Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Chiến tranh Việt Nam - Cuộc so găng quyết liệt trên mặt trận tình báo

Báo cáo từ chuyến đi thực tế của Maxwell Taylor vào tháng 10-1961 đã ghi rằng VNCH đúng là cần được quân đội Mỹ hỗ trợ. Ngày 11-12-1961, gần hai tháng sau khi Kennedy gửi lá thư cho Ngô Đình Diệm, viết rằng “Mỹ quyết định giúp Việt Nam giành độc lập…”, hai nhóm quân đội và thiết bị quân sự gồm 33 trực thăng bắt đầu đến Sài Gòn, cùng 4 máy bay một động cơ dùng huấn luyện và 400 viên chức-nhân viên quân đội Mỹ.

Cuộc chiến “Mỹ hóa” chính thức mở màn

Hôm sau, tờ New York Times viết: “Sự ủng hộ quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ dành cho cuộc chiến Nam Việt Nam chống du kích Việt Nam đã được tiến hành”. Hơn 10 ngày sau, 22-12-1961, chuyên gia quân sự James Davis đã trở thành người lính Mỹ đầu tiên bị du kích Việt Nam tiêu diệt. Cuộc chiến “Mỹ hóa” tại Việt Nam thật sự mở màn.


Nhiều cuộc hành quân của lính Mỹ đã bị tấn công chớp nhoáng nhờ hoạt động hiệu quả của quân báo miền Bắc Việt Nam

Giữa năm 1964, đã có 16.000 lính Mỹ tại Việt Nam và cuộc chiến bắt đầu ngốn 1,5 triệu USD/ngày. Hủy bỏ kế hoạch trà trộn vào miền Bắc Việt Nam của CIA, tân Tổng thống Lyndon B. Johnson yêu cầu bộ tổng tham mưu Mỹ phác thảo chiến dịch nặng tay hơn, đủ mạnh để buộc miền Bắc Việt Nam ngưng cuộc chiến du kích tại miền Nam.

Chiến dịch OPLAN 34A ra đời, một kịch bản phối hợp giữa CIA và Lầu Năm Góc, một kế hoạch “hoàn toàn vô giá trị” - như thú nhận của (nguyên) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara sau này. Trong khi đó, hoạt động quân báo Mỹ vẫn triển khai. Đầu năm 1964, số lính-sĩ quan quân báo Mỹ tại Việt Nam đã lên đến 1.747 người, trong đó 300 người đóng ở Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, còn có nhóm quân báo thủy quân lục chiến đóng ở Pleiku và quân báo không quân đóng ở Đà Nẵng. Một mạng kết nối các điểm nghe lén được thiết lập bí mật ở Nha Trang, Cần Thơ, Biên Hòa, Pleiku, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột - tất cả đều được đấu liên lạc trực tiếp với tổng hành dinh NSA tại Mỹ qua một sợi cáp ngầm dưới biển kéo từ Nam Việt Nam đến Philippines.

Mật danh Wetwash, sợi cáp này còn truyền về bộ chỉ huy NSA các thông điệp phức tạp vượt quá khả năng giải mã của quân báo Mỹ tại Sài Gòn…

Lỗ hổng của quân báo Mỹ

Theo tác giả James Bamford trong Body of Secrets, quân báo miền Bắc Việt Nam đã chơi nhiều vố khá đau cho quân báo Mỹ. Một báo cáo tuyệt mật NSA từng ghi: “Một bức tranh rõ ràng và thậm chí mang tính đe dọa về sự thành công của quân báo Việt Nam chống lại kỹ thuật quân báo phe đồng minh (ở đây hiểu là Mỹ) đã dần xuất hiện”.

Cuối thập niên 1960, một số vị trí nghe lén của quân báo Việt Nam bị phát hiện. “Đánh giá thiết bị tịch thu được đã cho thấy đơn vị quân báo kẻ thù có thể nghe hầu như tất cả liên lạc Morse của Mỹ và đồng minh.

