Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ


Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 9,5%-10%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt tương đương 4.600 USD và năm 2020 đạt 6.400 USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH vùng Đông Nam Bộ

Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 97-98% trong tổng số GDP của vùng năm 2020, trong đó dịch vụ chiếm trên 44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90% vào năm 2020. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất và xã hội chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế và khu vực Đông Nam Á.

Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao

Theo Quy hoạch, sẽ ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: Khai thác dầu khí, điện tử và sản xuất phần mềm; cơ khí chế tạo, sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí; công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp thực phẩm…

Hình thành vành đai công nghiệp – đô thị vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ và dô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương.

Bên cạnh đó, xây dựng vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển toàn diện các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại và phân phối; vận tải và kho vận quốc tế; công nghệ thông tin và truyền thông. Hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hợp lý để phát triển dịch vụ phân phối, bao gồm mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho bãi…

Hình thành cơ cấu đa trung tâm, giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm động lực của vùng; đầu mối của hợp tác liên vùng và quốc tế; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo và khoa học – công nghệ của vùng và cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo nhiều giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao.

Khu vực 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động của vùng, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng bộ phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn, nhanh chóng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật trong các ngành kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển cho khu vực các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Khu vực 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác đồng thời khai thác lợi thế các khu vực kinh tế cửa khẩu.

Về phát triển và phân bố hệ thống đô thị, sẽ hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng ngoại vi xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, sẽ phát triển các đô thị Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I và đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Đồng thời, phát triển các đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh như Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An – Thuận An. Phát triển các hành lang đô thị hóa từ thành phố Hồ Chí Minh gắn với các trục quốc lộ 1A, 51, 22 và 13.

0 Comments:

Đăng nhận xét