Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tích cực đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào đời sống

Sáng nay (27/2), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt, quán triệt Nghị quyết. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tham dự hội nghị còn có hơn 1.000 đại biểu.

Tại phiên khai mạc, Hội nghị đã nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị .

Tổng Bí thư nêu rõ: Trong mọi giai đoạn, Đảng ta rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận đã tác động, tạo nên những chuyên biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo Tổng Bí thư có 4 lý do cần thiết phải ban hành Nghị quyết: Thứ nhất trong mọi giai đoạn công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong giai đoạn đất nước đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng.

Thứ hai là trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.

Thứ ba là trong thực tế thời gian qua, đã có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá điên cuồng sự nghiệp đổi mới của Đảng ta nhằm xóa bỏ chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng hơn nữa lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo.

Chính vì vậy ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.

Tổng Bí thư cũng phân tích những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trên cả 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, chỉ ra tính chất, phạm vi, xu thế và hậu quả của những yếu kém, khuyết điểm.

Đáng chú ý trong những nguyên nhân chủ quan là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Nguyên tắc tập trung dân chủ thực hiện chưa tốt, bị buông lỏng, không ít nơi có tình trạng dân chủ hình thức; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém, thiếu thẳng thắn, thiếu trung thực…

Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách pháp luật thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời, công tác cán bộ còn nhiều bất cập…. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Việc kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết…

Trên cơ sở xác định ba nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nêu trên, Trung ương đã chỉ ra các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp giữa “chống và xây” “xây và chống”, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất, cấp bách nhất với 4 nhóm giải pháp.

Đó là Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong và gương mẫu của cấp trên; Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp về công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng.

Những việc cần làm ngay là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tự giác, gương mẫu, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ nội dung, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham những, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm. Cần đặc biệt chú ý chuẩn bị và tiến hành tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn đạo đức lối sống của bản thân và của người thân trong gia đình.

Về một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm hành động; ngay sau khi kết thúc Hội nghị, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo hướng dẫn của các ban Đảng và cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai có hệ thống Nghị quyết phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, ngành mình; từng cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, phải gương mẫu làm trước…; Phải thực hiện các nhiệm vụ và các giải pháp một cách đồng bộ, tổng hợp, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm…; Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, tránh làm lướt, qua loa, hình thức, chiếu lệ…; Phải đặt việc thực hiện Nghị quyết trong tổng thể thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ… Phải thật sự tự giác, chân thành, công tâm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tập trung nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến để tạo thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cùng trong ngày làm việc hôm nay, Hội nghị đã nghe phổ biến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị; nghe phổ biến hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình của cán bộ, đảng viên; nghe hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm” và Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cuối giờ chiều nay, các đại biểu làm việc tại tổ, thảo luận quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị và góp ý kiến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ làm việc đến ngày 29/3./.



- {http://nguyenphutrong.net/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tich-cuc-dua-nghi-quyet-trung-uong-4-vao-doi-song.html}

0 Comments:

Đăng nhận xét