

Như tôi đã nói từ tháng 9 lãnh đạo Bộ đã có chủ trương điều chuyển ông Dũng ra khỏi vị trí khác. Và việc điều chuyển ông Dũng là quyết tâm rất cao của lãnh đạo bộ, của tập thể Ban cán sự sau hơn 1 tháng trời vận động, động viên cuối cùng ông Dũng mới chấp thuận về Cục Hàng hải.

Nếu là thẩm quyền của tôi thì tháng 9 tôi đã quyết định xong rồi chứ không phải đợi đến gần khi có quyết định thanh tra rồi mới bổ nhiệm. Nhưng vì quy trình làm thủ tục quá lâu từ lúc đề xuất tháng 10/2011 nhưng đến tháng 2/2012 mới có quyết định nên mới giáp thời gian có kết quả thanh tra như vậy.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành của nhà nước, hoạt động thanh tra với các đơn vị, các doanh nghiệp thì mọi hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị đều diễn ra một cách bình thường trong đó cả về công tác nhân sự. Và khi đã điều động cán bộ sang vị trí khác thanh tra phát hiện sai phạm thì vẫn phải chấp hành chứ không có nghĩa điều đi là hết trách nhiệm.

Khi về làm Bộ Trưởng Bộ GTVT, ông đã biết gì về năng lực cũng như đạo đức của ông Dũng?

Trước đó tôi biết ông Dũng qua sinh hoạt Đảng uỷ tại khối doanh nghiệp Trung ương.

Cuối năm 2010, tại đại hội Đảng khối doanh nghiệp Trung ương, ông Dũng vẫn được bầu vào Ban chấp hành Đảng uỷ và được Ban chấp hành bầu vào thường vụ Đảng uỷ khối đồng thời còn được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là đánh giá chính thống nhất của tổ chức về năng lực, đạo đức cán bộ.

Còn hỏi cụ thể về con người ông Dũng thì tôi không biết. Theo tôi việc đánh giá một con người là một quá trình rất phức tạp và phải dựa vào tập thể chứ không thể dựa vào cá nhân được.

Vì sao báo cáo kiểm toán nhà nước báo cáo các năm từ 2007 đến 20010 Vinalines đều làm ăn tốt và có lãi, nhưng kết luận Thanh tra Chính phủ lại nói lỗ?

Bắt đầu từ 2008 xuất hiện khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam đương nhiên cũng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều bị ảnh hưởng.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu và vận tải biển bị ảnh hưởng lớn nhất, cước vận tải giảm từ 60 đến 90%. Trước tình hình đó một số các doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có Vinalines đã báo cáo và được Bộ Tài chính cho phép giãn khấu hao và chênh lệch tỉ giá cho nên căn cứ vào quyết định của Bộ Tài Chính như vậy thì Vinalines đã hạch toán và kết quả là trong các năm đều có lãi.

Cụ thể năm 2007 lãi 943 tỷ đồng, 2008 lãi 1.212 tỷ, 2009 lãi 342 tỷ đồng, 2010 lãi 114 tỷ. Nhưng tôi không hiểu sao thanh tra lại không căn cứ vào văn bản của Bộ Tài Chính để có kết luận phù hợp.

Tại thời điểm hiện này ông Dũng đã có sai phạm qua kết luận của cơ quan điều tra và ông Dũng đang bị truy nã. Nhìn lại việc bổ nhiệm ôngDũng, Bộ trưởng có rút được bài học kinh nghiệp gì không?

Trước hết phải khẳng định việc bổ nhiệm ông Dũng là đúng quy trình, đúng quy định, đúng thẩm quyền đã được các cơ quan chức năng có liên quan thẩm định kỹ.

Tuy nhiên qua việc này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm sâu sắc là cần phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận.

Còn quy trình quy định bổ nhiệm tôi khẳng định là hoàn toàn đúng đắn. Nếu sai về quy trình, quy định bổ nhiệm ông Dũng tôi xin chịu trách nhiệm.

Việc bổ nhiệm cán bộ Bộ, ngành hiện này về quy trình thủ tục hầu hết đều đúng nguyên tắc, nhưng cán bộ khi được bổ nhiêm vẫn chưa đáp ứng được công việc, hoặc có những sai phạm. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Quản lý nhà nước, bổ nhiệm sử dụng cán bộ thì phải theo quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng của Nhà nước.

Tập thể lãnh đạo có xem xét nhiều lần đánh giá từ dưới cơ sở đến các cơ quan liên quan. và mình tôi không thể quyết định được. Nếu tôi có quyền quyết định tôi đã quyết định anh Dũng từ Vinalines lên Bộ ngay từ tháng 9/2011, vì nói gì thì nói anh là bí thư Đảng uỷ đơn vị anh để mất đoàn kết ở Vinalines là anh phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào khi các Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bổ nhiệm Cục trưởng Dương Chí Dũng là bất bình thường?

Đó là quyền của các Đại biểu Quốc hội, tôi hoàn toàn trân trọng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, mỗi người có một cách tiếp cận và đánh giá khác nhau. Việc bổ nhiệm ông Dũng đã theo đúng quy trình quy định của Đảng, Nhà nước. Tôi không thấy có gì bất bình thường.

Uy tín của Bộ trưởng và Bộ GTVT sẽ ảnh hưởng và xấu đi không sau vụ việc này?

Ông Dũng vi phạm khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines từ năm 2007, sai phạm khi đang đương chức ở Tổng Công ty cách đây 5 năm chứ không phải là ở vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải.

Cá nhân Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm gì?

Việc ký quyết định bổ nhiệm có sai không? Sai Bộ trưởng mới chịu trách nhiệm. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu tôi sai!

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ giải trình làm rõ vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng Hải.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Nội vụ giải trình làm rõ vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng Hải. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Nội vụ trước ngày 31/5 phải có báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trong khi Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).