Theo tờ "The Nation" của Thái Lan, khi nước này đóng vai trò như một quốc gia điều phối mới cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc bắt đầu từ tháng Bảy tới, người ta rất hy vọng rằng nước này, với mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, có thể duy trì hòa bình và ổn định thông qua việc xử lý các tuyên bố gây tranh cãi trên Biển Đông đầy rắc rối.
Trong ba năm qua (2009-2012), dưới vai trò điều phối của Philíppin, căng thẳng trong vùng biển giàu khoáng sản này đã làm gia tăng các mối lo ngại thật sự với ASEAN và cộng đồng quốc tế về khả năng xung đột vũ trang. Để chuẩn bị cho sự tham gia trong tương lai của mình trong cả bối cảnh song phương và ASEAN, Thái Lan và Trung Quốc đã nhanh chóng phối hợp và tích cực đáp lại các mục tiêu an ninh của từng bên như thể họ đã làm đồng minh của nhau từ lâu nay.
Chuyến thăm cấp cao của tất cả các quan chức quân sự chóp bu Thái Lan tới Trung Quốc gần đây thể hiện một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Mỹ và khu vực, đặc biệt là Campuchia, rằng quan hệ an ninh và quốc phòng Thái Lan-Trung Quốc là cực kỳ chắc chắn, không phải bàn cãi. Trong những tuần và những tháng tới đây, hai nước sẽ phải thể hiện một cách rõ ràng trong việc đưa ra các cam kết của họ và mở rộng hợp tác để duy trì đối tác chiến lược đặc biệt của họ, nếu không nó sẽ chỉ là một cuộc "hôn nhân" vụ lợi. Các chính sách và hành động - trong suy nghĩ hay trên thực tế - từ nay đều có thể ảnh hưởng rộng rãi tới các quan hệ ASEAN-Trung Quốc và trong nội bộ ASEAN.
Trong cuộc gặp trực tiếp tại Bắc Kinh giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp Thái Lan Sukhupol Suwannathat, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cũng tham gia cùng. Chủ đề họ thảo luận là hai vấn đề nhạy cảm tập trung vào Biển Đông và cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền Hindu từ thế kỷ 12, được biết với cái tên Khao Praviharn trong tiếng Thái và Preah Vihear trong tiếng Khơme. Cả hai nước đều khẳng định sẽ ủng hộ nhau trong các vấn đề riêng của mình.
Liên quan tới căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là sự bế tắc kéo dài ba tuần nay giữa Trung Quốc và Philíppin xung quanh bãi đá ngầm Scarborough hay còn gọi là Hoàng Nham trong tiếng Trung, Bắc Kinh đã cố gắng tách các thành viên ASEAN không có tuyên bố chủ quyền ra khỏi lập trường quyết đoán của Philíppin. Manila đã rất thất vọng vì thiếu sự ủng hộ của ASEAN. Với vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thái Lan bỗng nhiên trở thành trọng tâm chính trong sự tấn công ngoại giao của Trung Quốc.
Trong khi các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan mạnh mẽ ủng hộ Trung Quốc về một loạt vấn đề song phương và khu vực, Bộ Ngoại giao Thái Lan lại không nhìn nhận sự ủng hộ này như là chính sách đối ngoại của đất nước để có thể xem xét một cách toàn diện hay từng trường hợp trước khi quyết định thực hiện. Với Trung Quốc và Biển Đông, vấn đề rất phức tạp và nhiều chiều. Rõ ràng Thái Lan đang trong tình thế khó xử đối với vấn đề tranh chấp bãi đá ngầm giữa Trung Quốc và Philíppin kể cả sau khi đã nghe lời giới thiệu tại Băngcốc của các nhà ngoại giao Trung Quốc vào cuối tháng Tư vừa qua. Trung Quốc đã khẳng định lại chủ quyền của họ đối với khu vực tranh chấp này khi nói họ có cơ sở lịch sử và pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong thời gian qua, lập trường của Thái Lan đơn giản hơn: các bên liên quan tới tranh chấp nên giải quyết vấn đề của mình một cách hòa bình, thực hiện theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và ASEAN có thể tạo điều kiện đối thoại để đi tới các giải pháp cuối cùng.