Tài liệu cho thấy đối phương đã rất am hiểu kỹ thuật quân báo…”. Tình báo Mỹ đánh giá rằng miền Bắc Việt Nam có khoảng 5.000 chuyên viên bắt tín hiệu và “đang thực hiện một chiến dịch quân báo cực kỳ phức tạp nhắm trực tiếp vào Mỹ và lực lượng đồng minh tại Nam Việt Nam”.

Hậu quả của lỗ hổng quân báo Mỹ và kỹ thuật quân báo miền Bắc Việt Nam đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Tướng Charles R. Myers (sĩ quan quân báo từng làm việc tại Việt Nam) kể rằng “kẻ thù thường biến mất khỏi vị trí nào đó trước khi một kế hoạch chiến dịch oanh tạc định sẵn của Mỹ tiến hành” và “B-52 thường xuyên dội bom xuống các địa điểm không người mà trước đó quân báo Mỹ từng cung cấp thông tin về sự tập trung đông của quân đội Việt Nam”.

Trận đánh ngày 11-2-1965 là một điển hình, khi chiến hạm USS Hancock dội pháo xuống căn cứ quân đội Việt Nam tại duyên hải miền Bắc. Không hiểu bằng cách nào, chiến dịch tuyệt mật tưởng thành công chắc chắn này đã không hề “bất thần” hạ được chiếc tàu hoặc căn cứ quân đội Việt Nam nào trong khi oanh tạc cơ Mỹ lại được đón chào bằng loạt pháo cao xạ.

Theo vài phân tích mật NSA thời điểm đó, một trong những nguyên nhân khiến quân báo Mỹ thất bại là sự rò rỉ từ quân báo VNCH. Đó là chưa kể việc quân báo Việt Nam học được cách giải mã từ chính những thiết bị quân báo Mỹ mà họ tịch thu được, đặc biệt thiết bị TPHZ-3 - có thể nghe 30 line điện thoại cùng một lúc.

Năm 1967, từ thiết bị này, quân báo Mỹ đã nghe được 6.606.539 cuộc điện đàm vô tuyến và hơn 500.000 điện đàm điện thoại. Trong một lần, TPHZ-3 đã cứu được mạng tướng Creighton W. Abrams (phó tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam). Khi Abrams chuẩn bị lên trực thăng từ Sài Gòn ra Phú Bài, quân báo Việt Nam đã lập tức truyền tín hiệu báo cáo trung tâm về lịch trình của Abrams. Tuy nhiên, lần này, TPHZ-3 đã bắt được tín hiệu liên lạc trên; nếu không, Abrams đã thiệt mạng.

Quân báo Việt Nam cũng thành công trong việc tung tin giả bằng cách ngụy tạo thông điệp và “sơ hở” gửi truyền; đồng thời dụ quân báo Mỹ truyền thông tin nhạy cảm để họ bắt được! NSA gọi đây là kỹ thuật “sự lừa phỉnh viễn thông mô phỏng” (ICD). Bằng ICD, quân đội Việt Nam đã bắn hạ ít nhất 8 trực thăng Mỹ trong một chiến dịch. ICD cũng được thể hiện ở hình thức khác.

Trong một vụ đánh ở căn cứ không quân Mỹ tại Đà Nẵng, du kích Việt Nam đầu tiên giết chết lính canh Mỹ rồi dùng điện thoại “báo động” rằng góc mé xa căn cứ “đang bị cộng quân tấn công”. Toán lính canh Mỹ lập tức được điều động đến khu vực “đang giao tranh”.

Hậu quả, an ninh căn cứ bị bỏ lỏng và căn cứ bị bộ đội tấn công bất ngờ. Lần đó, trị giá số máy bay Mỹ bị phá hỏng lên đến 15 triệu USD. Lần khác, quân đội Việt Nam dùng tần số liên lạc trực thăng để giả giọng trung tâm chỉ huy, yêu cầu trực thăng chuyển hướng bay và cuối cùng nó bị bắn cháy.

Theo cùng cách, “có vô số lần mà máy bay Mỹ bị “hướng dẫn” dội bom vào chính đồng đội họ và nhiều lần khác, du kích có thể ngăn được cuộc tấn công của Mỹ bằng cách tạo ra mệnh lệnh ngừng bắn giả” - James Bamford viết…

Phúc Cẩm

0 Comments:

Đăng nhận xét