Trung Quốc rất muốn sớm đưa Thái Lan về cùng một phe vì hai lý do. Đầu tiên là để khẳng định rằng Trung Quốc vẫn tham gia việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với ASEAN. Các quan chức cấp cao ASEAN sẽ lại gặp gỡ trong lần thứ 5 tại Bangdung, Inđônêxia nhằm thảo luận đề xuất của Philíppin thiết lập một khu vực hợp tác chung và các nguyên tắc về cơ chế giải quyết tranh chấp trước khi các Bộ trưởng ASEAN thông qua vào tháng Bảy. Tại cuộc gặp gần đây nhất ở Phnôm Pênh, ASEAN chưa nhất trí về những yếu tố then chốt của COC. Thực ra, một số thành viên ASEAN muốn đưa Trung Quốc, nước mong muốn tham dự từ tháng 11 năm ngoái, vào tham gia để cả ASEAN và Trung Quốc có thể nhất trí và thông qua COC. Cả hai bên đã lãng phí 10 năm trước khi nhất trí về các đường hướng vào năm ngoái để đi tới giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Philíppin và Việt Nam, hai nước có tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ, lại muốn ASEAN giải quyết tất cả "các vấn đề như mong muốn" trước bất kỳ một cuộc gặp nào với các đối tác Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc cũng hiểu rõ rằng quân đội Thái Lan ít bị ảnh hưởng trong chỉ đạo đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN, ngoại trừ trường hợp họ đang đối mặt với các vấn đề an ninh quốc gia. Ví dụ trong vấn đề Thái Lan-Campuchia hiện nay, các nhà lãnh đạo quân đội không hoàn toàn tuân thủ các quyết định do Bộ Ngoại giao đề xuất. Việc không thể triển khai được Nhóm quan sát viên Inđônêxia dọc biên giới tranh chấp là một ví dụ minh họa điển hình. Một điều biết trước là theo trình tự, mối quan hệ an ninh mạnh mẽ Trung Quốc-Thái Lan có thể gặp khó khăn khi nó được đặt trong bối cảnh cuộc xung đột song phương với Campuchia cùng với vai trò chồng lấn của ASEAN đối với các bên xung đột.
Thái Lan có thể đã quên các quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Trung Quốc và Campuchia sau chính sách lập lại quan hệ hữu nghị của Thủ tướng Hun Sen vào cuối năm 1999. Ông Hun Sen đã một tay tạo dựng mối quan hệ Campuchia-Trung Quốc và đưa Trung Quốc trở thành người bạn số 1 của Campuchia. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là sự hỗ trợ to lớn và dài hạn của Trung Quốc, gồm cả dòng đầu tư mới. Từ năm 1994-2011, Trung Quốc đã đầu tư 8,8 tỷ USD vào Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn nhất cũng như là nhà tài trợ lớn nhất với 2,1 tỷ USD kể từ năm 1992. Hiện nay, tại Campuchia cũng đã có sự hiện diện đông đảo của cộng đồng người Trung Quốc nhập cư, chủ yếu là những doanh nhân, gần 1 triệu trong dân số 14 triệu của đất nước này. Hun Sen đã để lại một ấn tượng cá nhân mạnh mẽ trong chương trình nghị sự ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh tháng Tư vừa qua. Khi các nhà lãnh đạo của thế giới, trong đó có lãnh đạo của Mỹ, Trung Quốc, Nga tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7 tại Phnôm Pênh vào tháng 11 tới, nhà lãnh đạo lâu năm nhất của khu vực này sẽ thể hiện sự khéo léo ngoại giao trong việc củng cố hình ảnh của ASEAN.
Nhưng sự thẳng thắn của ông Hun Sen và cuộc xung đột Thái Lan-Campuchia có thể đi sang một hướng, đặc biệt là sau khi Tòa án Quốc tế tại La Hay sẽ có phán quyết vào cuối năm nay và nó có thể ảnh hưởng tới tình hình hiện nay tại biên giới tranh chấp. Phán quyết của tòa án có thể là phép thử cho các quan hệ tay ba Trung Quốc-Thái Lan-Campuchia. Khi hai người bạn ASEAN tốt nhất của Trung Quốc giao chiến và sử dụng vũ khí của Trung Quốc, nó có thể trở thành thảm họa. Tại cuộc gặp gỡ trực tiếp với các lãnh đạo Trung Quốc, Thái Lan đã rất quan tâm tìm hiểu chi tiết về hệ thống bệ phóng tên lửa phức hợp BM-21 do Trung Quốc sản xuất. Thái Lan vẫn dựa vào hệ thống vũ khí hiệu quả do Mỹ sản xuất. Không giống như quan hệ an ninh Thái Lan-Trung Quốc, liên minh Thái Lan-Mỹ không có những lợi ích đồng thời vào một thời điểm kể cả khi gần đây Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm sang châu Á.
Vấn đề được đặt ra hiện nay: Liệu Campuchia với tư cách chủ nhà ASEAN và Thái Lan với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc có thể cùng nhau ngăn cản được sự thất bại trong vấn đề Biển Đông? Dường như câu trả lời sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thuyết phục hai người bạn ASEAN không có tuyên bố chủ quyền Biển Đông giải quyết xung đột và cải thiện mối quan hệ nhằm ngăn chặn bất cứ sự ảnh hưởng nào đối với quyền lợi ngày càng lớn của Trung Quốc./.
Theo The Nation
Trần Quang (gt)
0 Comments:
Đăng nhận xét